Tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông ngày 18/8 cho hay để tuyên bố chủ quyền, tối ngày 17/8, Indonesia tuyên bố có kế hoạch đổi tên vùng biển 200 hải lý xung quanh quần đảo Natuna trên Biển Đông là "biển Natuna" (Natuna Sea).
Hãng tin Kyodo, Nhật Bản dẫn lời người phụ trách lực lượng hành động đặc biệt 115 thuộc Bộ Thủy sản Indonesia chuyên tấn công đánh bắt cá phi pháp, ông Ahmad Santosa cho biết: "Đề nghị này sẽ được đưa lên Liên hợp quốc", "nếu không ai đưa ra ý kiến phản đối... vùng biển này sẽ chính thức trở thành biển Natuna".
Giáo sư Lý Kim Minh từ Viện nghiên cứu Nam Dương, Đại học Hạ Môn, Trung Quốc cho rằng "việc đặt lại tên vùng biển xung quanh quần đảo Natuna hoàn toàn không có ý nghĩa".
Theo ông ta, " cụm từ biển Nam Trung Hoa (South China Sea) đã là cách gọi phổ biến từ trước tới nay của cộng đồng quốc tế".
Lý Kim Minh còn cho rằng Trung Quốc đã nhiều lần cho biết không có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Natuna, vì vậy cách làm của Chính phủ Indonesia "hoàn toàn sẽ không ảnh hưởng đến Trung Quốc".
Indonesia ngày càng cứng rắn
Bài viết cho rằng kế hoạch đổi tên của Indonesia chủ yếu nhằm vào vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna, tức là khu vực mà Indonesia muốn có quyền thăm dò, khai thác, sử dụng, quản lý lòng biển và tài nguyên thiên nhiên của vùng biển đó.
Quan chức của quần đảo Natuna là Hamid Rizal cho biết đặt tên mới sẽ giúp cho mọi người hiểu hơn về chủ quyền của vùng biển này, có lợi cho tấn công các hành vi đánh bắt cá phi pháp mà chưa xin phép, không được quản lý.
Đối với kế hoạch đổi tên này, học giả chính trị Mustafa Izzuddin từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore cho rằng sự tính toán chính của Indonesia gồm có: bảo vệ chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn xu thế gia tăng đánh bắt cá phi pháp ở khu vực xung quanh quần đảo Natuna và đáp ứng tình cảm "chủ nghĩa dân tộc" của người dân Indonesia.
Vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở phía tây nam Biển Đông, nằm giữa bán đảo Mã Lai, đảo Kalimantan và đảo Sumatra.
Mặt bắc lấy quần đảo Natuna và quần đảo Anambas làm ranh giới; mặt nam đi qua eo biển Karimata và eo biển Gaspar, thông tới biển Java; mặt tây đi qua vùng biển giữa đảo Bintan và bán đảo Mã Lai, kết nối với eo biển Singapore và eo biển Malacca.
Đối với các hoạt động đánh bắt cá phi pháp, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thể hiện lập trường cứng rắn để khẳng định khả năng kiểm soát của chính phủ đương nhiệm đối với vùng lãnh thổ trên biển.
Vào tháng 6/2016, ông Joko Widodo ra lệnh mở rộng thăm dò dầu mỏ trên biển và hoạt động đánh bắt cá thương mại ở khu vực xung quanh quần đảo Natuna.
Ngày 17/8, đúng vào ngày độc lập của Indonesia, Chính phủ Indonesia cùng ngày đã cho đánh đắm 60 tàu cá có liên quan đến đánh bắt cá phi pháp để khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền ngư trường.
Trong số này có 58 tàu cá đến từ nước ngoài, 2 tàu cá của Indonesia.
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc dẫn nguồn tin cho rằng hầu hết các tàu cá bị bắt ở vùng biển Natuna mà Trung Quốc cũng tuyên bố cái gọi là "ngư trường truyền thống".
Cùng ngày, Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti cho biết Indonesia chỉ ký kết thỏa thuận về quyền lợi đánh bắt cá ở khu vực eo biển Malacca với Malaysia.
Bà Susi Pudjiastuti nhấn mạnh, Indonesia hoàn toàn không thừa nhận bất cứ cái gọi là "vùng đánh bắt cá truyền thống" nào. "Chỉ cần loại cá vẫn bơi ở vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, chúng thuộc về Indonesia. Đem những tài nguyên này đi khỏi đây chính là hành động phi pháp" - bà nói.
Là quan chức chịu trách nhiệm chính của hành động đánh đắm tàu cá, bà Susi Pudjiastuti cho biết đây là "tín hiệu đã rất mạnh mẽ" đối với nước ngoài và tàu cá của họ. "Chúng tôi hiện còn chưa nhìn thấy hiệu quả răn đe" - bà nói.
Không muốn kích động láng giềng
Bloomberg News cho hay từ cuối năm 2014 đến nay, Indonesia đã đánh đắm trên 170 tàu của các nước. Hơn nữa, căn cứ vào số liệu của Bộ Thủy sản Indonesia, con số này phải là 236 tàu.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Lý Kim Minh nói với tờ Bành Bái rằng: "Hành động đánh đắm tàu của Chính phủ Indonesia là một cách làm cực đoan, từ sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có nhiều cách làm cực đoan tương tự, đã bị cộng đồng quốc tế lên án".
Nhưng, hãng tin AFP Pháp cho rằng Chính phủ Indonesia hoàn toàn không làm rùm beng đối với hành động đánh đắm tàu lần này nhằm tránh gây ra căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng.
Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti cũng cho biết: "Vai trò của chức Bộ trưởng là xử lý nghề cá và tất cả tài nguyên thiên nhiên của vùng biển này. Tôi sẽ không bàn đến chủ quyền lãnh thổ chính trị, tôi đang bàn đến vấn đè chủ quyền đối với nghề cá và tài nguyên biển".
Trước đây, khi Indonesia đánh đắm tàu cá nước ngoài bị bắt giữ, họ đều sẽ tuyên truyền mạnh mẽ trên truyền thông, việc đánh đắm lần này được tiến hành nhưng lại không để báo chí quay chụp, cố gắng xử lý một cách kín tiếng.
Trong thông điệp quốc gia cùng ngày, ông Joko Widodo cũng tránh bàn đến vụ kiện trọng tài Biển Đông, cho biết phải sử dụng các phương thức hòa bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế ở Biển Đông.
Học giả Trung Quốc Lý Kim Minh nhân cơ hội, cố gắng dùng từ ngữ đẻ tuyên truyền rằng "Chính phủ Indonesia đã ý thức được là sau khi Tòa trọng tài ở The Hague đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, Trung Quốc đã "không bị cô lập" trong vấn đề Biển Đông, vì vậy đã "kín tiếng hơn" trong vấn đề này". Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Tờ Asahi Shimbun Nhật Bản phân tích cho rằng những năm gần đây, Indonesia triển khai các hoạt động ngoại giao rất tích cực, hy vọng tham gia nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế để nâng cao vị thế "cường quốc trung bình" của Indonesia.
Đồng thời, từ lâu, Indonesia luôn thực hiện chính sách ngoại giao trung lập, không muốn các thế lực bên ngoài can thiệp gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực này.
Hãng AFP cho rằng đối với Chính phủ Indonesia, hiện nay còn phải đạt được cân bằng trên 2 phương diện: Một mặt kiên trì toàn vẹn lãnh thổ của Indonesia. Mặt khác thừa nhận họ lệ thuộc vào nguồn vốn từ Trung Quốc để xây dựng hạ tầng cơ sở và thúc đẩy tăng trưởng.
10 năm qua, Trung Quốc thay thế Mỹ, Singapore và Nhật Bản, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia. Kim ngạch thương mại hai nước từ 16,3 tỷ USD năm 2006 tăng lên 49,2 tỷ USD năm 2015.
Nhà phân tích chính trị Keith Loveard từ thủ đô Jakarta của Indonesia cho rằng không có lý do gì cho rằng Indonesia không có quyền đổi tên vùng biển, nhưng có nhận được sự thừa nhận quốc tế hay không lại là một chuyện khác.