Vì sao thuốc biệt dược điều trị viêm gan C tại Việt Nam đắt gấp 15 lần so với quốc tế?

VietTimes -- Giá các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (tên viết tắt tiếng Anh là DAAs) điều trị viêm gan C thấp nhất tại Việt Nam cũng cao gấp từ 5 – 15 lần so với giá thuốc tham khảo của quỹ toàn cầu, luôn cao hơn các một số nước trong khu vực, theo TS. Nguyễn Thị Khánh Phương - Trưởng khoa Kinh tế Y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế).
Các chuyên gia về điều trị viêm gan C chia sẻ thông tin tại buổi hội thảo sáng 24/9.
Các chuyên gia về điều trị viêm gan C chia sẻ thông tin tại buổi hội thảo sáng 24/9.

Thông tin được TS. Nguyễn Thị Khánh Phương chia sẻ tại buổi Hội thảo Tổng kết dự án tăng cường chẩn đoán và điều trị viêm gan virus C tại Việt Nam do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức tại Hà Nội sáng 24/9.

TS. Khánh Phương cũng thông tin, giá thuốc generics DAAs bán tại Việt Nam cũng cao hơn thuốc bán tại Ấn Độ, cao nhất trong số 7 nước châu Á và châu Phi được hỗ trợ điều trị viêm gan C từ dự án “Quick-Start” của Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton (CHAI).

Lấy ví dụ về thuốc Sofosbuvir (một loại thuốc điều trị viêm gan C). Trong khi tại Việt Nam, thuốc có chi phí thấp nhất khoảng 234 USD/tháng, thì tại Ấn Độ, thuốc này chỉ có giá 13 USD/tháng, tại Myanmar chỉ 33 USD/tháng.

Ở trong nước, giá thuốc cũng có sự chênh lệch rất rõ ràng. Giá các biệt dược của cùng 1 thuốc cũng có sự cao thấp khác nhau, ví dụ, thuốc biệt dược Ledvir có giá trẻ hơn thuốc Hepcinat LP khoảng 200 nghìn đồng và rẻ hơn thuốc Ledisof khoảng vài chục nghìn đồng. Các thuốc này đều là thuốc biệt dược của thuốc Sofosbuvir.

Bên cạnh đó, giá cả các thuốc này giữa các cơ sở y tế cũng có sự chênh lệch lớn, ví dụ giá thuốc Ledvir tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cao gấp 1,6 lần so với giá tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Lý giải về việc giá thuốc tại Việt Nam quá cao so với một quốc gia, TS. Khánh Phương cho biết nguyên nhân xuất phát từ việc nước ta chưa có cơ chế mua sắm tập trung cấp quốc gia cho các loại thuốc này còn bảo hiểm y tế chỉ chi trả 50% nên giá thuốc đắt. Còn các quốc gia khác, ví dụ Ấn Độ, thuốc được mua tập trung bằng ngân sách của chính phủ.

GS.TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (áo xám) chia sẻ về thuốc điều trị bệnh viêm gan C.
GS.TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (áo xám) chia sẻ về thuốc điều trị bệnh viêm gan C.

Điều này làm ảnh hưởng tới tính sẵn có của các thuốc DAAs tại các cơ sở y tế. "Hiện nay, không có bệnh viện tuyến huyện nào có thuốc DAAs ngoại trừ Trung tâm y tế Nam Từ Liêm (Hà Nội). Còn tại các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, số lượng và chỉnh loại thuốc DAAs rất hạn chế. Các nhà thuốc tư nhân không có thuốc này để bán” – TS. Khánh Phương thông tin.

Tình trạng thuốc điều trị DAAs hạn chế cũng làm cho giá thành của thuốc cao hơn so với khả năng chi trả của người bệnh, đặc biệt là nhóm người bệnh mắc HIV, người tiêm chích ma túy.

Bên cạnh đó, mặc dù bảo hiểm y tế chi trả 50% giá thuốc, nhưng tỷ lệ thanh toán thấp, hầu hết chưa được triển khai tại các tỉnh, trở thành thách thức lớn trong việc điều trị bệnh viêm gan C, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tính sẵn có của thuốc DAAs bị hạn chế cũng khiến cho số lượng bệnh nhân được điều trị luôn ở mức thấp. Trong gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C, chỉ có hơn 80 nghìn người được chẩn đoán, gần 35 nghìn người đủ điều kiện điều trị và 4,5 nghìn người đã điều trị, theo thống kê của WHO năm 2017. 

Với sự ra đời của các thuốc DAAs, phác đồ điều trị bệnh viêm gan C nay đã đơn giản hơn, thời gian điều trị rút ngắn với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (trên 95%), đem lại sự sống cho nhiều người bệnh.

Do đó, để đảm bảo có thuốc điều trị cho bệnh nhân viêm gan C, TS. Khánh Phương đề xuất Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể việc tổ chức đấu thầu các thuốc DAAs mới, bổ sung vào danh mục chi trả BHYT để các địa phương và cơ sở y tế thực hiện; đưa các thuốc này vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán gái thuốc, giảm giá thuốc cung ứng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế; xem xét các giải pháp để giá thuốc DAAs bán tại Việt Nam giảm về mức hợp lý.

Đồng quan điểm. GS.TS. Nguyễn Văn Kính cũng đề xuất Bộ Y tế có giải pháp để giảm giá thuốc DAAs, thúc đẩy việc thực hiện Thông tư 30 của Bộ Y tế ban hành năm 2018 về điều trị viêm gan C thông qua bảo hiểm y tế, tăng tỷ lệ chi trả cho các thuốc điều trị lên 70 – 80%. Có như vậy, hàng trăm nghìn bệnh nhân Việt Nam mới có cơ hội được chữa khỏi viêm gan C.