Báo Nga Izvestia ngày 30.6 dẫn nguồn tin từ tập đoàn BrahMos Aerospace cho hay từ đây đến tháng 8, Ấn Độ sẽ tiến hành thêm 15 - 20 chuyến bay thử nghiệm của Su-30MKI mang tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm BrahMos, và đến tháng 9 - 10 sẽ cho phóng thử BrahMos từ tiêm kích Su-30MKI.
Sau khi thử nghiệm thành công, Ấn Độ sẽ trang bị tên lửa diệt hạm BrahMos cho khoảng 40 máy bay Su-30MKI (trong số 350 chiếc, do tập đoàn HAL sản xuất theo giấy phép của Nga). Các máy bay này được cải tiến để có thể mang được loại tên lửa lớn nhất và nặng nhất này đối với máy bay tiêm kích. Khi đó máy bay Su-30MKI của Ấn Độ sẽ có khả năng tấn công mục tiêu trong lãnh thổ đối phương ở tầm xa hơn 5.000 km (có tiếp nhiên liệu trên không) cùng với tầm bắn đến 290 km của tên lửa BrahMos, theo Hindu.
BrahMos là loại tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất trên cơ sở phiên bản tên lửa diệt hạm siêu âm Oniks (Yakhont), có thể phóng đi từ tàu chiến, tàu ngầm, trên bộ và trên không. Loại tên lửa này dài 10 m, nặng 3 tấn, tầm bắn tối đa 290 km, tốc độ gấp 2,8 lần âm thanh (3.400 km/giờ), trang bị radar dò mục tiêu. Loại tên lửa hành trình bay nhanh nhất thế giới này có thể bay cao tới 15 km hoặc bay là là cách mặt biển 10 m, mang đầu đạn thông thường từ 200 - 300 kg.
Loại BrahMos gắn trên máy bay phải cải tiến để phù hợp sức chở của Su-30MKI. Ấn Độ và Nga đã rút ngắn tên lửa còn 8,55 m, trọng lượng giảm 500 kg còn 2,5 tấn. Hãng Sukhoi cung cấp bản vẽ thiết kế để Ấn Độ sản xuất giá đỡ đặc biệt (nặng 410 kg, dài 6 m) để gắn tên lửa BrahMos dưới bụng Su-30MKI.
Các phi công Ấn Độ bên chiếc tiêm kích Su-30MKI thử nghiệm mang tên lửa diệt hạm siêu âm BrahMos - Ảnh: HAL
Chuyến bay thử 45 phút của Su-30MKI mang tên lửa BrahMos ngày 25.6 qua thành công khiến thế giới khâm phục vì lần đầu tiên 1 máy bay chiến đấu có thể mang được 1 tên lửa vừa dài vừa nặng đến thế.
Ông Andrey Frolov, chủ biên tạp chí Arms Export nói với Izvestia rằng loại tên lửa BrahMos cải tiến gắn trên tiêm kích Su-30MKI sẽ mở ra hướng xuất khẩu mới cho dòng tên lửa này. Theo ông Frolov, nhiều nước sử dụng tiêm kích Su-30 có thể quan tâm đến loại tên lửa BrahMos gắn trên máy bay, chẳng hạn Algeria, Kazakhstan, Việt Nam và Iran.So với tên lửa diệt hạm Kh-31 và Kh-35 mà các loại Su-30 đang trang bị, BrahMos có tầm bắn xa hơn gấp đôi, tốc độ cực nhanh, uy lực mạnh.
Xem clip Su-30MKI Ấn Độ bay thử với tên lửa BrahMos, ngày 25.6.2016:
Theo Thanh niên