Vết đâm do xe băng chuyền gây ra đã được các kỹ sư của China Airlines dặm vá bằng đinh ốc (vùng khoanh đỏ) |
Ngày 31.8, nguồn tin củaThanh Niên Onlinecho hay, cuộc họp giữa lãnh đạo Xí nghiệp thương mại mặt đất (Tiags) và Hãng hàng không China Airlines diễn ra vào chiều cùng ngày vẫn chưa thể bàn phương án đền bù liên quan đến sự cố máy bay của China Airlines bị hư hỏng nặng sau cú đâm của xe băng chuyền trong sân bay Tân Sơn Nhất. Lý do, ngay thời điểm này, chi phí thiệt hại quá lớn cả về kỹ thuật và thương mại.
“Hai bên chủ yếu phân tích nguyên nhân gây ra vụ tai nạn bằng cách xem lại video ghi hình trong sân bay. Theo đó, nguyên nhân là do tài xế xe băng chuyền xử lý sai quy trình và lỗi phương tiện. Xe băng chuyền có ba đời, 1996, 2004 và 2011. Chiếc xe đâm vào máy bay là đời cũ 1996, có cấu trúc bàn đạp phanh rất gần với chân ga, nên xác suất đạp nhầm cao. Do vậy phải cần tài xế có kinh nghiệm, nhanh nhạy. Trong khi tài xế đạp nhầm chân phanh với chân ga mới vào làm việc từ tháng 10.2014, hơn nữa lại vận hành loại xe khác trước khi điều khiển xe băng chuyền”, nguồn tin cho biết.
Phía Tiags trước mắt đưa ra hướng khắc phục là sẽ thay đổi cấu trúc phương tiện xe băng chuyền bằng cách điều chỉnh bàn đạp thắng; các loại xe có mui sẽ được gỡ mui, thay bằng mui di động; cam kết tuân thủ quy trình.
Về thiệt hại, trao đổi với Thanh Niên Online, đại diện China Airlines khẳng định, cho đến nay, tổng thiệt hại của sự cố chắc chắn lớn hơn con số 1 triệu USD.
“Máy bay ngừng hoạt động từ ngày 27.8 đến chiều 31.8 mới được sửa xong, qua sáng 1.9 bay không tải về Đài Loan. Tại Đài Loan, máy bay vẫn chưa thể đưa vào khai thác ngay mà phải mất khoảng 15 ngày sửa chữa tiếp. Tổng cộng mất khoảng 20 ngày không được sử dụng. Một máy bay Airbus A330 một ngày mang lại doanh thu cho hãng hàng không từ 200.000 đến 300.000 USD. Với 20 ngày không bay, chỉ tính thiệt hại về thương mại, không tính thiệt hại về kỹ thuật, đã mất của China Airlines 5 - 6 triệu USD”, người này đưa ra con số.
Theo Tuổi trẻ