Báo Pháp: Trung Quốc muốn có một quân đội mạnh nhất thế giới vào năm 2049

VietTimes -- Đến năm 2049 khi tròn 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Quân đội Trung Quốc có khả năng trở thành đội quân mạnh nhất thế giới.
Quân đội Trung Quốc (ảnh minh họa)
Quân đội Trung Quốc (ảnh minh họa)

Tờ Tiếng vang Pháp ngày 25 tháng 1 cho hay trước khi ông Donald Trump bước vào làm chủ Nhà Trắng, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson do ông đề cử đưa ra tuyên bố hết sức cứng rắn nhằm hạn chế Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự và ảnh hưởng ở khu vực.

Ông Rex Tillerson nói: "Chúng ta sẽ phát đi thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc: Sẽ không được phép xây dựng đảo nhân tạo và đổ bộ lên đảo, đá ở Biển Đông". Ông Rex Tillerson coi việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tương tự như "Nga chiếm đóng Crimea".

Những tuyên bố này đã gây phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc. Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc thậm chí cho rằng Mỹ dự định tiến hành một cuộc "chiến tranh quy mô lớn" ở Biển Đông khi đưa ra tuyên bố như vậy.

Hơn 20 năm qua, cùng với phát triển mạnh mẽ về kinh tế, Trung Quốc cũng đang phát triển một lực lượng quân đội hiện đại. Đến năm 2049 khi tròn 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Quân đội Trung Quốc được Bắc Kinh kỳ vọng có khả năng trở thành đội quân mạnh nhất thế giới.

Căn cứ vào số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm Thụy Điển, 9 doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc đã nằm trong top 100 doanh nghiệp lớn của ngành công nghiệp quân sự thế giới, trong đó 2 doanh nghiệp (Tổng công ty công nghiệp hàng không và Công ty công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc) nằm trong top 10.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41 Trung Quốc. Ảnh: Cankao

Nhưng, Mỹ vẫn là cường quốc quân sự số một thế giới và dẫn trước rất nhiều. Song, Trung Quốc cũng đang giảm khoảng cách công nghệ với Mỹ.

Nhìn vào góc độ ngân sách, Trung Quốc cũng đã là nước lớn quân sự thứ hai thế giới. Căn cứ vào số liệu của tờ Jane's Defence Weekly Anh, chi tiêu quân sự của Trung Quốc vào năm 2020 sẽ lên tới 233 tỷ USD, trong khi năm 2010 con số này là 123 tỷ USD.

Ngoài con số, Quân đội Trung Quốc cũng tích cực biên chế vũ khí trang bị hiện đại để tăng cường chuyển đổi, từ lực lượng dư thừa quân số chuyển đổi thành tổ chức hiện đại, từ đó có thể triển khai lực lượng quân sự ở nước ngoài.

Căn cứ vào báo cáo thường niên năm 2016 của Lầu  Năm Góc, cải cách hiện đại hóa của Quân đội Trung Quốc từ năm 2015 bước vào giai đoạn mới, đang tiến hành chuyển đổi tổng thể về cơ cấu quân sự.

Những cải cách này có nhiều mục đích: tăng cường kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội; tăng cường năng lực triển khai hành động liên hợp cho quân đội; tăng cường khả năng triển khai chiến đấu khi xảy ra xung đột khu vực cường độ cao trong thời gian ngắn và cách lãnh thổ Trung Quốc xa hơn.

Một phương diện của hiện đại hóa này chính là đến cuối năm 2017 cắt giảm 300.000 quân, làm cho quân số giảm còn 2 triệu quân. Ngoài ra, còn tiến hành chống tham nhũng nghiêm túc trong quân đội: có hơn 40 tướng gồm cả Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã bị khởi tố.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Việc hiện đại hóa cũng liên quan đến hệ thống quân sự. Trung Quốc tìm cách tăng cường lực lượng tấn công hạt nhân, cho dù số lượng đầu đạn hạt nhân của họ được công khai là ít.

Trong các trang bị quân sự mới, chuyên gia Lầu Năm Góc đã nhắc đến tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-26, loại tên lửa này có lợi cho họ tiến hành răn đe chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những nỗ lực của Trung Quốc trên phương diện hải quân có thể là lớn nhất: Trung Quốc hiện nay đã có trên 300 tàu chiến, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tra, từ đó trở thành lực lượng hải quân lớn nhất của khu vực này.

Nhưng, chiếc tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh của Trung Quốc còn chưa thể so sánh với 10 tàu sân bay lớp Nimitz hiện có của Mỹ. Tàu sân bay Liêu Ninh đóng vai trò làm tàu huấn luyện, tập trung để đào tạo phi công cho tàu sân bay.

Ngoài hiện đại hóa trang bị, Trung Quốc còn tiếp tục mở rộng triển khai quân sự ở Biển Đông, đặc biệt là hệ thống vũ khí tầm gần. Trung Quốc còn xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài - ở Djibouti, dự tính sẽ triển khai 6.000 quân. Mục đích của Trung Quốc là bảo vệ an toàn tuyến đường hàng hải ở Sừng châu Phi.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 Hải quân Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Nhưng, những lực lượng quân sự này sẽ phục vụ cho mục đích gì? Chuyên gia Mỹ từ Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế tháng 12 năm 2016 nhấn mạnh, giống như Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện tại Trung Quốc hoàn toàn không muốn đối đầu hoặc xung đột trực tiếp với Mỹ.

Trung Quốc tăng cường phô trương về quân sự thực ra là kết quả "tất yếu" từ sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong nhiều thập niên vừa qua.