Ông O.P. Singh, Cảnh sát trưởng ở bang Uttar Pradesh, cho biết những nạn nhân mới nhất đã làm tăng số người chết ở bang này lên 15 người kể từ ngày 20/12, khi cảnh sát đụng độ với hàng nghìn người biểu tình đổ xuống đường để phản đối đạo luật mà họ xem là có sự phân biệt đối xử với người Hồi giáo.
Dù không nói chi tiết về những nạn nhân mới nhất, nhưng ông Singh cho rằng: “Số người tử vong có thể còn tăng thêm.”
Phản ứng dữ dội của người dân trước đạo luật cũng đánh dấu sự phản đối mạnh mẽ nhất đối với chính phủ chủ nghĩa dân tộc có thiên hướng Ấn Độ giáo của Thủ tướng Narendra Modi, kể từ khi ông đắc cử lần đầu tiên vào năm 2014.
Luật này cho phép người Ấn độ giáo, Cơ đốc giáo và các nhóm thiểu số tôn giáo khác sinh sống bất hợp pháp ở Ấn Độ trở thành công dân, nếu họ có thể chứng minh được họ bị bức hại vì tôn giáo của họ ở những nước mà đa số là người Hồi giáo như Bangladesh, Pakistan và Afghanistan. Luật không áp dụng với người Hồi giáo.
Nhiều người chỉ trích kịch liệt luật mới vì vi phạm hiến pháp thế tục của Ấn Độ và gọi đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Modi để cho 200 triệu người Hồi giáo của đất nước này “ra rìa”. Ông Modi thì ủng hộ đạo luật như một hành động nhân đạo.
Sáu người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ở Uttar Pradesh ngày 20/12. Ngày 21/12, cảnh sát cho biết, hơn 600 người ở bang này đã bị bắt giam kể từ lúc đó để “phòng ngừa”.
Cảnh sát đã áp đặt một đạo luật từ thời thuộc địa của Anh, trong đó, cấm tụ họp hơn bốn người ở một số khu vực của bang.
Bộ Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ đã yêu cầu các đài truyền hình trên cả nước tuân thủ nghiêm ngặt việc hạn chế đưa nội dung có thể kích động bạo lực.
Ở biên giới phía đông bắc của bang Assam, nơi các dịch vụ internet đã được khôi phục sau 10 ngày bị phong tỏa, hàng trăm phụ nữ đã tổ chức một cuộc đấu tranh chống lại đạo luật này ở Gauhati, thủ phủ của bang.
Anh Samujjal Bhattacharya, chủ nhiệm Hiệp hội sinh viên Assam cho biết: “Cuộc biểu tình vì hòa bình của chúng tôi sẽ còn tiếp tục cho đến khi nào luật công dân bất hợp pháp và vi hiến này được sửa đổi.”
Người này từ chối lời đề nghị đối thoại của Trưởng bang Assam, ông Sarbananda Sonowal. Anh ta nói rằng, các cuộc đàm phán không thể diễn ra khi chính phủ hy vọng sẽ đạt được một số thỏa hiệp.
Tại New Delhi, cảnh sát đã buộc tội hơn một chục người gây bạo loạn trong một cuộc biểu tình vào tối ngày 20/12 tại khu vực Daryaganj.
Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã chỉ trích đạo luật.
Trong một cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo ở Kuala Lumpur, ông Mahathir cho biết, một quốc gia thế tục và đa tôn giáo như Ấn Độ không nên ngăn cản người dân đạt được quyền công dân. “Loại trừ người Hồi giáo trở thành công dân, tôi nghĩ là không công bằng”, ông nói.
Sau lời nhận xét trên, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã triệu tập đại biện của Malaysia để khiếu nại.
Các cuộc biểu tình phản đối đạo luật xảy ra trong bối cảnh cuộc đàn áp ở Kashmir vẫn đang tiếp diễn, vì bị tước bỏ quyền tự trị và bị giáng cấp từ một bang vào lãnh thổ liên bang hồi tháng 8.
Các cuộc biểu tình cũng tuân theo một quy trình gây tranh cãi ở Assam nhằm loại trừ người nước ngoài sống bất hợp pháp ở nước này. Gần 2 triệu người đã bị loại khỏi danh sách công dân chính thức, khoảng một nửa người Ấn Độ giáo và một nửa người Hồi giáo. Họ đã được yêu cầu chứng minh quyền công dân của mình, nếu không sẽ bị coi là người nước ngoài.
Ấn Độ đang xây dựng một trung tâm giam giữ những đối tượng trong số hàng chục nghìn người mà tòa án dự kiến xác định là đã xâm nhập bất hợp pháp. Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah đã cam kết triển khai quy trình trên toàn quốc.
(Theo AP)