Tờ ChinaNews ngày 24/9 cho rằng gần đây Mỹ bày tỏ quan tâm đến việc tổ chức cực đoan "Nhà nước Hồi giáo" (IS) có xu hướng chế tạo vũ khí hóa học. Mỹ đang tranh thủ các đồng minh Đông Nam Á tích cực hơn trong việc ngăn ngừa IS "mọc rễ" trong khu vực.
Trong một cuộc điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 22/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cho biết quân đồng minh đứng đầu là Mỹ đang "ngăn chặn tổ chức IS nghiên cứu phát triển vũ khí hóa học" để bảo đảm cho quân đồng minh và Quân đội Iraq sẽ không bị đe dọa bởi loại vũ khí này.
Ông Ashton B. Carter cho hay trong một chiến dịch không kích quy mô lớn nhất hồi tuần trước, máy bay chiến đấu của quân đồng minh đã phá hủy một nhà máy dược phẩm lân cận thành phố Mosul của Iraq, bởi vì tổ chức IS có kế hoạch chế tạo vũ khí hóa học ở đó.
Quan chức Lầu Năm Góc trước đó từng cho rằng tổ chức IS dự định sử dụng nhà máy dược phẩm này để sản xuất khí Clo (chlorine gas).
Trong phiên điều trần, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Joseph F. Dunford xác nhận, các phần tử IS ở Iraq vào thứ Ba tuần qua đã bắn rocket chứa khí độc đến khu vực căn cứ không quân Qayyarah của lực lượng đồn trú Mỹ. Cuộc tấn công này không gây thương vong.
Tướng Joseph F. Dunford cho biết: "Đánh giá của chúng tôi cho thấy trong đó có chứa chất khí độc lưu huỳnh gây phồng rộp". Tổ chức IS hiện chỉ có khả năng phóng vũ khí hóa học thô sơ, nhưng lần này phóng rocket vũ khí hóa học là một "phát triển đáng lo ngại".
Ông tiết lộ, một năm qua, quân đồng minh đã phát động 30 cuộc tấn công nhằm vào "khả năng vũ khí hóa học ngày càng cải thiện" của IS.
Được biết, cuộc tấn công rocket kể trên chưa gây thương vong, nhưng nếu có lượng lớn khí độc thì có thể gây chết người hoặc làm thương tổn da, mắt và đường hô hấp, người bị nặng sẽ bị tử vong.
Được biết, IS được cho là luôn chế tạo và sử dụng vũ khí hóa học ở khu vực kiểm soát tại Iraq và Syria. Một tướng Iraq cho Bloomberg biết là tổ chức IS tìm cách sử dụng vũ khí hóa học "quá hạn" để đối phó Quân đội Iraq, nhưng "không gây thiệt hại".
Nhà cầm quyền Mỹ cũng áp dụng nhiều hành động hơn trong tranh thủ các đồng minh Đông Nam Á để đề phòng tổ chức IS "bén rễ" và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này.
Tại phiên điều trần, tướng Joseph F. Dunford cho rằng, nhiều nước Đông Nam Á đã xuất hiện dấu chân của tổ chức IS, bao gồm Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore.
Chính phủ những nước này cảm thấy lo ngại đối với các cuộc tấn công trong lãnh thổ và việc người dân nước mình đến Iraq và Syria gia nhập tổ chức IS. Mỹ đang trợ giúp các đối tác này tiến hành chia sẻ tình báo đối phó các tổ chức cực đoan.
Joseph F. Dunford nói: "Chúng tôi đang cùng họ nghiên cứu làm thế này để phát triển được một khuôn khổ chia sẻ thông tin và tình báo... Chúng tôi khẳng định đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác của chúng tôi".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cho biết tuần tới ông sẽ tổ chức hội nghị với Bộ trưởng Quốc phòng các nước Đông Nam Á ở Hawaii, vấn đề IS sẽ là một trong những đề tài thảo luận. Ông cho hay: "Đông Nam Á chắc chắn là nơi IS muốn mở rộng".
Theo tiết lộ của Joseph F. Dunford, đến nay Indonesia đã có trên 1.000 công dân, Philippines cũng đã có mấy trăm người đến tận Iraq hoặc Syria gia nhập IS.
Nhiều tổ chức cực đoan ở Indonesia đã thề trung thành với tổ chức IS, nhà cầm quyền Indonesia cũng thừa nhận những tổ chức khủng bố trung thành với IS này là mối đe dọa khủng bố lớn nhất hiện nay của Indonesia.