Mất 26,5 tỷ đồng vì sập bẫy lừa đảo
Ngày 2/7, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tuyên án phúc thẩm vụ kiện giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Chúc (50 tuổi, ở Bắc Ninh) với bị đơn là các ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Hồ sơ vụ án thể hiện, bà Chúc tố cáo người tên Dầu tự giới thiệu công tác tại Cục Quản lý giao thông đường bộ Đà Nẵng và người khác tên Hải tự xưng cán bộ tại Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, lừa đảo chiếm đoạt của bà hơn 26,5 tỉ đồng.
Theo bà Chúc, những kẻ lừa đảo này qua điện thoại đã thông báo bà tham gia giao thông gây tai nạn tại thành phố Đà Nẵng và liên quan đường dây buôn ma túy, rửa tiền. Trong đó, đối tượng tên Hải yêu cầu bà Chúc mở hai tài khoản ngân hàng, cài đặt phần mềm bảo mật vào điện thoại, tiếp tục yêu cầu bà chuyển tiền vào hai tài khoản ngân hàng để chứng minh nguồn tiền của bà là trong sạch và không liên quan đến đường dây buôn ma túy, rửa tiền.
Tin lời, bà Chúc làm theo hướng dẫn, cài đặt phần mềm (có thể đọc, gửi, xử lý tin nhắn; đọc, tạo mới lịch sử cuộc gọi, truy cập vị trí thiết bị…) rồi đến ngân hàng mở tài khoản trước khi chuyển tiền vào.
Trong hai ngày 22 và 23/4/2022, bà Chúc đến Vietcombank Chi nhánh Kinh Bắc và Techcombank Chi nhánh Từ Sơn (Bắc Ninh) mở hai tài khoản mới, rồi chuyển 11,9 tỷ đồng vào tài khoản Vietcombank và 14,6 tỷ đồng vào tài khoản Techcombank.
Đến ngày 25/4, bà Chúc ra hai ngân hàng trên để rút tiền thì được nhân viên của hai nhà băng này thông báo tài khoản của bà không còn tiền, trong khi bà Chúc không hề thực hiện bất cứ giao dịch rút tiền trực tiếp hay gián tiếp nào.
Theo sao kê phía ngân hàng cung cấp, đã có người chuyển 39 bút toán với tổng số tiền 14,66 tỷ đồng tại Techcombank và 11,9 tỷ đồng tại Vietcombank từ tài khoản của bà Chúc đi các tài khoản khác.
Tại đơn khởi kiện Techcombank, bà Chúc cho rằng nhân viên nhà băng này không hướng dẫn, tư vấn thông tin bảo mật dữ liệu đồng thời “thờ ơ" khi bà báo mất tiền. Ngân hàng cũng không có biện pháp ngăn nhóm lừa đảo tẩu tán tiền...
Tại bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Từ Sơn đánh giá Techcombank có "một phần lỗi", tuyên buộc bồi thường cho bà Chúc 800 triệu đồng.
Tương tự, ngân hàng Vietcombank cũng bị buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Chúc số tiền 700 triệu đồng.
Cả nguyên đơn, bị đơn sau đó đều kháng cáo và trong đó, bà Chúc không đồng ý con số này còn phía ngân hàng cho rằng không có trách nhiệm bồi thường.
Trong khi đó, Viện kiểm sát kháng nghị, cho rằng tòa án không có căn cứ xác định ngân hàng mắc lỗi.
Ngân hàng “không có lỗi”
Tại tòa phúc thẩm (chiều 2/7), phía Techcombank khẳng định đã tư vấn, hướng dẫn thủ tục mở và sử dụng tài khoản cho khách hàng, gồm bà Chúc. Sau đó, bà Chúc đã thao tác để hủy sử dụng trên điện thoại iPhone và đăng ký trên thiết bị khác (theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo bà Chúc).
Khi xảy ra sự cố, ngân hàng làm theo ba bước gồm tư vấn cho khách tạm khóa tài khoản; khuyến cáo báo công an; tích cực phối hợp, cung cấp thông tin để truy tìm kẻ lừa đảo.
Bà Chúc trình bày, bản thân "không được tư vấn gì" khi mở tài khoản và nhân viên Techcombank, tự điền hết thông tin, dịch vụ, gồm chuyển tiền qua internet Banking.
Bà Chúc cho rằng, do đây không phải dịch vụ bà yêu cầu nên khi có thiệt hại liên quan tới internet banking, ngân hàng phải bồi thường. Bản thân bà nghĩ tiền gửi vào ngân hàng là an toàn, bảo mật tốt và tiền trong ngân hàng, không có sự đồng ý của bà thì không rút được.
Tranh luận lại, phía Techcombank giữ quan điểm cho rằng đã làm đúng quy định về tổ chức cung ứng dịch vụ nhưng bà Chúc lại "tự ý cài phần mềm vào điện thoại" nên lỗi mất tiền thuộc hoàn toàn về bà.
Sau khi nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá, thời điểm mở tài khoản, bà Chúc cần phải biết và buộc phải biết về các điều khoản liên quan. Techcombank đã cung cấp cho bà Chúc tên truy cập, số điện thoại, mật khẩu, OTP kích hoạt…
Tuy vậy, khi bà Chúc cài phần mềm theo yêu cầu của kẻ lừa đảo, bà đã gián tiếp cung cấp thông tin về tài khoản cho chúng nên việc bị mất 14,6 tỷ đồng hoàn toàn thuộc lỗi của bà.
Do vậy, tòa cấp phúc thẩm bác kháng cáo của bà Chúc, chấp nhận kháng cáo của Techcombank và kháng nghị từ viện kiểm sát. Techcombank không phải bồi thường bất cứ số tiền nào trong 14,6 tỷ đồng khách hàng bị mất, do được tòa xác định “không có lỗi”.
Nguyên đơn bật khóc tại tòa
Sau đó, tòa chuyển sang xét xử vụ kiện thứ hai giữa bà Chúc với Vietcombank. Trong quá trình xét hỏi, trước nhiều câu hỏi của thẩm phán, bà Chúc đã mất bình tĩnh, bật khóc tại tòa, được con gái dìu ra ngoài.
Lúc này, luật sư Lê Ngọc Hà (người bảo vệ quyền lợi của bà Chúc) đã yêu cầu dừng phiên toà để đảm bảo sức khoẻ cho bà Chúc.
Ngày 3/7, bà Chúc nộp đơn đề nghị hoãn phiên toà vì lý do sức khoẻ. Tuy nhiên, sau khi xem xét, HĐXX tiếp tục xét xử vụ án với lý do bà Chúc không có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền về lý do sức khỏe.
Sau nửa ngày xét xử và tranh luận, HĐXX đánh giá, theo kết luận giám định, các đối tượng lừa đảo đã chiếm quyền kiểm soát gồm: số điện thoại, tài khoản của bà chúc tại ngân hàng Vietcombank. Bà Chúc đã cài đặt phần mềm do các đối tượng lừa đảo yêu cầu nên mọi xác thực giao dịch, tin nhắn, OTP kích hoạt… ngân hàng gửi về bà không nhận được, do đó phía ngân hàng “không có lỗi”.
Theo HĐXX, bản án sơ thẩm cho rằng, ngân hàng Vietcombank cũng có một phần lỗi, không giải thích kỹ càng với khách hàng nên buộc phải có một phần trách nhiệm, buộc bồi thường thiệt hại cho bà Chúc số tiền 700 triệu đồng là không có căn cứ.
Từ đó, HĐXX bác kháng cáo của bà Chúc, chấp nhận kháng cáo của ngân hàng Vietcombank, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Từ Sơn.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu