Trong giai đoạn đánh chặn đòn tấn công đổ bộ của đối phương là lực lượng bộ binh, lính thủy đánh bộ tại chỗ kết hợp với lực lượng Biên phòng, lực lượng cảnh sát biển và bao gồm cả lực lượng dân quân tự vệ biển. Phụ thuộc vào không gian chiến trường và quy mô của chiến dịch đổ bộ, thứ tự quy trình tiến hành chiến dịch bao gồm: lên kế hoạch tác chiến, đưa lực lượng đổ bộ lên các tàu đổ bộ và tàu vận tải, cơ động vượt biển, có thể diễn tập thử đổ bộ khi có điều kiện, đổ bộ đường biển và tác chiến trên bờ biển.
Tương tự như vậy, chiến dịch chống đổ bộ đường biển cũng diễn ra với trình tự: phát hiện mục tiêu lực lượng đổ bộ, lên kế hoạch phòng thủ bờ biển, triển khai lực lượng đánh chặn ngăn không cho địch phát triển, triển khai lực lượng bao vây chia cắt, đánh chặn đường lực lượng tiếp viện và yểm trợ hỏa lực, tập trung lực lượng tiêu diệt địch trên bờ và đánh tiêu diệt lực lượng hải quân đối phương trên vùng biển xâm nhập.
Để tiến hành các chiến dịch đổ bộ đường biển, cần phải có đủ số lượng các tàu đặc chủng dành cho đổ bộ đường biển và các tầu vận tải chuyên dụng. Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho đến nay, Liên bang Nga có khoảng 32 tàu đổ bộ. Nhưng cũng cần nhớ rằng, sự thiếu hụt các phương tiện đổ bộ đặc chủng cũng không làm cho Liên bang Xô viết gặp khó khăn khi tiến hành chiến dịch “Anadyr” vào năm 1961 giai đoạn từ 12/7 đến 22/10 thực hiện chuyến đổ bộ liên lục địa đưa cụm lực lượng liên quân đổ bộ lên Cuba với đầy đủ vũ khí trang bị trên các tàu vận tải dân sự.
Cũng có những ví dụ khác: sư đoàn bộ binh cơ giới số 33 từ quân khu Danhevostoc vào năm 1979 đã tổ chức và thực hiện thành công cuộc đổ bộ trên các tàu vận tải của công ty vận tải biển Danhevostoc vào vịnh Olga thuộc vùng duyên hải Primorski.
Tính toán các vấn đề có thể phát sinh trong nhiệm vụ đổ bộ và chống đổ bộ đối với chỉ huy trưởng đơn vị binh chủng hợp thành, cũng như tư lệnh trưởng Hạm đội Thái Bình Dương trong tiến trình lên kế hoạch đổ bộ, thực tế chuyển binh lực xuống tàu, hành quân vượt biển dưới sự uy hiếp và hỏa lực nhiều chiều, nhiều hướng của đối phương trong điều kiện tác chiến hiện đại và đổ bộ lực lượng bộ binh cơ giới trong các chương trình diễn tập bắn đạn thật, cho thấy có cơ sở lý luận và thực tiễn để thay đổi quan điểm về đào tạo, huấn luyện các chuyên viên - sĩ quan về các hình thức tác chiến đổ bộ đường biển và chống đổ bộ đường biển trong lực lượng lục quân và hải quân.
Vấn đề đầu tiên và cũng là quan trọng nhất - tổ chức điều hành các cơ quan tham mưu tác chiến và các đơn vị quân binh chủng hợp thành, các phân đội thuộc quân binh chủng khác nhau trong chiến đầu.
Vấn đề thứ hai - lập kế hoạch tổ hợp hỏa lực từ các phương tiện hỏa lực tiêu diệt mục tiêu trong các cấp độ của chiến dịch đổ bộ đường biển ( tương tự như vậy đối với các cấp độ của chiến dịch chống đổ bộ đường biển).
Thực tế các hoạt động trong diễn tập cho thấy rằng, chưa có căn cứ cho rằng các vấn đề đặt ra đã được giải quyết triệt để trong gian đoạn ngày nay. Hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng Lục quân và Hạm đội được thực hiện chỉ trên lý thuyết. Các sĩ quan chỉ huy từ cấp trung đội đến cấp quân đoàn không nắm chắc được tính năng kỹ chiến thuật và năng lực tác chiến của lực lượng tác chiến liên kết phối hợp trong hoạt động tác chiến cụ thể.
Chưa có được sự đồng bộ hóa và nhất thể hóa liên kết truyền thông giữa các lực lượng Hải quân, Không quân, Lục quân, sự thiếu hụt hệ thống nhận biết địch ta duy nhất tạo ra những vấn đề khó khăn nghiêm trọng cho công tác tổ chức hỏa lực tập trung tiêu diệt mục tiêu.
Những thông tin trinh sát thu được từ hệ thống vệ tinh trinh sát và máy bay trinh sát các độ cao do thiếu hụt các trạm thu phát tín hiệu thông tin liên lạc trực tiếp trong các đơn vị của Lục quân và một số đơn vị ngay cả của Hải quân, của Biên phòng dẫn đến thông tin tiếp cận các đơn vị trực tiếp chiến đấu chậm đến hàng giờ và hàng ngày.
Hệ thống radar trinh sát, cảnh báo sớm và theo dõi mục tiêu thông thường chỉ hoạt động cho những mục đích và phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chủ yếu của Không quân và Phòng không, không có khả năng chuyển tải thông tin đến các đơn vị trực tiếp chiến đấu của Lục quân, Hải quân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và tất nhiên, đến các đơn vị an ninh nội địa và dân quân tự vệ.
Trong giai đoạn hiện nay, song hành cùng với bản đồ địa hình thông thường là bản đồ kỹ thuật số với rất nhiều các tính năng hiện đại, vượt trội, nhưng cả bản đồ địa hình, bản đồ vùng biển thông thường cũng như kỹ thuật số vẫn không tương thích và phù hợp lẫn nhau (trong khu vực tập kết lực lượng, đưa lực lượng đổ bộ lên tầu hoặc khu vực tiến hành chiến dịch đổ bộ) gây khó khăn cho công tác lên kế hoạch đổ bộ và điều hành chiến dịch.
Trong lực lượng lính thủy đánh bộ, sự không đồng nhất các loại tàu đổ bộ làm tăng thêm thời gian đưa binh lực và vũ khí trang bị, phương tiện chiến đấu lên tàu. Những khó khăn đó xuất hiện trực tiếp trong nội dung tính toán kế hoạch đưa binh lực xuống các phương tiện vận tải thông thường, được điều động và chuẩn bị bởi các sĩ quan hậu cần, kỹ thuật của các sư đoàn và quân đoàn, do những bài giảng và huấn luyện về cơ động trên các phương tiện đổ bộ đường thủy thông thường hoàn toàn không được đưa vào chương trình trong các trường sĩ quan và học viện lục quân.
Trong các cơ quan tham mưu của các đơn vị chiến đấu hầu như không thừa ra đội ngũ sĩ quan tham mưu – tác chiến chuyên nghiệp trong lĩnh vực tổ chức đồng bộ hóa liên kết phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa các cụm đơn vị tham gia chiến dịch (ngay cả trong biên chế tổ chức của các tập đoàn quân binh chủng hợp thành, hoặc các liên đoàn chiến hạm binh chủng hợp thành của hải quân và hạm đội) chính vì vậy, công tác liên kết phối hợp, hiệp đồng tác chiến quân chủng thường được giao cho một sĩ quan bất kỳ.
Nhưng vấn đề nghiêm trọng đó cũng xuất hiện đối với các đơn vị binh chủng hợp thành, các phân đội phòng thủ biển đảo và bờ biển. Phòng thủ và Phản công chống lại lực lượng đổ bộ đường biển đối phương (thông thường được chuẩn bị kỹ lưỡng và có thời gian huấn luyện, diễn tập thực binh, có vũ khí trang bị, phương tiện tác chiến mạnh và hỏa lực tập trung nhiều hướng, nhiều chiều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong hiệp đồng quân binh chủng) được coi là một trong những nhiệm vụ vô cùng khó khăn và phức tạp từ nhiều góc độ khác nhau.
Ví dụ các đơn vị binh chủng hợp thành được giao nhiệm vụ xây dựng tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp trong điều kiện thời bình, khu vực phòng thủ theo chiều dài và tầm xa tác chiến về hướng biển vô cùng phức tạp ngay cả trong trường hợp phòng thủ, không nói về khó khăn gặp phải khi ngăn chặn đối phương đổ bộ bám bờ.
Hoàn toàn không có gì bí mật, hàng vài trăm km bãi cát rộng ven biển hoặc đồi núi thấp – rừng cây ven bờ biển của các vùng xa, theo chỉ lệnh của Bộ quốc phòng và mệnh lệnh cấp quân khu trước đây, trên thực tế, hoàn toàn không thể che chắn được bằng hỏa lực của đơn vị được giao, chưa nói đến khả năng phòng thủ.
Đối với những hòn đảo hoặc quần đảo, điều đó càng thực sự khó khăn do hỏa lực đi cùng của các phương tiện phòng thủ không đủ để kiểm soát toàn bộ, hệ thống phòng thủ hoàn toàn nằm phơi trong tầm hỏa lực của vũ khí chính xác, khả năng tràn ngập của lực lượng đổ bộ đối phương hầu như không có phương án nào khả thi ngăn chặn được trong thời gian ngắn dưới sức ép hỏa lực tập trung của không quân hải quân đối phương, pháo hạm, pháo phản lực và tên lửa hải – đất liền.
Kinh nghiệm các cuộc diễn tập cho thấy, các đơn vị binh chủng hợp thành của lục quân chỉ có thể phòng thủ ở nhưng khu vực xung yếu, có khả năng đổ bộ cao nhất của đối phương, các khu vực còn lại dọc bờ biển hầu như không có lực lượng đủ mạnh và hỏa lực đủ mạnh để ngăn chặn.
Tình huống trên cũng được đặt ra với những hải đảo, quần đảo, một số khu vực còn không có cả các đài quan sát, trinh sát radar hoặc các trạm quan sát bằng mắt thường.
Tất nhiên, trong những điều kiện đó, khả năng có một tuyến phòng thủ biển đảo tin cậy và hiệu quả không thể đặt ra với bờ biển, hải đảo và quần đảo quốc gia. Hy vọng vào khả năng có được sự yểm trợ tích cực từ nhiều hướng trên không, trên biển, hỏa lực tên lửa - pháo bờ biển và pháo binh chiến trường là không thực tế.
Chính vì vậy, nếu tính đến số lượng không đáng kể lực lượng các đơn vị phòng thủ bờ biển và hải đảo trong khu vực vùng xa trung tâm dân cư và các đảo nhỏ, những vấn đề khá nghiêm trọng đã nêu trên sẽ phải có giải pháp về công nghệ. Đó là hệ thống quản lý chiến trường C4I2. Giải pháp đồng bộ hóa, tự động hóa công tác quản lý chiến trường C4I2 “command, control, communications, computing, Intelligence and Information” (Chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, công nghệ máy tính, tình báo và hệ thống xử lý thông tin) dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin, truyền thông kỹ thuật số đa phương tiện và hệ thống cảnh báo sớm đa nguồn tin, đa chức năng là điều kiện cấp thiết ngày nay.
Song hành cùng với hệ thống C4I2, yêu cầu cần có các trang thiết bị tự động hóa (thiết bị canh gác và cảnh báo sớm, máy bay trinh sát không người lái, hệ thồng trinh sát trên các phương tiện dân sự, đồng bộ với hiện đại hóa về công nghệ thông tin, trinh sát, chỉ thị mục tiêu cho lực lượng dân quân, tự vệ biển.
Từ những tổng kết khách quan thực tế về nhiệm vụ phòng thủ bờ biển và hải đảo. Những việc cấp thiết phải làm ngay:
Thứ nhất là quyết định của Bộ trưởng bộ quốc phòng là chuẩn hóa, đồng bộ hóa cơ sở bản đồ địa hình vùng ven biển, lãnh hải và thềm lục địa, hệ thống bản đồ này là cơ sở đầu tiên cho nội dung công tác hiệp đồng quân binh chủng giữa các đơn vị lục quân phòng thủ bờ biển, các đơn vị lính thủy đánh bộ, các đơn vị hỏa lực của hạm đội và binh chủng pháo binh, tên lửa chiến trường trên cả công nghệ in ấn thông thường topographic và bản đồ kỹ thuật số digital.
Thứ hai là chuẩn hóa hệ thống ký tín hiệu, nhận dạng mục tiêu và phân biệt địch ta trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện cho tất cả các lực lượng tham gia bảo vệ bờ biển và hải đảo: Lục quân, không quân, hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và lực lượng dân quân tự vệ biển đảo.
Thứ ba, trong điều kiện hiện nay, thực hiện đồng bộ hóa trên nền tảng kỹ thuật số quản lý chiến trường, việc cơ cấu biên chế lại các cơ quan tham mưu cấp đơn vị binh chủng hợp thành sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng sẽ là không thừa nều biên chế một sĩ quan tham mưu được huấn luyện và chuẩn bị tốt, thực hiện thuần thục, nhuần nhuyễn nhiệm vụ hiệp đồng tác chiến với các lực lượng quân chủng khác trên hướng biển.
Thứ tư là thực tế chiến tranh tương lai gần cho thấy, cần phải có một chương trình đầy đủ nhằm đào tạo và huấn luyện các sĩ quan – chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực đổ bộ đường biển và chống đổ bộ không – biển.
Những biến động phức tạp của quan hệ kinh tế - chính trị - quân sự hải dương không có điều kiện cho bất cứ một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm. Mọi hành động chuẩn bị cho thực tế xung đột và chiến tranh giới hạn trong khu vực nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc sẽ phản ánh mạnh mẽ trên tình hình địa chính trị khu vực lợi ích.
Sẽ không có thời gian cho những bài học kinh nghiệm chiến trường. Những bài học phải được rút ra ngay từ tình hình thực tế chuẩn bị của các cường quốc biển và những hoạt động thực tế sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang trên biển và hải đảo.
Đồng bộ hóa công tác quản lý chiến trường biển đảo và nâng cao năng lực hiệp đồng tác chiến của các Quân chủng và lực lượng vũ trang, đó là nhiệm vụ khẩn cấp mà Hội đồng quốc phòng, Bộ quốc phòng với các quân chủng, các lực lượng vũ trang phải thực hiện ngay, trước khi xuất hiện những đe dọa tiềm năng từ phía biển.
Tác giả: Anatoly Tsyganok - Giám đốc Trung tâm dự báo quân sự, thạc sĩ Khoa học quân sự
TTB