Chuyên gia: Trung Quốc sẽ bị buộc phải trả giá nếu leo thang ở Biển Đông

Theo tác giả Ngô Di Lân, Mỹ cần thực hiện một chiến lược “Phản ứng Linh hoạt” với mục tiêu lớn nhất là hạn chế và vô hiệu hóa các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ và cán cân quyền lực ở Biển Đông bằng cách buộc nước này phải trả giá cho mọi hành động thiếu xây dựng và gây leo thang căng thẳng.
Mỹ từng điều bộ ba chiến lược bao gồm các máy bay B-2 Spirit, B-1B và B-52 tới thị uy ở Biển Đông, phát tín hiệu cứng rắn với Trung Quốc
Mỹ từng điều bộ ba chiến lược bao gồm các máy bay B-2 Spirit, B-1B và B-52 tới thị uy ở Biển Đông, phát tín hiệu cứng rắn với Trung Quốc

(tiếp theo kỳ trước)

Chuyên gia Mỹ đề xuất kiềm chế Trung Quốc như với Liên Xô

Vì những lý do trên, ông Ngô Di Lân cho rằng không những chiến lược kiềm chế như đã được đề xuất không khả thi vào lúc này mà nó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phản tác dụng nữa. Xét về khía cạnh thiết yếu, tác giả cũng nhận định rằng chưa đến lúc Mỹ buộc phải thực thi chính sách kiềm chế toàn diện đối với Trung Quốc.

Thứ nhất, mặc dù Trung Quốc có nhiều lợi ích kinh tế ở Nam Mỹ, ở Châu Phi và kể cả ở Trung Đông nhưng họ không sẵn sàng can thiệp vào những nơi đó như Liên Xô và họ cũng không có nguồn lực để lật đổ chính quyền ở các nước láng giềng để thành lập các quốc gia vệ tinh như Liên Xô đã từng làm ở Đông Âu. Nói cách khác, Trung Quốc chưa đặt ra các thách thức ở quy mô toàn cầu cho Mỹ như Liên Xô ngày trước.

Thứ hai, nhìn vào biểu hiện của Trung Quốc kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đa phần các học giả hiện nay đều cho rằng Trung Quốc không phải là một thế lực “cách mạng” (revolutionary power). Nói cách khác, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa cho thấy tham vọng lật đổ trật tự thế giới hiện nay do Mỹ đứng đầu và thiết lập một trật tự thế giới của riêng mình. Lý do bởi họ là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ trật tự thế giới hiện nay. Chỉ sau hơn ba thập kỷ mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên vị trí số hai và đưa hàng trăm triệu người dân Trung Quốc thoát cảnh đói nghèo. Đây là một điều không tưởng dưới bất kì một trật tự kinh tế – chính trị nào khác.

Nền kinh tế dựa trên xuất khẩu của Trung Quốc sẽ phát triển phồn thịnh nhất trong một thế giới tự do với an ninh hàng hải được đảm bảo bởi hải quân Mỹ. Điều này không có nghĩa rằng đây là trật tự thế giới lý tưởng nhất đối với Trung Quốc về mọi mặt. Nếu có quyền lựa chọn, các lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn sửa đổi một số “luật chơi” cho công bằng hơn. Tuy nhiên điểm mấu chốt ở đây là các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa bất mãn đến độ cảm thấy buộc phải lật đổ trật tự hiện nay và thay thế bằng một trật tự thế giới của riêng mình.

Không quân Trung Quốc lần đầu tiên tiến ra diễn tập ở khu vực tây Thái Bình Dương
Không quân Trung Quốc lần đầu tiên tiến ra diễn tập ở khu vực tây Thái Bình Dương
Chiến đấu cơ J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh - niềm tự hào của Trung Quốc
Chiến đấu cơ J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh - niềm tự hào của Trung Quốc
Binh sĩ Trung Quốc và Nga tập trận đổ bộ chiếm đảo ở Biển Đông hồi tháng 9/2016
Binh sĩ Trung Quốc và Nga tập trận đổ bộ chiếm đảo ở Biển Đông hồi tháng 9/2016

Cuối cùng, tuy Trung Quốc nay đã hùng mạnh hơn trước rất nhiều nhưng xét về mọi mặt vẫn còn thua kém Mỹ rất nhiều. Một nghiên cứu mới đây đã khảo sát ý kiến của hơn 300 học giả hàng đầu Trung Quốc về quan hệ quốc tế tại một hội thảo ở Bắc Kinh. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy đa số các chuyên gia đều tin rằng Trung Quốc sẽ khó có thể vượt mặt được Mỹ trong vòng 10 năm tới và họ tin rằng chính sách xoay trục của Mỹ đang đặt ra thách thức lớn đối với Trung Quốc và là nguyên nhân dẫn đến các chính sách cứng rắn mới đây của chính quyền Bắc Kinh. Do đó, Mỹ không có lý do gì để tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt nếu như đây là một sự trỗi dậy thực sự hòa bình.

Kiềm chế, không cho phép bá quyền Biển Đông

Mỹ cần phải chấp nhận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thực tế không thể chối bỏ và Mỹ gần như không thể làm gì để kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc mà không tự gây tổn hại chính mình. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc Mỹ nên khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc chèn ép các nước láng giềng và ngang nhiên độc chiếm Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. Hiện nay chính quyền Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược “tằm ăn dâu” từng bước mở rộng phạm vi kiểm soát của mình ở Biển Đông với mục tiêu cuối cùng là thâu tóm toàn bộ vùng biển trọng yếu này. Đây mới là mối đe dọa thực sự đối với lợi ích an ninh của Mỹ.

Một khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Mỹ và các đồng minh không thể hóa giải được chiến lược bành trướng của họ, Bắc Kinh sẽ kết luận rằng đây là một cách thức tốt để thách thức Mỹ ở các khu vực khác, sát sườn với Mỹ hơn khi điều kiện cho phép. Chúng ta cũng biết rằng các quốc gia luôn có xu hướng “sao chép” các chính sách có hiệu quả của các nước khác. Chính vì thế, rất có thể những đối thủ khác của Mỹ hiện nay cũng sẽ học theo mô hình của Trung Quốc ở Biển Đông và áp dụng nó ở những khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Mỹ và các đồng minh như ở Đông Âu.

Hơn nữa, Mỹ cần phải ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông bởi những hành động hiện nay của Trung Quốc là những đòn tấn công trực tiếp vào trật tự khu vực dựa trên luật lệ (rules-based). Tất cả những gì Trung Quốc đang làm hiện nay, từ bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp cho tới dùng vũ lực để uy hiếp tàu bè của các nước láng giềng là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Cận cảnh Đá Subi bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam
Cận cảnh Đá Subi bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam

Nếu Mỹ không thuyết phục được Trung Quốc ngưng những hành động trên có nghĩa là họ ngầm chấp nhận cho Trung Quốc dùng sức mạnh của mình để thay đổi hiện trạng, bất chấp luật pháp quốc tế. Cuối cùng, lúc này là cơ hội tốt nhất để Mỹ có thể ngăn chặn được bước tiến của Trung Quốc bởi sức mạnh của Trung Quốc vẫn còn chưa ngang bằng với Mỹ. Có thể trong 5, 10 năm tới Trung Quốc sẽ suy yếu và không còn là mối hiểm họa nữa nhưng có thể họ sẽ trở nên ngang bằng với Mỹ hoặc thậm chí là mạnh hơn. Lúc đó dù Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông, họ cũng sẽ không còn cơ hội nữa.

Vậy phải làm thế nào để có thể kiềm chế được Trung Quốc ở Biển Đông? Theo tác giả Ngô Di Lân, Mỹ cần thực hiện một chiến lược “Phản ứng Linh hoạt” với mục tiêu lớn nhất là hạn chế và vô hiệu hoá các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ và cán cân quyền lực ở Biển Đông bằng cách buộc nước này phải trả giá cho mọi hành động thiếu xây dựng và gây leo thang căng thẳng. Chiến lược này có bốn đặc điểm chính: kịp thời, độc lập, chọn lọc và tương xứng.

Thứ nhất là, kịp thời: Mỹ cần trả đũa kịp thời sau khi Trung Quốc có hành động leo thang căng thẳng để gửi đi tín hiệu rằng Trung Quốc sẽ phải trả giá cho bất kì hành động nào không mang tính chất xây dựng, dù lớn dù nhỏ. Ví dụ thực tế là chỉ hai ngày sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ trên vùng biển Hoa Đông, Mỹ đã lập tức điều hai “pháo đài bay” B-52 bay qua để gửi đi tín hiệu rằng mình không công nhận ADIZ của Trung Quốc. Việc buộc Trung Quốc phải trả giá ngay lập tức cho tất cả các hành động thiếu tính xây dựng ở Biển Đông sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh rằng những bước đi gây leo thang căng thẳng của họ sẽ “lợi bất cập hại”.

Thứ hai là, độc lập: biện pháp trả đũa phải được thực hiện một cách độc lập, tức mỗi đòn trả đũa đều phải là một hành động cụ thể và đủ đơn giản để Mỹ có thể triển khai tức thì. Chẳng hạn cụ thể của một hành động trả đũa độc lập là việc Mỹ đưa tàu khu trục USS Lassen đi qua vùng 12 hải lý để thách thức yêu sách chủ quyền (ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế) của Trung Quốc ở Biển Đông vào cuối năm 2015. Một đòn trả đũa sẽ độc lập nếu nó không cần phải được triển khai cùng lúc với nhiều biện pháp khác và không cần sự đồng ý hay phối hợp của các bên khác.

Thứ ba là, chọn lọc: đòn trả đũa phải nhắm vào các mục tiêu cụ thể để nhắm vào. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng bởi chọn lọc mục tiêu sẽ giảm thiểu rủi ro Trung Quốc leo thang qua việc đáp trả bằng các đòn trừng phạt ở quy mô lớn. Điều này cũng sẽ giúp xây dựng tính chính đáng cho chính sách kiềm chế của Mỹ bởi các đòn trả đũa hoàn toàn chỉ nhắm vào các đối tượng trực tiếp tham dự vào các hành động nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Ví dụ như thay vì bao vây cấm vận Trung Quốc, Mỹ nên ngăn chặn các hành động cải tạo và bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc thông qua việc trừng phạt các cá nhân và công ty có liên quan đến hành động này. Trong trường hợp này, Mỹ phải nhắm vào công ty nạo vét thuộc Tập đoàn Giao thông và Xây dựng Trung Quốc (CCCC). Đồng thời Mỹ có thể cấm đi lại và phong toả tài sản ở nước ngoài của các quan chức Trung Quốc có liên quan đến các hành động cải tạo và bồi đắp đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Hơn nữa, việc nhắm vào các công ty có thể sẽ tránh cho Mỹ phải đối đầu trực tiếp với chính phủ Trung Quốc.

Mỹ đã điều phi đội F-35 đầu tiên tới đề phòng diễn biến nóng tại châu Á-Thái Bình Dương
Mỹ đã điều phi đội F-35 đầu tiên tới đề phòng diễn biến nóng tại châu Á-Thái Bình Dương
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ vẫn thường xuyên tuần tra ở Biển Đông
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ vẫn thường xuyên tuần tra ở Biển Đông
Máy bay tàng hình không người lái X-47B của Mỹ được xem là loại vũ khí trong các cuộc chiến tương lai
Máy bay tàng hình không người lái X-47B của Mỹ được xem là loại vũ khí trong các cuộc chiến tương lai

Cuối cùng là, tương xứng: độ mạnh của đòn trả đũa phải tương xứng với hành động khiêu khích của Trung Quốc. Yếu tố này sẽ giúp giảm thiểu khả năng leo thang xung đột giữa hai bên, tránh xảy ra chiến tranh trên diện rộng. Hơn nữa, việc phản ứng một cách tương xứng như vậy sẽ giúp người Trung Quốc hiểu rằng họ mới là người quyết định xem Trung Quốc sẽ phải trả cái giá lớn đến mức nào cho các hành động của mình. Nói cách khác, Bắc Kinh cư xử càng thô bạo thì đòn trả đũa càng cứng rắn, Trung Quốc càng mềm mỏng thì đòn trả đũa càng nhẹ nhàng.

Mỹ không thể kiểm soát được sự trỗi dậy của Trung Quốc và hơn nữa, một Trung Quốc giàu mạnh nhưng thân thiện và có trách nhiệm là một nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của cả thế giới. Tuy nhiên, Mỹ không thể khoanh tay đứng trước tham vọng độc bá của Trung Quốc ở Biển Đông, bởi sớm muộn chính sách xâm lấn của Trung Quốc ở vùng biển này sẽ đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh.

Chính quyền Donald Trump đã tuyên bố chấm dứt chính sách xoay trục nhưng cũng như người tiền nhiệm của mình, tân tổng thống Donald Trump sẽ buộc phải đối mặt với thách thức từ Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược phản ứng linh hoạt như đã đề xuất là cách tốt nhất để Mỹ kìm hãm bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chiến lược này sẽ không có tác dụng ngay trong một sớm một chiều nhưng nếu Mỹ có thể duy trì chiến lược này một cách kiên trì và bền bỉ, họ sẽ thuyết phục được các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng việc độc chiếm Biển Đông không những là một mục tiêu bất khả thi mà còn có tổn phí cực kỳ to lớn nếu họ cố chấp theo đuổi. Và nếu Mỹ thành công trong việc thuyết phục Trung Quốc từ bỏ tham vọng ở Biển Đông, họ sẽ không những đảm bảo được ngôi vị dẫn đầu của mình mà còn chứng minh cho tất cả thấy rằng nước Mỹ tiếp tục xứng đáng được lãnh đạo thế giới.

* Tác giả Ngô Di Lân là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Brandeis, Mỹ.

Theo NCQT