Vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina (Q.8) xảy ra vào sáng nay (23-3) đã khiến 13 người thiệt mạng và 14 người bị thương, hàng trăm người không còn chỗ ở và đã được di chuyển tạm thời sang chung cư bên cạnh.
1. Biến smartphone thành thiết bị báo cháy
Hệ thống báo cháy thường sẽ hú còi báo động inh ỏi để cảnh báo người dùng khi phát hiện có khói hoặc cảm thấy nhiệt độ gia tăng bất thường. Tuy nhiên, nếu đang vắng nhà thì làm thế nào để bạn có thể nghe được chuông báo động? Mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp khắc phục vấn đề trên bằng tin nhắn SMS cảnh báo.
Đầu tiên, bạn hãy tải và cài đặt ứng dụng CleverLoop Smokey tại địa chỉ https://goo.gl/9Jxea0 (iOS) hoặc https://goo.gl/yKKe12 (Android). Ứng dụng được phát triển và cung cấp miễn phí bởi CleverLoop, một công ty chuyên về bảo mật nhà thông minh.
Tiếp theo, bạn hãy cấp quyền cho ứng dụng, thiết lập địa chỉ email và số điện thoại tương ứng dùng để nhận tin nhắn thông báo khi phát hiện có khói hoặc các dấu hiệu bất thường.
Khi hoàn tất, người dùng chỉ cần chạm vào nút bấm màu xanh lá để kích hoạt chế độ theo dõi. Nếu muốn tiết kiệm pin, bạn hãy nhấp vào tùy chọn Dim Screen để tắt màn hình nhưng vẫn để ứng dụng chạy nền.
Theo đó, khi thiết bị báo cháy ở nhà phát chuông báo động, CleverLoop Smokey sẽ tận dụng microphone trên điện thoại để nghe và phân tích âm thanh, nếu đúng là âm báo cháy, ứng dụng sẽ ngay lập tức gửi cảnh báo đến điện thoại hoặc email đã thiết lập trước đó. Từ đó, người dùng có thể kịp thời tìm được cách giải quyết hoặc nhờ vả hàng xóm trong trường hợp vắng nhà.
Lưu ý, bạn có thể đặt chiếc smartphone đã cài đặt ứng dụng CleverLoop Smokey ở gần thiết bị báo cháy, router, trung tâm ngôi nhà... và hãy nhớ cắm nguồn cũng như kết nối WiFi cho smartphone.
Ngoài ra, trên thị trường cũng có một số dòng camera quan sát được tích hợp sẵn tính năng cảnh báo cháy như XiaoFang.
Cụ thể, trong phần Advanced Settings, bạn có thể bật chế độ cảnh báo chuyển động (Motion Alarm Detection), độ nhạy chuyển động (Motion sensitivity), cảnh báo khói (Smoke Alarm Detection), cảnh báo cháy (CO Alarm Detection) và một số thiết lập khác. Lưu ý, camera XiaoFang không có khả năng báo cháy, báo khói mà chỉ nhận tín hiệu từ các thiết bị báo cháy, sau đó, gửi cảnh báo đến người dùng tương tự như phần mềm CleverLoop Smokey bên trên.
2. Thiết bị chuyên dụng để thoát hiểm
Sau sự cố hỏa hoạn, nhu cầu tìm hiểu về những sản phẩm thoát hiểm tăng cao, đơn cử như dây thoát hiểm, thang dây hoặc bộ dụng cụ, ba lô thoát hiểm…
Trên thị trường hiện có một số dòng ba lô thoát hiểm như Skysaver có thể tải được trọng lượng từ 30-120 kg, chiều dài cáp khoảng 25 m (tương đương với 5-8 tầng lầu, tùy thiết kế mỗi tòa nhà). Tất nhiên, phần dây cáp sẽ được tích hợp công nghệ chống lửa, có khả năng chịu được nhiệt độ lên đến 150 độ C.
Về cơ bản, chiếc ba lô này sẽ bao gồm một đầu móc, dây cáp và dây quấn quanh người. Khi gặp sự cố, bạn chỉ cần kiếm một điểm tựa chắc chắn để gắn đầu móc, quấn dây bảo hộ quanh mình và từ từ tuột xuống đất an toàn với vận tốc khoảng 1-2 mét/giây. Tuy nhiên, nhược điểm của sản phẩm này là mức giá hơi cao so với thu nhập của đại đa số người dùng Việt Nam.
Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể tìm mua bộ dụng cụ như dây thoát hiểm, mặt nạ phòng độc, bình chữa cháy mini và tốt nhất là lắp đặt hệ thống báo cháy và phun nước trong nhà để hạn chế tối đa tình trạng hỏa hoạn.
3. Một số kĩ năng thoát hiểm
Điều đầu tiên khi xảy ra hỏa hoạn là bạn cần phải bình tĩnh, tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra.
- Báo động cho tất cả mọi người thức dậy
- Đi theo lối thoát hiểm trong tòa nhà, tuyệt đối không sử dụng thang máy vì có nguy cơ mắc kẹt cao do cúp điện.
- Bò hoặc cúi thấp trên sàn nhà để ra ngoài vì khói sẽ bay lên trên, dùng khăn, khẩu trang, quần áo thấm nước và bịt lên mũi để hạn chế hít phải khí độc.
- Trong trường hợp không có mặt nạ, bạn có thể sử dụng mũ bảo hiểm 3/4 hoặc Fullface (có kiếng che) để di chuyển ra ngoài, nhớ quấn quanh người bằng mền hoặc quần áo đã thấm nước.
- Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở cửa mà hãy tìm lối thoát khác.
- Dùng dây thoát hiểm, thang thoát hiểm để leo xuống một cách an toàn nhất. Không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.
- Nếu kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy dùng điện thoại gọi cứu hộ, đồng thời ra ngồi ngoài ban công và dùng tấm nệm để che lại, điều này sẽ giúp khói bay lên trên và ở phía dưới tấm nệm bạn sẽ có đủ không khí để thở.
Hi vọng với những mẹo nhỏ mà Kynguyenso.plo.vn vừa giới thiệu bên trên, bạn đọc có thể hạn chế tối đa thiệt hại khi xảy ra sự cố.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.
Theo PLO