Theo trang tin Deutsche Wells (Tiếng nói nước Đức), hôm thứ Sáu (30/4), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tuyên bố trong bài phát biểu chính sách quan trọng đầu tiên sau khi ông nhậm chức rằng quốc phòng của Mỹ cần một "tầm nhìn mới" vì các cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai hầu như không giống với các cuộc chiến tranh cũ trước đây.
“Trong cuộc chiến lớn sau đây, cách đánh của chúng ta sẽ rất khác so với trước đây”, ông Austin nói trong chuyến thăm Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii.
"Chúng ta không thể đoán trước được tương lai", Austin nói. "Vì vậy, những gì chúng ta cần là sự tích hợp đúng đắn công nghệ, quan niệm chiến đấu và khả năng - tất cả sẽ được kết hợp với nhau một cách đáng tin cậy, linh hoạt và mạnh mẽ, đủ để khiến cho không có đối thủ nào dám hành động hấp tấp, khinh suất".
Làm thế nào để Mỹ có thể duy trì ưu thế?
Ông Austin đã có những phát biểu như trên tại buổi lễ nhậm chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (USINDOPACOM) của Đô đốc John Aquilino. Ông kêu gọi Washington sử dụng các tiến bộ công nghệ để ứng phó với các mối đe dọa không gian và mạng đang nổi lên cũng như các cuộc chiến quy mô lớn hơn.
Ông đặc biệt đề cập đến tính toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và điện toán biên — các phương pháp tính toán giúp tăng tốc thời gian phản ứng bằng cách xử lý và chia sẻ dữ liệu khi nó tiến hành thu thập.
Trước những lo ngại về sự hiện đại hóa quân đội nhanh chóng và sự trỗi dậy mang tính đe dọa của Trung Quốc, ông Austin cảnh báo rằng quân đội Mỹ không được bằng lòng với sự tự tin rằng họ có lực lượng vũ trang mạnh nhất thế giới - "không được như thế khi đối thủ tiềm tàng của chúng ta tìm mọi cách làm suy yếu lợi thế của chúng ta".
Ông Austin dự lễ nhậm chức Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Đô đốc John Aquilino (thứ 2, phải qua). Ảnh: AP. |
Tuy người đứng đầu Lầu Năm Góc không nêu rõ tên Trung Quốc khi phát biểu tại đây. Tuy nhiên, Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương mãn nhiệm, Đô đốc Philip Davidson đã nhắc lại tuyên bố của ông trong một bài phát biểu: “Trung Quốc đang sử dụng các hành động ‘hiểm ác’ để thách thức địa vị chủ đạo của Mỹ trong khu vực”.
Davidson đã nhiều lần bày tỏ thẳng thừng rằng ông lo ngại rằng Bắc Kinh có thể cố gắng đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực trong vài năm tới.
Các nhà phân tích quốc phòng chỉ ra rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng tốc chế tạo nhiều loại vũ khí tối tân và ngày càng cứng rắn hơn trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Mặt khác, trong hai thập kỷ qua, Mỹ chỉ tập trung chống lại các tổ chức cực đoan như Al-Qaeda ở Afghanistan và "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ở Iraq và Syria.
Ưu tiên ngoại giao
Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu, ông Austin cũng nhấn mạnh cam kết của Tổng thống Joe Biden đối với ưu tiên ngoại giao của Hoa Kỳ trong chính sách đối ngoại.
Austin nói rằng quân đội Mỹ nên cung cấp cho các nhà ngoại giao những gì họ có thể sử dụng để ngăn chặn xung đột. Ông nói: "Quân đội Mỹ không chỉ hành động theo chức trách của mình, mà là hỗ trợ công tác ngoại giao của Mỹ và thúc đẩy một chính sách đối ngoại sử dụng sức mạnh tổng hợp của quốc gia".
Ông cũng nói rằng Washington sẽ tiếp tục thuyết phục những kẻ thù tiềm tàng rằng "giá thành và nguy cơ nếu họ xâm lược sẽ cao hơn bất kỳ lợi ích nào họ có thể tưởng tượng".
Hiện nay, Mỹ và NATO bắt đầu rút quân không điều kiện khỏi Afghanistan. Những người chỉ trích cho rằng việc rút quân này sẽ không giúp loại bỏ xung đột nội bộ và nguy cơ khủng bố ở Afghanistan.
Đưa tin về hoạt động này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trang tin Đa Chiều viết, khi Austin đến thăm Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (USINDOPACOM) ở Hawaii, ông đã kêu gọi sử dụng các tiến bộ công nghệ và tăng cường các hoạt động quân sự toàn cầu để "hiểu nhanh hơn, đưa ra quyết định nhanh hơn và hành động nhanh hơn". Ông nói: "Cách chúng ta chiến đấu trong cuộc chiến quan trọng tiếp theo sẽ rất khác so với trước đây".
Theo Đa Chiều, bài phát biểu của ông Austin không đề cập rõ ràng đến tên các đối thủ như Trung Quốc hay Nga và dường như không đề xuất các hành động cụ thể, cũng như không dự đoán bất kỳ xung đột nào. Thay vào đó, ông trình bày về mục tiêu có phạm vi rộng và có vẻ hàm hồ của Bộ Quốc phòng dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Hải quân Mỹ - Nhật tăn cường tập trận, phối hợp đối phó sự bành trướng quân sự của Trung Quốc (Ảnh: AP). |
Mỹ - Nhật tăng cường hợp tác đối phó Trung Quốc
Cũng theo Đa Chiều ngày 1/5, sau khi Đô đốc John Aquilino nhậm chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ hôm 30/4, truyền thông Nhật Bản cùng ngày dẫn các nguồn đưa tin ông Aquilino sẽ thăm Nhật Bản vào nửa cuối tháng 5 để hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Akishi và ông Koji Yamazaki, Tham mưu trưởng quân đội để thảo luận về tình hình Đài Loan trước sự gia tăng áp lực quân sự của Trung Quốc và các mối đe dọa của Trung Quốc.
Hãng tin Nhật Kyodo ngày 30/4 dẫn lời một số quan chức chính phủ Nhật Bản và Mỹ cho biết, Nhật Bản cũng sẽ sắp xếp một cuộc gặp giữa Đô đốc Aquilino và Thủ tướng Yoshihide Suga.
Tin cho biết, trong chuỗi hội đàm này, ông Aquilino sẽ thảo luận về các chủ đề bao gồm việc tàu công vụ Trung Quốc liên tiếp xâm nhập lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku, vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ông Aquilino cũng sẽ xác nhận rằng Nhật Bản và Mỹ tiếp tục hợp tác cùng nhau để hiện thực hóa tầm nhìn về một "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".
Kyodo ngày 1/5 cũng đưa tin rằng các quan chức ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành "cuộc tham vấn mở rộng về mối đe dọa" đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức dưới hình thức một hội nghị trực tuyến.
Tại hội nghị, hai bên đã đề cập đến việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, việc Triều Tiên tiếp tục phát triển các tên lửa và vấn đề hạt nhân; đồng thời trao đổi quan điểm về hệ thống phòng thủ tên lửa cũng như thảo luận về cách đối phó với vũ khí siêu thanh của Trung Quốc.
Theo các nguồn tin, hai bên có thể đã thảo luận về cách ứng phó với các trường hợp khẩn cấp ở Đài Loan và liệu Nhật Bản có nên có khả năng tấn công các căn cứ thù địch hay không.