VDA lần thứ 8-2025 lan tỏa, vì một Việt Nam số
Trong lần thứ Tám tổ chức, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards - VDA) lần đầu tiên có cơ cấu giải thưởng tôn vinh những cá nhân có thành tựu, đóng góp lớn, có sức lan toả và ảnh hưởng đặc biệt trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số tại Việt Nam.
Ngoài ra, VDA 2025 tiếp tục tôn vinh các cơ quan, doanh nghiệp có những đóng góp tích cực, hiệu quả để phát triển kinh tế số và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành; xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.
Qua 7 mùa tổ chức, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam tới nay đã tiếp cận hơn 21.000 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút gần 2.200 hồ sơ tham gia. Qua đó, giải thưởng đã vinh danh hơn 400 cơ quan nhà nước, doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc và các sản phẩm, giải pháp công nghệ số tiêu biểu.
Đây là những đại diện tiêu biểu từ hàng trăm ngàn cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đang ứng dụng hàng loạt công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, học máy, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain, Internet of things,… vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong mùa thứ Tám tổ chức, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2025 tiếp tục tôn vinh các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các cá nhân có các hoạt động nghiên cứu, phát triển, phổ biến, ứng dụng, sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông; góp phần xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ban Tổ chức nhận hồ sơ trực tuyến từ ngày 15/4 đến ngày 30/6/2025 tại website chương trình ở địa chỉ: www.vda.com.vn. Sau đó, Hội đồng bình chọn sơ tuyển và Hội đồng bình chọn chung khảo sẽ làm việc để lựa chọn ra những đơn vị, sản phẩm xứng đáng nhất vinh danh trong Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 10/2025, được truyền hình và phát trực tiếp trên các nền tảng số.
VDA là giải thưởng tầm Quốc gia duy nhất tôn vinh đồng thời các cá nhân có đóng góp nổi bật, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, các giải pháp công nghệ chuyển đổi số xuất sắc, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam.
Được tổ chức thường niên từ 2018, do Bộ Khoa học và Công nghệ (trước đây là Bộ Thông tin và Truyền thông) bảo trợ, VDCA chỉ đạo, giao Tạp chí điện tử VietTimes - Cơ quan ngôn luận của VDCA tổ chức, Giải thưởng lan tỏa nhiệt huyết chuyển đổi số trong xã hội, hướng đến mục tiêu góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành cường quốc về khoa học công nghệ.
Chương trình tạo sân chơi cho các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số và phát triển kinh tế số; kết nối các nhà lãnh đạo với doanh nghiệp…
Giải thưởng là hoạt động thiết thực hưởng ứng tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và chủ đề hoạt động năm 2025 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số: "Chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”.
Ngoài ra, đây còn là chương trình ý nghĩa hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.

Tham dự Lễ phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2025 có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.


Về phía bộ ngành có ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT, Bộ Khoa học và Công nghệ; bà Văn Thị Khanh Thư - Phó Cục trưởng, Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp); TS Trần Thị Kim Quế - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Hoàng Nam - PGĐ Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ Công an; ông Lê Ngọc Đức - Chủ tịch hội đồng Quản lý Trung tâm Internet Việt Nam.
Về phía Vụ báo chí xuất bản Ban Tuyên Giáo và Dân vận Trung ương có ông Nguyễn Gia Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ báo chí xuất bản Ban Tuyên Giáo và Dân vận Trung ương.

Ông Nguyễn Minh Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2025
Về phía Hội truyền thông số Việt Nam có ông Nguyễn Minh Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2025; ông Vũ Kiêm Văn - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2025; ông Lê Đức Sảo - Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Tạp chí điện tử VietTimes, Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số năm 2025.



Tham dự lễ phát động còn có đại diện các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, các nhà tài trợ, nhà báo, phóng viên đại diện các cơ quan báo chí, các vị khách quý.



Chuyển đổi số là yêu cầu cấp bách từ nhu cầu nội tại trong bối cảnh tinh gọn bộ máy

Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy hiện nay, chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp bách, xuất phát từ nhu cầu nội tại của mỗi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trên môi trường số của các cơ quan, doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Trưởng Ban Chỉ đạo Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards - VDA) năm 2025 cho biết tại Lễ phát động Giải thưởng, vừa diễn ra sáng 15/4.
"Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy hiện nay, chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp bách, xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của mỗi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Xu hướng tất yếu này nhằm tăng hiệu quả xử lý công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng văn hóa làm việc trên môi trường số của các cơ quan, doanh nghiệp", ông Nguyễn Minh Hồng nói.
Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động chuyên môn mà còn là sự thay đổi về tư duy, phương thức làm việc, quy trình quản lý, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng hoạt động.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu rõ: "Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới".
Định hướng chiến lược này được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước hưởng ứng mạnh mẽ.
Nghị quyết đặc biệt quan trọng này chính là lời hiệu triệu mạnh mẽ, giúp tháo gỡ nhiều rào cản và tăng tính chủ động trong ứng dụng công nghệ mới. Qua đó, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của các cơ quan, doanh nghiệp nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ 57/NQ-TW. Quốc hội cũng đã ban hành NQ số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc biệt tạo đột phát phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Cơ quan nhà nước các cấp, các tập đoàn doanh nghiệp lớn thể hiện vai trò tiên phong, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, các hội, hiệp hội xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT cần tổ chức những hoạt động thiết thực, cụ thể góp phần thực hiện thành công Nghị quyết.
Trong bối cảnh đó, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam hưởng ứng chủ đề hoạt động năm 2025 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số: "Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số". Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và là nguồn động lực của chuyển đổi số.
Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo VDA 2025, Chủ tịch Nguyễn Minh Hồng chia sẻ trong lần thứ Tám tổ chức, Giải thưởng VDA 2025 tiếp tục tìm kiếm, tôn vinh các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc, các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu nhằm thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Giải thưởng sẽ tôn vinh các cơ quan, doanh nghiệp, các giải pháp có chất lượng nổi bật, ứng dụng nhiều công nghệ mới, như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, internet vạn vật, chuỗi khối, điện toán đám mây; nhằm đưa ra các giải pháp công nghệ, có mô hình chuyển đổi số tiêu biểu, có điểm nhấn nổi bật về dữ liệu số trong lĩnh vực hành chính công, tài chính, giáo dục, sản xuất công nghiệp, truyền thông. Giải thưởng năm nay cũng sẽ tôn vinh các cá nhân có nhiều thành tựu đóng góp lớn cho công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Tại lễ phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2025, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải thưởng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng giải pháp công nghệ số, nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình Chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một quốc gia số với nền kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số hàng đầu trong khu vực và tiên tiến trên thế giới.
"Nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt Hội Truyền thông số Việt Nam, Ban Chỉ đạo Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam, xin chân thành cảm ơn Bộ Khoa học và Công nghệ đã bảo trợ Giải thưởng, cảm ơn các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các cơ quan thông tấn báo chí đã tham gia phối hợp, ủng hộ. Chúc cho Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2025 tiếp tục thành công rực rỡ", Chủ tịch VDCA, Trưởng ban Chỉ đạo VDA2025 bày tỏ.
Nhóm PV VietTimes
VDA đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tôn vinh và lan tỏa các sáng kiến, giải pháp tiêu biểu trên toàn quốc

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết trong những năm qua, chuyển đổi số tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định vai trò là động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và nâng cao chất lượng quản trị quốc gia.
Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Báo cáo tình hình chuyển đổi số quốc gia năm 2024, với nhiều kết quả nổi bật trên các trụ cột chính: Về Chính phủ số, Việt Nam đã tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia trong Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc – lần đầu tiên đạt mức “Rất cao”.
Về hoàn thiện thể chế, nhiều chính sách đột phá đã được ban hành như: Luật Viễn thông (sửa đổi) mở rộng sang hạ tầng số; Luật Dữ liệu tạo hành lang pháp lý cho thị trường dữ liệu; Nghị định 82 và 138 tháo gỡ điểm nghẽn về sử dụng kinh phí cho chuyển đổi số.
Về hạ tầng số, Việt Nam lần đầu sau 15 năm đấu giá thành công tần số phục vụ 5G; tuyến cáp quang biển thứ 6 với dung lượng lớn nhất đã đi vào khai thác, cải thiện kết nối quốc tế. Về dữ liệu và nền tảng số, tổng số cơ sở dữ liệu quốc gia đã đạt 10, trong đó 5 CSDL vận hành hiệu quả; giao dịch dữ liệu qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) tăng 57%; dữ liệu dân cư được đồng bộ, làm sạch trên nhiều lĩnh vực.
Về dịch vụ công, Cổng DVC quốc gia đã tích hợp hơn 4.400 thủ tục hành chính, với hơn 425.000 lượt sử dụng mỗi ngày qua VNeID. Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, tăng trưởng trên 20% – cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp ba lần tốc độ tăng GDP truyền thống.
Trên cơ sở những kết quả đó, năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định 7 định hướng lớn, trong đó tập trung đầu tư các công nghệ nền tảng như AI, bán dẫn, sản xuất thông minh, an ninh mạng; hoàn thiện thể chế phù hợp với đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng số đồng bộ và hiện đại; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến; nâng tỷ trọng kinh tế số lên trên 20% GDP; phát triển nhân lực chất lượng cao; và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh, Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (VDA) tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tôn vinh và lan tỏa các sáng kiến, giải pháp tiêu biểu trên toàn quốc. Giải thưởng không chỉ ghi nhận nỗ lực đổi mới sáng tạo mà còn tạo động lực để các tổ chức, doanh nghiệp làm chủ công nghệ, phát triển sản phẩm “Make in Vietnam” phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết đồng hành cùng Hội Truyền thông số Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo số, phát triển và làm chủ các công nghệ mới. Chúng tôi tin tưởng Giải thưởng VDA 2025 sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam”, ông Phúc nhấn mạnh.
Nhóm PV VietTimes
Chuyển đổi số là quá trình kéo dài, đòi hỏi sự quyết tâm

Tại sự kiện diễn ra sáng 15/4, bà Văn Thị Khanh Thư, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp, đã chia sẻ về quá trình thực hiện chuyển đổi số của đơn vị.
Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước có trách nhiệm tham mưu trong lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như thực hiện các dịch vụ công đăng ký giao dịch đảm bảo. Năm 2024, đơn vị vinh dự nhận giải chuyển đổi số.
"Đây cũng là sự khích lệ to lớn với đơn vị cũng như cán bộ. Chúng tôi thực hiện tin học hóa từ 2001, từ thời thời điểm thành lập. Năm 2012 đã vận hành mức độ 3 dịch vụ công trực tuyến", bà Thư cho hay.
Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước đã tích cực chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng, nâng cấp Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản. Đến năm 2021, Hệ thống đăng ký trực tuyến đã đạt yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, từ việc tiếp nhận, giải quyết đến ký số và trả kết quả.
Đến nay, hệ thống đã tiết kiệm cho xã hội 1,5 triệu giờ công, uớc tính chỉ mất 15 phút sau khi đăng ký đã nhận được kết quả. Đơn vị đã liên kết với các ngân hàng để có các đánh giá chính xác về bất động sản, giúp giao dịch vay vốn của người dân, doanh nghiệp thuận lợi.
Để có kết quả ngày hôm nay, đơn vị đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện thuận lợi từ phía lãnh đạo Bộ Tư pháp trong suốt hơn 20 năm, cả về mặt chủ trương cũng như thủ tục. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần phải giải quyết.
Cụ thể, chuyển đổi số là quá trình quá trình kéo dài, đòi hỏi sự quyết tâm thực hiện của các cơ quan liên quan. Tiếp đến là khó khăn về nhân lực. Nhân lực chuyển đổi số hiện rất ít chọn cơ quan nhà nước mà chọn khối tư nhân, bởi vậy gây ra thách thức về mặt nhân lực.
Nhóm PV VietTimes
Cần giúp người dân cảm nhận được hiệu quả thực tiễn của chuyển đổi số

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH GeoAI Việt Nam, chia sẻ rằng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam được phát động đúng lúc, đúng thời điểm – khi toàn xã hội đang chứng kiến sự lan tỏa mạnh mẽ của chuyển đổi số sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Tuấn Anh, sau giai đoạn dịch bệnh, người dân cả nước đã tiếp cận và nhận thấy rõ lợi ích thiết thực mà chuyển đổi số mang lại. Việc điện thoại di động trở nên phổ cập là bước ngoặt quan trọng, giúp mọi tầng lớp – từ người già đến thanh niên, từ người có trình độ cao đến những người ít học – đều có thể tiếp cận công nghệ số một cách dễ dàng và thành thạo.
“Hạ tầng số đã được phủ sóng đến tận các vùng sâu, vùng xa, tạo tiền đề vững chắc để chuyển đổi số lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội”, ông nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo GeoAI Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn thành tựu chuyển đổi số cần tiếp tục lan tỏa sâu hơn nữa tới người nghèo, người dân vùng biển, vùng xa. Từ thực tiễn đó, công ty đã xây dựng một hệ thống hỗ trợ trực quan, dễ sử dụng, giúp người dân trên biển tiếp cận thông tin và dịch vụ số một cách thuận tiện, hiệu quả.
“Chúng tôi xác định rõ: trước hết phải giúp người dân cảm nhận được hiệu quả thực tiễn. Khi họ thấy ứng dụng mang lại lợi ích, họ sẽ tự động sử dụng, tự lan tỏa. Không cần tuyên truyền nhiều”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Đến nay, hệ thống của GeoAI đã thu hút hơn 30.000 ngư dân sử dụng. Nhiều người trong số đó từng gặp khó khăn khi tiếp cận công nghệ, nhưng sau khi trải nghiệm thực tế và nhận thấy lợi ích rõ rệt, họ đã quay lại tiếp tục sử dụng, thậm chí sẵn sàng trả phí – điều vốn không dễ với nhóm người dùng này.
“Có nhiều ứng dụng công nghệ khiến người dân cảm thấy khó dùng, nhưng với chúng tôi, dù tiếp cận nhóm người dùng đặc thù như ngư dân trên biển, vẫn có thể thành công nhờ thiết kế gần gũi, dễ hiểu, thực tế”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trung tâm Dữ liệu Quốc gia tiếp tục góp phần giảm tải áp lực cho hệ thống hành chính

Đại úy Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công An, đơn vị hai lần đạt giải VDA (2022 và 2024), cho biết sau khi hoàn thành triển khai 3 hệ thống, C06 đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Sau hơn 3 năm triển khai, Đề án 06, Trung tâm dữ liệu dân cư đã vinh dự hai lần nhận được giải thưởng về hoạt động chuyển đổi số Việt Nam. Đồng thời, Đề án 06 cũng đã mang lại giá trị nổi bật, điểm sáng trong chuyển đổi số, đó là:
1. Đề án 06 góp phần đưa Việt Nam tăng 15 bậc (xếp thứ 71/193 quốc gia) và được Liên hợp quốc xếp vào nhóm các nước có chỉ số Chính phủ điện tử rất cao.
2. Dữ liệu dân cư ra đời tạo lập sổ hộ khẩu điện tử, đã tạo lập, xác thực, làm sạch dữ liệu cho các bộ, ngành, thống nhất mã định danh công dân, như: Xác thực hơn 99,6 triệu thông tin Cơ sở dữ liệu bảo hiểm; Làm sạch 35,1 triệu dữ liệu giấy phép lái xe; Đối soát 100% dữ liệu người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán; 80 triệu dữ liệu thuế; tạo lập 6,3 triệu dữ liệu hội nông dân, 4,1 triệu dữ liệu hội người cao tuổi; 2,2 triệu dữ liệu hội cựu chiến binh... Số hóa được hơn 3 triệu sổ hộ tịch với hơn 95,8 triệu dữ liệu, 484/696 huyện đã hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu địa chính với gần 50 triệu thửa đất đưa vào vận hành.
3. Cung cấp 4.427/6.283 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, chiếm 70,3% tổng số thủ tục hành chính), hằng năm tiết kiệm hơn 2.500 tỷ đồng.
Thời gian tới, Trung tâm dữ liệu dân cư sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp như: Triển khai hiệu quả mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến triển khai thí điểm tại TP Hà Nội. Đây là một bước tiến quan trọng trong hiện đại hoá dịch vụ hành chính. Với mạng lưới ngày càng mở rộng (từ 30 lên 150 đại lý), mô hình này tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người dân và góp phần giảm tải áp lực cho hệ thống hành chính, hướng tới mục tiêu chính quyền số toàn diện.
VDA là giải thưởng danh giá, thể hiện nỗ lực chuyển đổi số quốc gia

Chia sẻ tại phần thảo luận, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT (Bộ KH&CN), Chủ tịch Hội đồng sơ khảo của giải thưởng chúc mừng các đơn vị đã đạt được giải thưởng trong những năm qua.
Theo ông Tuyên, Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam là một giải thưởng rất danh giá, thể hiện nỗ lực đẩy mạnh trong việc chuyển đổi số quốc gia. Cá nhân ông rất vinh dự khi là một thành viên giám khảo của Giải thưởng.
Theo ông, qua 7 mùa tổ chức, có thể thấy số lượng hồ sơ tham gia Giải thưởng ngày càng nhiều và chất lượng hơn. Đặc biệt, năm nay, Giải thưởng không chỉ dành cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia mà còn dành cho các cá nhân tiêu biểu.
“Đây đồng thời là niềm vui nhưng cũng là thách thức của chúng tôi trong việc chọn giải thưởng năm 2025 để chọn được những cá nhân xuất sắc góp phần lan tỏa trong công cuộc chuyển đổi số, góp một phần thành công trong Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", ông Tuyên nói.
Chất lượng hồ sơ giải thưởng chuyển đổi số rất tốt

Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử VietTimes, Phó trưởng Ban chỉ đạo Thường trực, Trưởng Ban Tổ chức VDA 2025, đã tiếp nhận và giải đáp nhiều câu hỏi của các phóng viên tham dự buổi lễ.
Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Bá Kiên cho biết để tạo thêm sự hấp dẫn, giải thưởng năm nay sẽ có thêm giải cá nhân.
"Trong 7 lần tổ chức vừa qua, giải thưởng mới chỉ tôn vinh sản phẩm, tổ chức mà chưa có giải thưởng dành cho cá nhân. Bởi vậy, giải thưởng năm nay sẽ có thêm hạng mục này.
Tất cả chúng ta đều có thể đề cử, các tổ chức có quyền đề xuất thêm cá nhân, nhất là nhà báo trong quá trình tác nghiệp, nếu phát hiện con người, cá nhân có đóng góp cho chuyển đổi số, có thể đề xuất cho ban tổ chức", ông Nguyễn Bá Kiên nói.
PV Vnreview.vn: Hạng mục tôn vinh cá nhân có người nước ngoài không, thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Kiên: Đây là một chương trình bình chọn và chúng tôi không chấm điểm, trên cơ sở hồ sơ để lựa chọn đánh giá. Giải cá nhân của chúng tôi có các tiêu chí riêng, như vai trò chỉ đạo, có giải pháp, có tầm ảnh hưởng, thường xuyên chia sẻ, là hình mẫu trong lĩnh vực chuyển đổi số…
Chúng tôi không phân biệt người nước ngoài và người Việt Nam trong hạng mục này, bất cứ ai đóng góp cho chuyển đổi số ở Việt Nam thì đều có thể được tôn vinh.

- PV Tạp chí Nhà đầu tư: Nếu báo chí tham gia dự giải thì sẽ nằm ở hạng mục, danh mục nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Bá Kiên: Theo tiêu chí giải thưởng, các cơ quan báo chí hiện nay được phân loại trong nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc hệ thống các cơ quan Nhà nước. Trên thực tế, nhiều đơn vị sự nghiệp đã được tôn vinh tại các mùa giải trước như bảo tàng mỹ thuật, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học… Tuy nhiên, các cơ quan báo chí đến nay vẫn chưa có hồ sơ tham gia giải thưởng. Đây là một điều khá đáng tiếc trong bối cảnh báo chí đang là một trong những lực lượng đi đầu trong ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số.
Hằng năm, ngành báo chí đều tổ chức các hội báo, trong đó có nội dung đánh giá và xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, do Cục Báo chí công bố. Dù vậy, có thể do đặc thù hoạt động hoặc cách nhìn nhận về việc tôn vinh mà các cơ quan báo chí nên chưa chủ động tham gia giải thưởng.
Tại mùa giải năm nay, chúng tôi sẽ tích cực hơn trong việc mời gọi các cơ quan báo chí gửi hồ sơ tham gia. Rất mong Tạp chí Nhà đầu tư và các cơ quan báo chí khác cùng hưởng ứng. Chúng ta đã có sẵn hạng mục phù hợp để đánh giá và ghi nhận những nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí.

- PV báo Hà Nội Mới: Hiện nay có rất nhiều giải thưởng liên quan đến chuyển đổi số, Hội đồng giám khảo của giải thưởng VDA có những thành viên trong các Hội đồng giám khảo của các giải thưởng lớn khác, vậy ông đánh giá chất lượng hồ sơ tham dự VDA so với các giải thưởng khác ra sao? Quá trình lựa chọn giải thưởng gặp những khó khăn gì?
Ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT (Bộ KH&CN), Chủ tịch Hội đồng sơ khảo của giải thưởng: Đây là một câu hỏi rất thú vị. Làm giảm khảo giống như các thầy cô giáo chấm điểm cho học sinh, nhưng giám khảo cho một chương trình lớn thì khó hơn. Tôi rất vinh dự khi tham gia trong Hội đồng giải thưởng ASEAN, tổ chức giải thưởng cho Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây, giải chuyển đổi số, giải Sao Khuê…
Trước tiên, là một thành viên, giám khảo đòi hỏi vấn đề công tâm, nắm bắt nhiều thông tin. Về hồ sơ tiêu chí, chất lượng hồ sơ giải thưởng chuyển đổi số rất tốt, các doanh nghiệp tham gia chuẩn bị hồ sơ rất đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, có những hồ sơ không đầy đủ, thông tin sơ sài có thể bị loại ngay. Dù vậy, những hồ sơ thông tin đầy đủ Hội đồng giám khảo cũng phải xem xét rất kỹ.
Ban thư ký rất nỗ lực trong việc xác minh hồ sơ, có những trường hợp cần phải ra hội đồng chung khảo thì tổ chức trực tuyến, làm rõ các thông tin và xác nhận lại một lần nữa với các đơn vị tham gia.
Quá trình chấm giải rất nghiêm ngặt, đòi hỏi đầy đủ thông tin, giải đáp các tiêu chí giải thưởng. Trong trường hợp không đầy đủ, chúng tôi vẫn phải phối hợp với ban thư ký để kiểm tra lại thông tin. Khó khăn nhất vẫn là những hồ sơ với nhiều lĩnh vực đa dạng, số lượng hồ sơ nhiều, có những hồ sơ đặc thù hay ứng dụng cho những lĩnh vực không rõ ràng, nên chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc lựa chọn, thậm chí nhiều trường hợp phải tham khảo các ý kiến chuyên môn.

Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu