Mẫu xe máy điện thông minh Klara chính thức được VinFast bán ra thị trường vào ngày 20/11/2018, đánh dấu sản phẩm đầu tay của thương hiệu ô tô và xe máy điện mang thương hiệu Việt thuộc Tập đoàn VinGroup.
VinFast Klara có 6 màu sắc bao gồm Đỏ, Trắng, Xám, Xanh, Đen và Vàng cát. Riêng màu Xám được sơn nhám khác biệt hoàn toàn so với 5 màu còn lại được sơn bóng.
Dẫu biết cái đẹp được thể hiện theo quan điểm của từng người nhưng theo quan điểm cá nhân người viết, đây có lẽ là màu sắc đẹp nhất bởi nó tạo cảm giác mạnh mẽ và nam tính cho một chiếc xe trông có phần hơi nữ tính.
Ngoài sự lựa chọn màu sơn, khách hàng cũng có thể lựa chọn một trong hai phiên bản: tiêu chuẩn (dùng ắc-quy axit chì) và phiên bản cao cấp (dùng pin Lithium-ion) với mức giá bán được trợ giá cho lô xe đầu tiên lần lượt là 21 triệu đồng và 35 triệu đồng.
Dù có mức giá không phải rẻ so với mặt bằng chung của dòng xe máy điện hiện tại nhưng phiên bản cao cấp của Klara lại được nhiều người để ý hơn cả và nó nhanh chóng cháy hàng chỉ sau ít ngày bán ra thị trường.
Lý do được nhiều người mua xe đưa ra là phiên bản cao cấp của VinFast Klara có nhiều tính năng thông minh, công nghệ mới và tạo ra sự khác biệt hơn hẳn so với các mẫu xe máy điện của Trung Quốc.
Trong khi, phiên bản tiêu chuẩn sử dụng ắc quy thì lại không được mấy người dùng quan tâm dù giá rẻ hơn tới gần 15 triệu đồng. Và đó mới là thị trường xe Việt, nơi luôn ẩn chứa những điều bất ngờ.
Thiết kế của Klara có xứng đáng với 35 triệu đồng?
Về kiểu dáng, VinFast Klara có vẻ như là sự tổng hòa phong cách thiết kế của nhiều hãng xe máy như sự mượt mà ở phần đầu xe của Vespa, các đường nét góc cạnh ở hai bên hông xe của Lambretta.
Chưa hết, kiểu dáng cụm đèn chiếu sáng trước dạng 2 tầng với dải đèn định vị trên phiên bản cao cấp tiếp tục khiến người dùng liên tưởng đến phong cách của Vespa. Còn cụm đèn hậu lại có nét gì đó hơi giống với thiết kế của Yamaha Janus, nhất là dải viền LED hình chữ U và đèn phanh.
Dẫu sao, hãng cũng đã khéo léo lồng vào đó một số chi tiết tuy nhỏ nhưng đủ để nhận ra đây là xe máy điện của thương hiệu VinFast như đèn xi-nhan LED với dải trang trí giả kim loại hai bên tạo thành hình chữ V và phía đuôi xe ngoài logo còn có thêm cả dòng chữ VINFAST rất nổi bật.
Theo cảm nhận của người viết, bỏ qua những cái nhìn khắt khe về thiết kế, VinFast Klara thực sự là một chiếc xe máy đúng nghĩa và chỉ thay thế động cơ đốt trong bằng động cơ điện mà thôi. Điều này làm cho Klara ghi điểm trong mắt người dùng nếu đặt lên bàn cân so sánh với các mẫu xe máy điện hiện đang bán trên thị trường.
Về độ hoàn thiện, ở một vài màu sắc, người dùng đánh giá có một số bề mặt chi tiết sơn không đều nhưng phiên bản màu Xám nhám mà tôi lái thử thì không gặp vấn đề đó.
Theo nhà sản xuất, VinFast Klara bản cao cấp có trọng lượng 95 kg, nhẹ hơn so với các mẫu xe tay ga phổ thông có cùng kiểu dáng tương tự như vậy nên người dùng, nhất là chị em phụ nữ sẽ dễ dàng hơn trong việc dắt hay dịch chuyển xe trong bãi đỗ.
Một điểm tôi chưa hài lòng là phần nhựa ốp hai bên thân xe được làm khá mỏng manh, cảm nhận được bề mặt bị lõm hẳn xuống khi dùng đầu gối tì mạnh vào khu vực đó.
Rất may, các chi tiết khác như nút công tắc trên tay lái đã được làm tốt, trông không bị rẻ tiền và có độ chắc chắn như trên những mẫu xe tay ga của các hãng xe máy Nhật Bản.
Bảng đồng hồ hiển thị bằng màn hình điện tử LCD 4,5 inch với đèn nền trắng đen hiển thị rất rõ ràng ngay cả trong điều kiện trời nắng chói chang. Thế nên, Klara xứng đáng nhận được lời khen ngợi bởi ngay cả những chiếc xe tay ga đang bán chạy nhất thị trường trong tầm giá với Klara cũng chưa có được điều đó.
Ngoài những thông tin cơ bản như tốc độ, số km đã đi được, phần trăm pin, thời gian… màn hình còn hiển thị thêm gia tốc tức thời, phanh thu hồi động năng, nhiệt độ ngoài trời, nhắc báo sạc khi dung lượng pin dưới 30% và thông báo tin nhắn cũng như cuộc gọi bằng biểu tượng khi bạn kết nối điện thoại thông minh với chiếc xe thông qua bluetooth.
Ở thời điểm Klara mới được giới thiệu, VinFast có đưa ra ứng dụng cho xe máy điện trên các dòng điện thoại Android. Tiếc là ứng dụng này đã sớm bị gỡ bỏ trên Google Play để cập nhật và hoàn thiện thêm một số tính năng như định vị và dẫn đường tới các trạm sạc gần nhất.
Dự kiến ứng dụng cho Klara sẽ quay trở lại Google Play trong tháng 1/2019, còn trên App Store của iOS sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa. Đó là lý do tại sao VinFast lại gọi Klara là một chiếc xe máy điện thông minh chứ không phải là một chiếc xe máy điện đơn thuần.
Khu vực phía dưới, Klara sử dụng ổ khóa đa chức năng như trên các dòng xe máy phổ thông. Phiên bản cao cấp có thêm bộ remote điều khiển riêng biệt được cung cấp bởi hãng Bosch cho phép người dùng khóa/mở, tìm xe và hỗ trợ kết nối với điện thoại thông minh.
Yên xe của Klara to và rộng, chiều cao yên chỉ là 760mm, ngang với Honda LEAD nên ngồi rất thoải mái. Dưới yên là một cốp chứa đồ có dung tích 21 lít đủ vừa 2 mũ bảo hiểm nửa đầu.
Đây cũng là vị trí để đặt bộ pin Lithium-ion, cổng sạc được đưa vào bên trong cốp chứ không đặt ở bên ngoài như các mẫu xe máy điện khác để phù hợp với thiết kế chống nước của chiếc xe.
Khác với phiên bản tiêu chuẩn sử dụng ắc-quy chì, bộ pin Lithium-ion trên bản cao cấp có thể lấy ra một cách dễ dàng để mang lên nhà hoặc văn phòng sạc pin trong trường hợp bãi đỗ xe không có chỗ sạc. Về điểm này, tôi đánh giá cao Klara với những tiện ích mà chiếc xe máy điện này mang lại.
Vận hành có vài thứ khác với xe máy phổ thông
Ngồi lên xe và vặn khóa nhưng để chiếc xe có thể lăn bánh, người dùng sẽ phải thực hiện giữ nút P trong 2-3 giây, tương tự như đề nổ trên xe máy và sau đó mới có thể vặn ga để di chuyển. Cảm nhận của tôi khi cầm lái VinFast Klara là tay ga quá nhẹ và khi vặn ga sẽ có độ trễ.
Klara có hai chế độ vận hành gồm Eco và Sport, có điều bạn chỉ có thể cảm nhận rõ phản ứng động cơ nhanh nhạy ở chế độ Sport khi vận tốc của chiếc xe đã đạt trên 25 km/h.
Một điều cần lưu ý với những khách hàng đang có ý định mua Klara là với chiếc xe máy điện của VinFast nói riêng cũng như xe máy điện khác nói chung, người dùng sẽ phải thay đổi thói quen vừa phanh vừa ga.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì khi bóp phanh, hệ thống động cơ sẽ ngay lập tức ngắt điện và tay ga không còn tác dụng. Nhưng nếu vô tình vẫn vặn và giữ tay ga sau khi nhả tay phanh, động cơ sẽ hoạt động trở lại, mô-men xoắn lớn 86 Nm ngay ở vòng tua 100 vòng/phút sẽ đủ khiến người lái giật mình khi xe bất ngờ vọt về phía trước.
Ngoài ra, do là xe máy điện nên Klara không phát ra âm thanh, vì thế người dùng sẽ cần phải chăm bóp còi hơn mỗi khi vượt xe hay cảnh báo cho người đi phía trước. Chạy trên đường, VinFast Klara cho cảm giác chắc chắn, ổn định.
Hệ thống giảm xóc trước/sau đều làm việc khá tốt khi đi vào đoạn đường xấu, không có tình trạng bồng bềnh nhún nhảy do giảm xóc quá mềm. Phanh đĩa có mặt trên cả bánh trước và sau đảm bảo sự an toàn khi phanh gấp. Tất nhiên, trong điều kiện vận tốc bị giới hạn 50 km/h thì nó chưa đủ làm khó cho hệ thống phanh đĩa đến từ thương hiệu có tiếng Nissin.
Ở những chiếc xe máy điện giá rẻ, hệ thống chiếu sáng dường như chỉ làm cho có nhưng VinFast Klara thì không như vậy. Với phiên bản cao cấp, Klara sử dụng đèn LED cho tất cả đèn chiếu sáng trước/sau. Đèn pha LED cho ánh sáng trắng và khoảng cách chiếu sáng không hề thua kém với những chiếc xe máy phổ thông, nếu không nói là nhỉnh hơn.
Một điểm mà nhiều người lo ngại khi mua Klara là chiếc xe này có đủ khỏe để leo được dốc hay không? Xin thưa là rất ổn. Người viết đã thử nghiệm với 2 người ngồi trên xe và đi lên những con cầu vượt ở Hà Nội, thậm chí là cả những đoạn dốc từ hầm chung cư, động cơ Bosch có thể đạt đỉnh công suất lên tới 2.100W và mô-men xoắn cực lớn ngay ở 100 vòng/phút của Klara đã cho tôi thấy nó mạnh mẽ đến cỡ nào.
Về khả năng di chuyển, theo nhà sản xuất, VinFast Klara có thể đi được quãng đường 80 km khi sạc đầy, tốc độ di chuyển tối đa 50 km/h. Theo người viết, tốc độ này có thể nói đã quá đủ với nhu cầu di chuyển cơ bản trong đô thị. Nhưng nếu bạn có việc gấp cần di chuyển nhanh thì Klara sẽ không phù hợp.
Trong 3 ngày chạy thử, tôi chạy khá thoải mái, vận tốc khoảng 35-45 km/h theo đúng cách vẫn thường di chuyển bằng xe máy thì quãng đường đi được khoảng 63 km. Ưu điểm không thể phủ nhận của Klara chính là khả năng chống nước, tiếc là trong những ngày lái thử tại Hà Nội, trời lại không có mưa nên tôi chưa có dịp được trải nghiệm tính năng này.
Một điểm mà bản pin Lithium-ion của Klara có lẽ sẽ hơn những chiếc xe máy điện sử dụng ắc quy chì đó là tốc độ không bị suy giảm đi nhiều khi pin yếu. Cụ thể, ngay cả khi còn mức pin 10% thì tốc độ di chuyển của xe vẫn có thể đạt được ở mức 24-26 km/h, còn 5% pin thì tốc độ vào khoảng 15-18 km/h.
Trong khi cũng với một chiếc xe máy điện của một thương hiệu Việt khác mà tôi có dịp trải nghiệm cách đây 1 năm thì với mức pin 10%, vận tốc xe chỉ đạt khoảng 16 km/h và 5% sẽ là 8 km/h.
Tôi cũng đã thử khả năng sạc pin cho Klara khi nó còn 1% thì nhận thấy mức pin của xe sẽ đạt 50% trong vòng 2h30, 4h đạt 90% nhưng để đạt được con số 100% thì sẽ phải mất thêm 3h nữa, tương đương 7h cho 1 lần sạc đầy. Nếu chỉ sạc 90% pin, pin có cảm giác sẽ tụt khá nhanh khi xe di chuyển.
Đánh giá
Ở mức giá 35 triệu đồng, VinFast Klara vẫn còn vượt quá tầm với của đại đa số khách hàng, song nó có thể là mức giá chấp nhận được cho những ai muốn trải nghiệm một chiếc xe điện cao cấp thân thiện môi trường với nhiều công nghệ, tiện ích thông minh.
Nếu tới đây giá xe tăng lên 40 triệu đồng, rồi trở về mức giá 57 triệu đồng thì người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc rất nhiều trước khi mua mẫu xe này.
Khi mua rồi, bạn cũng nên xác định nó chỉ là phương tiện di chuyển thứ 2, chủ yếu dành cho dân văn phòng, di chuyển quãng đường ngắn và sẽ rất khó để bán lại nếu không còn nhu cầu sử dụng.
Chưa kể sau một thời gian sử dụng pin sẽ bị chai hoặc sụt pin nhanh nếu để xe dưới trời nắng nóng, chi phí thay thế cho 1 cục pin Lithium-ion cũng không hề rẻ, khoảng 12 triệu đồng.
Lúc này nếu bạn đã sở hữu Klara, hãy mong rằng VinFast sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các trạm sạc. Chỉ khi nào thấy việc sạc pin không còn đáng lo ngại và tốn kém thời gian, khi đó thị trường xe máy điện mới có cơ hội phát triển mạnh mẽ.