Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 9/4, bản báo cáo này được Ủy ban Tình báo quốc gia Mỹ (National Intelligence Council,NIC) xuất bản 4 năm một lần, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các xu hướng chính trị, kinh tế, xã hội và các xu hướng khác ảnh hưởng đến môi trường an ninh quốc gia trong 20 năm tới, nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và người dân chuẩn bị cho một loạt các tình huống có thể xảy ra.
Báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc và phương Tây có thể gia tăng cạnh tranh do chuyển giao sức mạnh quân sự, cơ cấu dân số, công nghệ và sự khác biệt về mô hình quản trị; điều này rõ ràng sẽ có tác động đến tình hình an ninh. Các nước lớn gây ra ảnh hưởng lớn hơn, điều này sẽ không chỉ làm suy yếu hợp tác quốc tế, mà còn dẫn đến môi trường địa chính trị trở nên rối ren hơn. Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục thách thức trật tự của phương Tây, tình hình chính trị ở một số nước sẽ trở nên hỗn loạn hơn, và xu hướng Internet cũng sẽ làm trầm trọng thêm sự bất đồng về chính trị và văn hóa.
Báo cáo đề cập rằng những thách thức khác như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng tài chính và sự phá hủy công nghệ trong tương lai có thể trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn ở hầu hết các quốc gia, tạo ra áp lực và tác động thảm khốc đối với xã hội toàn cầu. Để đối phó với thách thức của biến đổi khí hậu, các quốc gia cần thực hiện các biện pháp thích ứng khó khăn, như xây dựng các hồ chứa nước mưa, củng cố đê chắn sóng...; biến đổi khí hậu cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động di cư toàn cầu ngày càng tăng. Đổi mới công nghệ và hợp tác giữa Trung Quốc và phương Tây là chìa khóa để đối phó với thách thức biến đổi khí hậu...
Đọ sức Mỹ - Trung được NIC dự báo sẽ xảy ra trên toàn cầu trong 20 năm tới (Ảnh: Đa Chiều). |
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 đã làm cho 3 triệu người chết và là sự kiện tàn phá toàn cầu lớn nhất kể từ Thế chiến thứ 2; ảnh hưởng của nó có thể kéo dài trong mấy năm. Dịch bệnh COVID-19 đã làm bộc lộ và nới rộng sự khác biệt về khả năng chăm sóc sức khỏe giữa các quốc gia, làm tăng nợ nần của một số quốc gia, làm cho chủ nghĩa dân tộc và chính trị lưỡng cực trở nên rõ ràng hơn, mở rộng thêm hiện tượng bất bình đẳng xã hội. Nó cũng phản ánh sự mất lòng tin vào chính phủ của dân chúng một bộ phận quốc gia và sự thất bại của sự hợp tác quốc tế. Dịch bệnh cũng làm chậm quá trình xóa bỏ đói nghèo, bệnh tật và bất bình đẳng giới, thậm chí có thể đảo ngược tình hình.
Báo cáo cảnh báo: "Những thách thức này sẽ nhiều lần kiểm nghiệm khả năng chịu đựng và khả năng thích ứng của các cộng đồng, quốc gia và hệ thống quốc tế. Những khảo nghiệm như vậy thường vượt quá năng lực của các hệ thống và mô hình hiện có". Báo cáo nói thêm rằng một số sự phát triển là "có thể mang tính tai họa".
Báo cáo cho biết: “Virus corona chủng mới gây COVID-19 nhắc nhở mọi người về sự mong manh của thế giới và nguy cơ về sự phụ thuộc lẫn nhau cao”, “Hệ thống quốc tế ... được cấu trúc rất kém để đối phó với những thách thức toàn cầu phức tạp”.
Một trong những thách thức quan trọng được xác định trong báo cáo là biến đổi khí hậu. Vấn đề này dự kiến sẽ dần dần tăng lên trong vòng 20 năm tới, sẽ khiến tất cả các quốc gia phải chịu nhiệt độ cao hơn, mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt hơn như bão, lốc xoáy và lũ lụt.
Các nước nghèo và đang phát triển có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất, và việc chính phủ các nước đó không thể thích ứng và ứng phó có thể dẫn đến làn sóng nhập cư mới. Theo báo cáo, điều này gây áp lực lên nguồn lực và năng lực tiếp nhận của quốc gia đến.
Một mối lo ngại quan trọng khác là các quốc gia ngày càng có xu hướng xa nhau để đáp ứng với một thế giới kết nối và công nghệ tiên tiến hơn. Báo cáo cảnh báo rằng thế giới "được kết nối chặt chẽ bởi sự kết nối không thể tránh khỏi, nhưng bị phân mảnh theo nhiều hướng khác nhau"; "Khi mọi người tìm kiếm sự an toàn theo các nhóm cùng chí hướng dựa trên thân phận hiện có và mới được làm nổi bật, các cộng đồng ngày càng trở nên chia rẽ hơn”.
Thúc đẩy xu hướng này là sự phát triển của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo. Công nghệ sẽ giúp các chính phủ, nhóm và thậm chí các công ty dễ dàng định hình dư luận hơn, dù là thông qua các hoạt động gây ảnh hưởng hay hoạt động sai lệch thông tin.
Báo cáo của NIC cho rằng cạnh tranh giữa Trung Quốc và liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu ngày càng gay gắt, rất dễ xảy ra xung đột (Ảnh: Đông Phương). |
Các nhà phân tích cho rằng, một yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc thế giới trong 20 năm tới là cuộc đọ sức trên toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Báo cáo viết: "Cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đặt ra một phạm vi rộng lớn cho môi trường địa chính trị trong vài thập kỷ tới, buộc những người tham gia khác phải đưa ra những lựa chọn gay gắt hơn".
Trong kịch bản lạc quan nhất, các nhà phân tích tình báo cho rằng Mỹ và các đồng minh của họ giành được ưu thế, một phần nguyên nhân là do các biện pháp kiểm soát xã hội ở Trung Quốc và Nga đã bóp nghẹt sự đổi mới.
Cái gọi là "phục hưng dân chủ" này sẽ chứng kiến phương Tây phát triển mạnh mẽ do công nghệ tiên tiến làm giảm mâu thuẫn xã hội, tăng trưởng kinh tế và tăng thu nhập.
Nhưng các nhà phân tích này cũng dự kiến trước một kịch bản trong đó Trung Quốc có thể củng cố thực lực của chính mình và trở thành một nước lớn trên thế giới, dù họ không ở địa vị thống trị và thế giới trở nên phân mảnh, các cường quốc khu vực “tập trung vào tự cấp tự túc, khả năng phục hồi và phòng thủ” chiếm chủ đạo.
Trong trường hợp xấu nhất, tình trạng thiếu lương thực và tin đồn gây ra làn sóng bạo lực, dẫn đến việc các nhà lãnh đạo trên thế giới từ chức, chính quyền bị lật đổ, dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong việc phân phối của cải và tài nguyên.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu