Chuyên gia Trung Quốc biện hộ cho sự bành trướng của hải quân Bắc Kinh

VietTimes -- Mặc dù các chuyên gia Trung Quốc ra sức biện hộ như vậy, nhưng có lúc họ đã khẳng định rằng hiện nay, hải quân tất cả các nước ven Biển Đông cộng lại cũng không để đối phó được Hạm đội Nam Hải – Hải quân Trung Quốc. 
Chuẩn đô đốc hải quân Trung Quốc Doãn Trác.
Chuẩn đô đốc hải quân Trung Quốc Doãn Trác.

Hải quân Trung Quốc đang phát triển rất nhanh là một sự thật, nếu theo đuổi các lợi ích trên biển một cách hợp pháp thì không có gì phải bàn, nhưng đòi các đảo và vùng biển lân cận ở Biển Đông là của Trung Quốc thì Hải quân Trung Quốc là một mối đe dọa.

Tờ Jane's Defense Weekly Anh gần đây đã tiết lộ một báo cáo mới nhất của Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ.

Báo cáo cho biết trong 4 năm tới, Trung Quốc sẽ có lực lượng hải quân quy mô lớn nhất thế giới. Báo cáo cho rằng tổng số lượng tàu chiến của Hải quân Trung Quốc sẽ lên tới 270 - 279 chiếc.

Trước đó, Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế Mỹ cũng cho rằng số lượng tàu chiến của Trung Quốc vào năm 2020 sẽ lên tới 265 - 273 chiếc. Trong cùng thời gian, tổng số tàu chiến của Hải quân Mỹ sẽ giảm còn khoảng 260 chiếc.

Báo cáo Mỹ từng cho rằng, mặc dù đến năm 2020 Trung Quốc đứng đầu thế giới về số lượng tàu chiến, nhưng khả năng tác chiến của Hải quân Trung Quốc vẫn có khoảng cách với Mỹ. 

Báo cáo đã tiến hành so sánh các lực lượng tác chiến chủ yếu của Hải quân Trung Quốc và Mỹ vào năm 2020. 

Tàu chiến Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều
Tàu chiến Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều


Đến năm 2020, dự kiến Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu 2 tàu sân bay, 6 - 7 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 5 - 7 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 18 - 20 tàu khu trục, tàu tuần dương lắp hệ thống Aegis.

Cùng thời gian, Hải quân Mỹ sẽ sở hữu 11 tàu sân bay, 51 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, 88 - 91 tàu chiến lắp hệ thống Aegis.

Đối với báo cáo này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV Trung Quốc cho rằng báo cáo Mỹ nói đến năm 2020 số lượng tàu chiến Trung Quốc sẽ vượt Mỹ là một cách nói “thổi phồng”.

Biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương. Ảnh: Tân Hoa xã.
Biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương. Ảnh: Tân Hoa xã.

Doãn Trác cho rằng Mỹ có ý đồ tuyên truyền "mối đe dọa Trung Quốc", lấy Trung Quốc làm lý do để Hải quân Mỹ tranh thủ kinh phí phát triển. Số lượng tàu chiến sẽ không thể hiện khả năng tác chiến của hải quân một nước.

Ngoài số lượng, còn phải tính tới trọng tải bình quân của mỗi chiếc tàu chiến. Trọng tải bình quân của tàu chiến Hải quân Mỹ khoảng 7.000 – 8.000 tấn, cơ bản đều là tàu chiến cỡ lớn, khả năng tác chiến ở biển xa rất mạnh.

Mỹ biết rõ khoảng cách của Hải quân Trung Quốc với họ, nhưng lại thường xuyên tuyên truyền tốc độ phát triển nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc tạo ra mối đe dọa cho các nước xung quanh.

Mỹ làm như vậy nhằm tranh thủ kinh phí và chứng minh chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ là hợp lý.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông cho rằng “mối đe dọa an ninh” của Trung Quốc chủ yếu đến từ hướng biển, bất kể là Biển Đông hay biển Hoa Đông đều tồn tại “tranh chấp chủ quyền” một số đảo và tranh chấp quyền lợi biển; một số nước còn tiến hành đến gần trinh sát thường xuyên.

Trên thực tế, trên hướng Biển Đông, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược các đảo đá của Việt Nam, rồi nhảy vào tranh chấp, ngày càng hung hăng hăm dọa, hay khoe khoang vũ lực với mục đích áp đặt yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp dựa trên bản đồ “đường chín đoạn” vẽ bậy - PV.

Tháng 7/2016, ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật bất hợp pháp ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Sina Trung Quốc.
Tháng 7/2016, ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật bất hợp pháp ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Sina Trung Quốc.


Do đó, Tào Vệ Đông cho rằng “để hoàn thành chiến lược phòng thủ biển gần và bảo vệ ở biển xa của Hải quân Trung Quốc, cần chế tạo tàu chiến với số lượng nhất định, tạo thành hệ thống.

Vì vậy, Trung Quốc không chỉ cần tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, mà còn cần tàu tiếp tế tổng hợp cỡ lớn.

Tào Vệ Đông khẳng định, đằng sau việc chế tạo những vũ khí trang bị này cần có sự hỗ trợ của sức mạnh quốc gia tổng hợp mạnh, các nước phương Tây luôn tiến hành cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, các trang bị như những tàu chiến này đều do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, không bị nước khác kiềm chế.

Hơn nữa, hiện nay, Trung Quốc có rất nhiều nhà máy đóng tàu, có thể đồng thời chế tạo các loại tàu chiến khác nhau, khắc phục điểm yếu về trang bị hải quân.

Mặc dù các chuyên gia Trung Quốc ra sức biện hộ như vậy, nhưng có lúc họ đã khẳng định rằng hiện nay, hải quân tất cả các nước ven Biển Đông cộng lại cũng không để đối phó được Hạm đội Nam Hải – Hải quân Trung Quốc.

Nếu Hải quân Trung Quốc phát triển nhanh chóng như hiện nay và trở thành công cụ để áp đặt tham vọng bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông như yêu sách hiện nay (yêu sách “đường chín đoạn” đòi các đảo ở Biển Đông và vùng biển lân cận là của Trung Quốc) thì đây thực sự là một mối đe dọa to lớn đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực - PV.

Tàu khu trục Quảng Châu, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành bắn tên lửa hạm đối không trong cuộc tập trận bất hợp pháp ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ ngày 5 - 11/7/2016. Ảnh Chinanews
Tàu khu trục Quảng Châu, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành bắn tên lửa hạm đối không trong cuộc tập trận bất hợp pháp ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 5 - 11/7/2016. Ảnh Chinanews