Chúng ta luôn khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa

VietTimes -- Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt về biển Đông. Chúng ta, trước sau như một, khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Bên lề Đại hội Đảng 12, trả lời báo chí, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết: “Đến nay Việt Nam đã thiết lập được 15 đối tác chiến lược và 10 đối tác toàn diện. Lợi ích mang lại trong các mối quan hệ này tuy ở mức độ khác nhau, nhưng nhìn một cách tổng thể thì mang tính tin cậy cao về chính trị, hợp tác tốt về quân sự, quốc phòng- an ninh; mở rộng thương mại và hợp tác kinh tế của nước ta với các nước.

Điều này không phải nước nào cũng làm được. Chứng tỏ ngoại giao Việt Nam đang đi đúng hướng. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng. Vì vậy Đại hội XII tiếp tục đặt mục tiêu là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với tất cả các nước trên thế giới.

Thưa Bộ trưởng, trong các đối tác chiến lược toàn diện thì Trung Quốc được đặt ở vị trí nào? 

- Trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc chúng ta đã nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Chúng ta cùng với Trung Quốc tương đồng về thể chế chính trị. Trung Quốc cũng là đối tác kinh tế, thương mại lớn của chúng ta. Mối quan hệ hợp tác đã và đang phát trển trên nhiều mặt. Tuy nhiên chúng ta và Trung Quốc có sự khác biệt về biển Đông. Việt Nam chúng ta, trước sau như một, khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Từ cơ sở đối tác chiến lược toàn diện để chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về biển Đông.

Vậy trong thời gian tới chính sách ngoại giao của chúng ta ưu tiên những vấn đề gì, thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta tiếp tục đẩy mạnh chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ; chú trọng mối quan hệ với các đối tác chiến lược toàn diện để phát triển và bảo vệ chủ quyền đất nước; giữ vững môi trường ổn định để phát triển.

Việc mở rộng quan hệ với các nước sẽ mở rộng quan hệ về chính trị, tạo nền tảng cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Đó cũng là phục vụ cho phát triển nội lực đất nước. Đối ngoại là nối dài chính sách đối nội nhưng đúng ra đối ngoại là một phần trong chính sách, đường lối phát triển đất nước. 

Điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh đó là sự chỉ đạo thống nhất của Đảng nhưng phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành địa phương thì mới bảo đảm thắng lợi.

LTB (ghi)