Vụ án Agribank Cần Thơ: Những bộ hồ sơ "mông má" qua cửa Agribank Việt Nam thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cáo trạng thể hiện cán bộ tín dụng Agribank Cần Thơ trực tiếp hỗ trợ kế toán Công ty Tây Nam điều chỉnh các số liệu, nhằm hợp thức hoá hồ sơ dự án để vay vốn...

Liên quan tới vụ án Agribank Cần Thơ, cáo trạng mới nhất của VKSND TP Cần Thơ cáo buộc Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (SN 1980, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam); Lê Thanh Hải (SN 1964, nguyên Giám đốc); Trần Huy Liệu (SN 1972, nguyên Phó giám đốc); Bùi Tuấn Anh (SN 1975, nguyên Trưởng phòng Tín dụng Agribank Cần Thơ), đã Vi phạm các quy định về lập hồ sơ vay vốn và thẩm định hồ sơ vay vốn của quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 3/12/2001 của NHNN Việt Nam; Vi phạm quyết định 63/2010 ngày 15/10/2010 của Thủ tướng (quyết định quy định về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản).

Những bộ hồ sơ “mông má”… có sự giúp sức của nhân viên ngân hàng

Cáo trạng thể hiện lợi dụng chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản theo quyết định 63/2010 của Thủ tướng, bị can Đạt Nhân cùng với các cán bộ Agribank Cần Thơ là Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh bàn bạc, thống nhất cho Công ty Tây Nam vay vốn hỗ trợ lãi suất theo quyết định 63/2010, trong khi công ty này không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất, hồ sơ vay vốn không đủ điều kiện.

Cụ thể, Công ty Tây Nam không có hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp với nông dân; chưa có tài sản đảm bảo thế chấp; dự án chưa được cấp phép xây dựng; chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Dù biết công ty này không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất, hồ sơ vay vốn không đủ điều kiện, nhưng bị can Hải vẫn ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn và hỗ trợ lãi suất theo quyết định 63/2010 của Thủ tướng.

Agribank8.jpg
Quang cảnh phiên toà xét xử các bị cáo .

Để có thể vay vốn, bị can Đạt Nhân cùng các cán bộ Agribank Cần Thơ thống nhất nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để thế chấp các khoản vay của Công ty Tây Nam.

Các bị cáo Hải, Liệu và Tuấn Anh chấp nhận việc Đạt Nhân lập hồ sơ khống để Công ty Tây Nam được vay vốn hỗ trợ lãi suất; chấp nhận cho giám đốc doanh nghiệp này sử dụng tiền vay hỗ trợ lãi suất sai mục đích mua bán bất động sản, trả nợ cho các khoản vay khác, bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án; sử dụng tiền vay hỗ trợ lãi suất để gửi tiết kiệm lấy lãi.

Tại lần giải ngân thứ nhất cho Công ty Tây Nam không có tài sản đảm bảo thế chấp; các lần giải ngân cũng không có hoá đơn chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn hoặc cung cấp chứng từ khống, nhưng vẫn được ngân hàng ký duyệt giải ngân.

Bị can Hải, Liệu và Tuấn Anh không thực hiện kiểm tra nguồn vốn sau khi cho vay, nhưng vẫn lập hồ sơ khống các biên bản kiểm tra sau khi cho vay để hợp thức hoá hồ sơ vay vốn.

Từ năm 2013-2015, các bị can Nhân, Hải, Liệu và Tuấn Anh đã thống nhất cho Nhân sử dụng pháp nhân là Công ty Tây Nam, Công ty Đồng Bằng Xanh, Công ty Nam Bộ Cửu Long; các cá nhân Phan Duy Phương và Nguyễn Bửu Tâm lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo thế chấp vay và sử dụng vay sai mục đích, gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam 291 tỷ đồng.

Vậy, các loại giấy tờ, hồ sơ không đủ điều kiện vay vốn đã được bị cáo bàn bạc, “mông má” cho chuẩn chỉnh như thế nào?

Theo cáo trạng, từ nội dung bàn bạc với Hải và Liệu, Đạt Nhân đã chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ vay vốn, hồ sơ tài chính, hồ sơ dự án để vay vốn theo quyết định 63/2010 của Thủ tướng.

Tháng 3/2011, Đạt Nhân thành lập Công ty TNHH MTV Nam Dương, 6 tháng sau đổi tên thành Công ty TNHH MTV Nông thuỷ sản Tây Nam (trụ sở tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), do Nhân vừa làm giám đốc đại diện theo pháp luật, vừa là chủ sở hữu công ty. Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, vốn pháp định 6 tỷ đồng.

Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản; sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản, nông sản và mua bán thức ăn chăn nuôi, nông thuỷ sản và mua bán phân bón, máy móc, thiết bị cho nông thuỷ sản, kinh doanh siêu thị.

Sau khi thành lập, Nhân chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ dự án “đầu tư xây dựng Cụm chế biến nông thuỷ sản Tây Nam”, với tổng mức đầu tư hơn 689 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của Công ty Tây Nam là hơn 206 tỷ đồng, vốn vay hơn 482 tỷ đồng.

Do nhân viên của Nhân không biết thiết lập các chỉ số tài chính của dự án, nên Trần Huy Liệu (khi đó là Trưởng Phòng Tín dụng Agribank Cần Thơ), đã trực tiếp hướng dẫn cho nhân viên của doanh nhân này cách chạy các chỉ số trên Excel, nhưng kết quả vẫn không đạt yêu cầu.

Thấy vậy, Liệu chỉ đạo Bùi Tuấn Anh (cán bộ tín dụng Agribank Cần Thơ) hỗ trợ kế toán Công ty Tây Nam điều chỉnh lại các chỉ số nhằm hợp thức hoá cho phù hợp, đảm bảo dự án khả thi.

Để hoàn thiện thủ tục hồ sơ, Đạt Nhân chỉ đạo kế toán Lê Thị Kim Cương lập khống 9 hợp đồng thu mua và bao tiêu cá tra với nông dân. Đạt Nhân đại diện theo pháp luật của Công ty Tây Nam ký với nhân viên là Hoàng Công Tám, Phạm Tường Thi, Đỗ Minh Sang, Trần Thị Cẩm Tú, Tạ Thị Khanh, Phan Trọng Nhân. Các hợp đồng sau đó được đưa vào báo cáo tài chính năm 2011 của Công ty Tây Nam.

Việc này giúp ghi nhận các số liệu khống với tổng giá trị hợp đồng hơn 134 tỷ đồng, thanh toán cho người bán hơn 48 tỷ đồng.

Tiếp theo, Đạt Nhân nhờ ông Nguyễn Thiện Thành - Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện lạnh Huy Hoàng - nâng công suất và nâng giá các máy móc, thiết bị cấp đông lên tối đa, với bảng báo giá nâng lên hơn 207 tỷ đồng. Việc này giúp Nhân sử dụng các số liệu lập hồ sơ dự án.

Agribank7.jpg
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân.

Hồ sơ "mông má" được duyệt vay 289 tỷ đồng sau hơn 30 ngày

Ngày 13/10/2011, Đạt Nhân ký giấy đề nghị vay 289 tỷ đồng tại Agribank Cần Thơ, mục đích sử dụng vốn để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông thuỷ sản Tây Nam, theo quyết định 63/2010 của Thủ tướng.

Ngày 5/11/2011, Nhân bổ sung biên bản xác nhận các hạng mục đầu tư do ông ta cùng Hải và bà Nguyễn Thị Lan Phương (Phó giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Vị Thanh) ký xác nhận nội dung liệt kê các hạng mục của dự án.

Theo đó, Agribank Cần Thơ dự kiến đầu tư 289 tỷ đồng/354 tỷ đồng; các hạng mục do Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh Vị Thanh đầu tư với số tiền 200 tỷ đồng. Phần còn lại là vốn tự có của Công ty Tây Nam.

Tài sản thế chấp khoản vay là 7,5 ha đất giai đoạn 1 của dự án, các tài sản hình thành trong tương lai do chi nhánh đầu tư và tài sản cá nhân khác của chủ dự án.

Trung tuần tháng 11/2011, Đạt Nhân liên hệ với ông Trần Châu Bảo Toàn, Phó giám đốc Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Vị Thanh, nhờ ký công văn nội dung cam kết cho Công ty Tây Nam vay vốn 200 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Ngày 18/11/2011, cán bộ tín dụng Agribank Cần Thơ là Bùi Tuấn Anh có báo cáo thẩm định dự án vay vốn của Công ty Tây Nam. Ngay sau đó, Trần Huy Liệu - Trưởng phòng Tín dụng Agribank Cần Thơ, duyệt báo cáo xác định đủ điều kiện vay vốn.

Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Agribank Cần Thơ, duyệt đồng ý cho vay.

Agribank6.jpg
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ). Ảnh: Nam Định.

Cùng ngày 18/11/2011, Liệu chỉ đạo Tuấn Anh (cán bộ tín dụng) soạn thảo, trình Giám đốc Agribank Cần Thơ ký tờ trình xin phê duyệt cho vay với khoản vay vượt quyền phán quyết chi nhánh. Vì theo quy định, Agribank Cần Thơ được phân cấp phán quyết tín dụng đến 150 tỷ đồng. Với các khoản vay vượt phán quyết, chi nhánh phải trình Agribank Việt Nam phê duyệt.

Trưởng Phòng tín dụng Agribank Cần Thơ chỉ đạo thuộc cấp soạn văn bản ghi nhận số tiền góp vốn theo số liệu mà Đạt Nhân cung cấp. Tuấn Anh nhận chỉ đạo, không kiểm tra, đối chiếu thực tế mà nhận xét Công ty Tây Nam đủ khả năng góp vốn hoàn thành dự án. Cán bộ tín dụng Agribank Cần Thơ soạn công văn số 370/NHNN ngày 21/12/2011, ghi nhận số tiền góp vốn vào Công ty Tây Nam là 61,8 tỷ đồng.

Sau đó, Hải, Liệu cùng Đạt Nhân đến Agribank Việt Nam trình phê duyệt hạn mức.

Ngày 23/11/2011, Nhân bổ sung kế hoạch số 01 về tiến độ đề nghị giải ngân và tiến độ bổ sung vốn điều lệ. Theo đó, đến tháng 12/2011, công ty góp đủ vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Công ty Tây Nam thực tế do Nhân là chủ sở hữu, ông ta không chuyển vốn vào doanh nghiệp mà chỉ đạo các kế toán lập khống chứng từ góp vốn cung cấp cho Agribank Cần Thơ, bằng cách lập khống 4 phiếu thu tiền nội dung Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân góp vốn, và lấy tiền từ các khoản vay khác nộp vào tài khoản Công ty Tây Nam, sau đó rút ra nộp lại nhiều lần.

Trong đó, khoản vay của Công ty Tây Nam tại Ngân hàng BIDV Vị Thanh hơn 63 tỷ đồng; khoản vay của Công ty Mặt Trời tại BIDV Vị Thanh - Ngân hàng BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 hơn 52 tỷ đồng; khoản vay của Công ty Đồng Bằng Xanh tại Agribank Cần Thơ hơn 88 tỷ đồng; khoản vay của Công ty Đồng Bằng Xanh tại BIDV Vị Thanh 3 tỷ đồng; khoản vay của Công ty Nam Bộ Cửu Long tại Agribank Cần Thơ hơn 6,4 tỷ đồng; khoản vay của Hoàng Công Tám tại BIDV Vị Thanh hơn 300 triệu đồng; khoản vay của Trần Hải Sơn tại BIDV Vị Thanh gần 3 tỷ đồng.

Sau khi hồ sơ được hợp thức đầy đủ, ngày 22/12/2011, Agribank Việt Nam phê duyệt cho Công ty Tây Nam vay 289 tỷ đồng, nêu rõ điều kiện cho vay: “Cho vay có bảo đảm bằng tài sản; Công ty Tây Nam phải bổ sung vốn điều lệ theo đúng tiến độ tại công văn số 01/KH/TN ngày 23/11/2011; Chi nhánh Agribank Cần Thơ chỉ giải ngân khi Công ty Tây Nam xuất trình đủ các chứng từ hợp lệ của các hạng mục đã thống nhất tại biên bản ngày 5/11/2011 được ký kết giữa chủ đầu tư, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Vị Thanh và Agribank Cần Thơ; chỉ giải ngân tương ứng với tỷ lệ vốn tự có của chủ đầu tư tham gia vào dự án… Giám đốc Agribank Cần Thơ thực hiện cho vay; áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay; Kiểm tra, theo dõi và quản lý vốn vay…”

Nhận được phân quyền cho vay 289 tỷ đồng từ Agribank Việt Nam, một ngày sau dịp nghỉ Tết Dương lịch (2/1/2012), ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Agribank Cần Thơ - ký hợp đồng tín dụng số 01 cho Công ty Tây Nam vay số tiền 289 tỷ đồng. Trong hợp đồng ghi rõ điều kiện cho vay như chỉ đạo tại công văn ngày 22/12/2011 của Agribank Việt Nam.

Với hành vi như trên, cáo trạng của VKSND Cần Thơ cáo buộc, Đạt Nhân và Hải, Liệu, Tuấn Anh đã Vi phạm quy định tại các điều về lập hồ sơ vay vốn và thẩm định hồ sơ vay vốn (Điều 7, 14, 15) của Quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Điều 1 Quyết định 63 của Thủ tướng Chính Phủ.

Đây được xem là "kỳ án" trong lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng xảy ra tại TP Cần Thơ, kéo dài đã gần 10 năm, kể từ thời điểm có quyết định khởi tố đầu tiên từ cuối năm 2015.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nhiều tội danh được các cấp có thẩm quyền đề cập đến, như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đầu năm 2022, TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm lần đầu, tuyên cả 6 bị cáo không phạm tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ngay sau đó, Viện kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ đã có quyết định kháng nghị bản án, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM xét xử lại theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Tháng 8/2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ truy tố lại từ đầu.

Ngày 19/7/2024, TAND TP Cần Thơ mở phiên xét xử sơ thẩm (lần 2) vụ án Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ), song cũng tạm hoãn do vắng mặt một số người liên quan, cùng đề nghị của các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát.

Kính mời độc giả đón đọc bài tiếp theo: “Kỳ án Agribank Cần Thơ: Sai chồng lên sai khiến Ngân hàng Agribank Việt Nam thiệt hại 291 tỷ đồng

Bài 1: Vụ án Agribank Cần Thơ: Vì sao vụ án kéo dài gần một thập kỷ?

Bài 2: Vụ án Agribank Cần Thơ: Những bộ hồ sơ "mông má" qua cửa Agribank Việt Nam thế nào?