Cuộc chiến tranh ở Syria đang bước đến một giai đoạn hoàn toàn mới. Lực lượng SDF và các nhóm chiến binh quân đội Syria tự do FSA được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn quyết liệt chuẩn bị cho chiến dịch giành giật thành phố Manbij trên miền bắc Syria. Tình huống này đang được cho là cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo dần suy giảm những kết quả ban đầu. Lực lượng IS nhanh chóng phục hồi binh lực và tiếp tục tấn công SDF.
Chính quyền Ankara coi lực lượng dân quân người Kurd “Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), thành phần chủ lực của lực lương SDF là những nhóm khủng bố. Đã nhiều lần, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Washington rút lực lượng người Kurd khỏi thành phố Manbij. Trong khi Mỹ lập luận rằng lực lượng SDF, được sự yểm trợ của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu và đang kiểm soát thành phố cần phải được hỗ trợ. Các lực lượng này có quyền tự vệ tự vệ chính đáng bảo vệ địa bàn cùng với các đối tác của mình (liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu và viện trợ cả về tài chính và vũ khí trang bị).
Bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ liên tục kêu gọi việc ngừng trang bị cho người Kurd và rút SDF ra khỏi khu vực Manbij, cùng với tuyên bố chiến thắng kiểm soát hoàn toàn Afrin, quan điểm của Nhà trắng về vấn đề thành phố Manbij không thay đổi.
Ông Nicholas Heras, nhân viên An ninh cao cấp Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ cho biết, quân đội Mỹ không sẵn sàng nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề thành phố Manbij. Mỹ lo sợ rằng lực lượng SDF được Mỹ hậu thuẫn, trong đó có cả người Kurd và người Ả rập đang thực hiện chiến dịch chống IS trên địa phận tỉnh Raqqa và Deir EZzor, sẽ hành động vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Động thái này này có thể được coi là sự chệch hướng mục tiêu chiến lược nhằm chia cắt một phần lãnh thổ Syria của Mỹ vì lợi ích của Washington.
Tờ Deutsche Welle (DW) dẫn tuyên bố của ông Heras cho biết: "Manbij đối với Mỹ không chỉ là một địa bàn lãnh thổ trên bản đồ. Đối với quân đội Mỹ, đây là cánh cửa then chốt bảo vệ vùng nông thôn Raqqa và Deir Ezzor, là mô hình cho sứ mệnh xây dựng sự ổn định hậu cuộc chiến với IS, một nhà nước hoàn toàn tuân thủ theo những yêu cầu và sự chỉ đạo của Washington.
Đầu tuần này, Hội đồng An ninh Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo rằng sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết nếu lực lượng dân quân người Kurd (YPG) không rút khỏi thành phố Manbij thuộc Syria. Thổ đe dọa sẽ tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực nếu lực lượng YPG không đáp ứng yêu cầu của Ankara.
"Những kẻ khủng bố ở Manbij cần di rời khỏi khu vực ngay lập tức, nếu không Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngần ngại cho phép mình tiến hành những biện pháp như đã thực hiện ở các khu vực khác. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kiên định với các biện pháp đã và đang thực hiện đối với các nhóm khủng bố (YPG) phía Đông sông Euphrates", tuyên bố của Hội đồng An ninh Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28.03.2018 cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định, những hoạt động quân sự chống khủng bố (YPG, YPJ) có thể sẽ được mở rộng sang thành phố Manbij, nơi có khoảng 2.000 binh lính Thủy quân lục chiến Mỹ đang đóng quân. Chính quyền Damascus quyết liệt lên án chiến dịch Nhành Olive của Ankara và bác bỏ lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ, coi những hành động trong chiến dịch Nhành Olive và đe dọa tấn công Manbij là vi phạm thô bạo chủ quyền của đất nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu lập luận rằng, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Syria là mục tiêu chung của cả Ankara và Damascus, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu chống khủng bố (lực lượng dân quân người Kurd) chứ không phải quân đội chính quyền Syria.
"Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dừng lại việc giải quyết người Kurd. Ankara muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc, ít nhất là một quốc gia có ảnh hưởng đến tình hình khu vực và thế giới; một thế lực đáng gờm trên bản đồ Syria và Iraq, nhằm mục đích khiến Thổ Nhĩ Kỳ có được vị trí quyết định trong việc hình thành các quan hệ tương lai của khu vực", Cengiz Candar - cố vấn chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Turgut Ozal nói.
Theo Candar, những động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria "là Ankara đang thiết lập vĩnh viễn sự hiện diện của quân đội và các nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại phía bắc Syria, phục vụ lợi ích của Ankara. Thổ muốn giết nhiều chim chỉ bằng một viên đá".
"Các nhà hoạch định chính sách Mỹ tin rằng tham vọng của Erdogan lớn hơn Manbij và Nhà Trắng muốn kiềm chế trong các tuyên bố của Ankara. Khi tổng thống Erdogan đặt vấn đề rút SDF ra khỏi Manbij, điều đó có nghĩa là lực lượng FSA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn sẽ tiến đến tận đường biên giới Iraq.
Quan điểm của Mỹ là không rút lực lượng SDF ra khỏi Manbij trừ khi có một thỏa thuận rất rõ ràng và bằng văn bản về những giới hạn mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạo ảnh hưởng trên vùng nông thôn phía đông Euphrates. Quan điểm của Mỹ là không để Manbij rơi vào tay của Thổ Nhĩ Kỳ
Nhưng chính sách của Washington thực tế vẫn chưa rõ ràng: Tổng thống Donald Trump ra thông báo cho biết rằng Mỹ sẽ rút khỏi Syria "rất sớm", nhấn mạnh rằng IS đã bị đánh bại ở Syria, nhưng chính phủ Mỹ luôn phớt lờ các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ rời bỏ thành phố Manbij.
Ông Cengiz Candar, cố vấn đối ngoại của cựu tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng những tuyên bố “tiêu chuẩn kép" của Mỹ sẽ thúc đẩy tổng thống Erdogan thực hiện một chính sách liều lĩnh ở Syria. Điều đó có thể sẽ dẫn đến hậu quả không lường trước được của tất cả các bên tham gia trên vùng bắc và đông bắc Syria.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần phải tỉnh táo và kềm chế hơn trong việc xử lý những quan hệ đối với Thổ Nhĩ Kỳ trên miền bắc Syria.
Hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã tăng cường binh lực cho quận Manbij thuộc miền bắc Aleppo. Theo nguồn tin này, đã có 300 binh sĩ Mỹ tới khu vực quận Manbij trong một đoàn xe quân sự trong đó có các xe bọc thép và máy móc xây dựng. Những đơn vị này triển khai gần sông Sajur và làng Zub'ul Bayn ở phía tây Manbij. Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu không bình luận về thông tin này.
Trong một kế hoạch chung, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều muốn khu vực bắc Syria, từ Afrin đến vùng biên giới Iraq nằm trong quyền kiểm soát của đồng minh, cụ thể là FSA và lực lượng dân quân người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm khu vực Afrin, muốn vượt qua Manbij tiến sát tới Raqqa, Deir Ezzor, hình thành vùng lãnh thổ mở rộng của FSA, và thành lập một quốc gia ly khai của người Ả rập được Ankara hậu thuẫn.
Mỹ cũng muốn khu vực tương tự, nhưng do SDF kiểm soát. Như vậy mâu thuẫn chính sẽ là giữa hai lực lượng ủy nhiệm là FSA và YPG. Đây là vấn đề không thể giải quyết được, ngoại trừ một cuộc chiến tranh mà cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không thể can thiệp. Đó là cuộc chiến sống còn giữa FSA và YPG.