Việt Nam cần làm gì để đón nhận làn sóng FDI mới và xu thế chuyển dịch sản xuất toàn cầu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cuộc xung đột Nga - Ukraine và xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã tạo cơ hội cho Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư mới, cũng như mở ra tiềm năng phát triển cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa.

Doanh nghiệp Việt cần tận dụng thời cơ, nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu xu thế dịch chuyển sản xuất
Doanh nghiệp Việt cần tận dụng thời cơ, nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu xu thế dịch chuyển sản xuất

Việt Nam đã và đang đứng trước một cơ hội rất lớn để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, và nếu nắm bắt được cơ hội này, sẽ đưa Việt Nam trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của thế giới.

Những xung đột chính trị trên thế giới gần đây đã thúc đẩy các tập đoàn lớn quốc tế dịch chuyển sự quan tâm của họ vào thị trường Đông Nam Á và Đông Bắc Á, và Việt Nam, với sự ổn định chính trị và mức tăng trưởng GDP hàng năm ấn tượng, nổi lên như một đích đầu tư hấp dẫn.

Theo ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương), thời gian qua đối tác của Apple đã chuyển 11 nhà máy sản xuất thiết bị sang Việt Nam; Intel mở rộng nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với tổng trị giá 4 tỉ USD; Tập đoàn Lego xây dựng nhà máy ở Bình Dương với tổng vốn 1 tỉ USD. Các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Boeing, Walmart cũng đang tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh, tìm kiếm đối tác cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Riêng Samsung đã xây dựng 3 nhà máy và 1 trung tâm R&D lớn tại Việt Nam. 60% số lượng điện thoại thông minh của Samsung bán ra trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam.

Những khó khăn và thách thức

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ, hiện nay cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp linh kiện công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi, các doanh nghiệp FDI, là rất lớn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp nói chung của Việt Nam đang còn một số hạn chế.

Thứ nhất, theo ông Hoàn, doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng thường tập trung ở các khâu trung gian hạ nguồn có giá trị thấp, sử dụng phần lớn là lao động thủ công lắp ráp. Đối với khâu thượng nguồn như thiết kế, phân phối thì hầu hết do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận. Thậm chí, một số khâu hạ nguồn như cung cấp nguyên vật liệu cho ngành chế biến, chế tạo thì doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tham gia được sâu rộng.

Thứ hai, trước đây Việt Nam đã tận dụng được lợi thế nhân công giá rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng đến nay chi phí nhân công ngày càng gia tăng nên lợi thế đó cũng dần bị mất đi. Tờ Nikkei Asia từng có một bài viết phản ánh doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm đến Nepal để tuyển dụng nhân công giá rẻ thay thế cho lao động từ Việt Nam.

Thứ ba, mặc dù Chính phủ cũng đã có cơ chế chính sách để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), và thực tế là ngành này cũng có sự phát triển trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa đủ mạnh. "Chúng ta chưa có bộ công cụ chính sách đủ để thúc đẩy CNHT phát triển cao hơn nữa. Các doanh nghiệp CNHT còn gặp những khó khăn về tài chính, tiếp cận nguồn vốn để phục vụ sản xuất", ông Hoàn nói.

Đối với doanh nghiệp đầu chuỗi (doanh nghiệp lớn) của nước ngoài khi có ý định đầu tư vào Việt Nam thì người ta thường xem xét đến khả năng cung ứng của doanh nghiệp CNHT đối với bộ phận sản xuất, lắp ráp, hoàn chỉnh sản phẩm của họ. Những hạn chế, bất cập của ngành CNHT trong nước đã hạn chế nhiều sự phát triển của cả ngành công nghiệp Việt Nam. "Chúng ta chỉ có thể phát triển ngành công nghiệp nếu có CNHT đủ mạnh", ông Hoàn nhấn mạnh.

3 hướng đi để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp CNHT Việt Nam đón đầu xu thế toàn cầu hóa và dịch chuyển sản xuất

Ông Ngô Khải Hoàn cho biết, với vai trò là cơ quan đầu ngành trong việc soạn thảo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như đàm phán các hiệp định thương mại với nước ngoài, Bộ Công thương thời gian qua đã tiến hành một số biện pháp để cải thiện năng lực doanh nghiệp nội địa, đón đầu xu hướng mới. Có thể kể đến 3 hướng đi chủ đạo sau:

Thứ nhất là về chính sách. Hiện tại, Việt Nam chưa có một bộ luật để thúc đẩy phát triển công nghiệp nội địa theo đúng nghĩa. Cục Công nghiệp, Bộ Công thương hiện đang soạn thảo Luật Công nghiệp trọng điểm. Đây là khung pháp lý để tạo nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có CNHT, công nghệ cơ khí chế biến chế tạo, luyện kim, công nghệ cao...

Đối với ngành CNHT, đã có Nghị định 111/2015 quy định các ưu đãi dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu mới, Bộ Công thương đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi và bổ sung Nghị định 111, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tăng cường năng lực và sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong công tác xây dựng chính sách, một phần rất quan trọng là xây dựng chiến lược phát triển ngành. Ông Ngô Khải Hoàn nói rằng, đối với ngành dệt may da giầy, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1643 để phát triển ngành định hướng đến năm 2025. Cùng với da giày, thời gian tới Bộ Công thương sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngành ô tô, ngành thép. Đây là những ngành trọng điểm cho sản xuất nội địa.

Thứ hai là nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Một trong những điều mà doanh nghiệp FDI quan tâm là doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng không, có đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn, thời gian giao hàng không. Chính vì vậy việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước là cực kỳ quan trọng.

Ông Hoàn chia sẻ rằng, các doanh nghiệp có thể hợp tác với các tập đoàn lớn như Samsung, Toyota..., các doanh nghiệp đầu chuỗi, các doanh nghiệp FDI. Riêng với Samsung, Bộ Công thương có rất nhiều chương trình hợp tác, chẳng hạn như chương trình đào tạo tư vấn viên, cải tiến tại chỗ năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong nước, chương trình đào tạo 200 kỹ sư khuôn đúc.

Gần đây nhất là nâng cấp 50 doanh nghiệp CNHT Việt Nam lên thành các nhà máy thông minh thông qua một biên bản ghi nhớ với Samsung. Các chuyên gia Hàn Quốc được mời sang, tới tận hiện trường để tư vấn, giúp đỡ, hướng dẫn cải tiến các quy trình của doanh nghiệp. Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có trình độ ngang với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc.

ngo khai hoan.jpg
Ông Ngô Khải Hoàn Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Hoặc Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cải tiến các doanh nghiệp, nâng cao trình độ đội ngũ tư vấn viên đã được đào tạo sẵn có. Bên cạnh đó cũng sẽ xây dựng các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cả ở miền Bắc và miền Nam với hệ thống máy móc dùng chung, giúp cho doanh nghiệp trong công tác kiểm định, kiểm tra chất lượng, tiếp thu công nghệ...

Thứ ba là tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp CNHT trong nước với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đầu chuỗi. Mục tiêu là tạo ra một sân chơi để các doanh nghiệp có thể tương tác và hợp tác với nhau.

Ông Hoàn cho biết hàng năm Bộ Công thương có chương trình Sourcing Fair với Samsung, mời các doanh nghiệp Việt Nam tới để thảo luận về khả năng cung ứng cho Samsung. Bộ cũng sẽ thực hiện nhiều chương trình giống như vậy ở các doanh nghiệp đầu chuỗi khác để kết nối tốt hơn nữa các doanh nghiệp CNHT nội địa với các doanh nghiệp đầu chuỗi nước ngoài, hoặc với các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam như Thaco, VinFast...

Những khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) nhận định, các doanh nghiệp Việt muốn đáp ứng được yêu cầu của phía đối tác nước ngoài, cần phải chủ động nắm bắt thông tin thị trường, định vị thị trường và khách hàng mục tiêu; tập trung nghiên cứu sản phẩm phù hợp với từng thị trường; có kế hoạch sản xuất và xuất khẩu chi tiết, khoa học để thích ứng với yêu cầu của đối tác khi tham gia chuỗi cung ứng.

Phát triển bền vững, phát triển xanh, sản xuất xanh cũng là tiêu chí mà doanh nghiệp cần hướng tới. Doanh nghiệp phải minh bạch nguồn gốc sản phẩm, sản xuất có trách nhiệm với xã hội, bảo vệ môi trường.

Ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh doanh nghiệp cũng phải đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, áp dụng chuyển đổi số tiến tới sản xuất thông minh, xử lý thải theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu trên phạm vi quốc gia và quốc tế.

Tóm lại, theo ông Tạ Hoàng Linh, nếu hiểu được khách hàng, biết cách đổi mới sản phẩm, xây dựng thương hiệu, thì doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, cũng như đáp ứng được yêu cầu của đối tác nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.

Từ ngày 13/9 đến 15/9 tới đây, chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023" sẽ được tổ chức tại TP.HCM. Chuỗi sự kiện có sự tham gia của các tập đoàn lớn như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ)... Dự kiến sẽ có 200 đoàn khách quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Tạ Hoàng Linh cho biết chuỗi sự kiện này nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Chuỗi sự kiện là hoạt động nhằm tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022./.