Ukraine “đứng sau” thành công tên lửa Triều Tiên?

VietTimes -- New York Times dẫn nguồn từ chuyên gia và nhận định của cơ quan tình báo Mỹ cho biết: Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có thể tấn công đến lãnh thổ Mỹ, có nguyên nhân là Bình Nhưỡng mua được những động cơ tên lửa đẩy từ nhà máy tên lửa Ukraine. 
Phóng thử nghiệm tên lửa liên lục địa Hwasong-14 , ảnh truyền thông KCNA
Phóng thử nghiệm tên lửa liên lục địa Hwasong-14 , ảnh truyền thông KCNA

Sự thành công của Triều Tiên trong thử nghiệm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần đây, có thể bay tới lãnh thổ Mỹ, theo các chuyên gia và cơ quan tình báo Mỹ có thể xuất phát từ việc, Bình Nhưỡng đã thành công trong việc mua được các tên lửa đẩy từ một nhà máy sản xuất ở Ukraine. Báo Mỹ cho rằng hai bên từng có quan hệ chặt chẽ với chương trình phát triển tên lửa của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.

Các chuyên gia Mỹ đã tập trung nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến sự thành công bí ẩn của Triều Tiên một cách đột ngột sau hàng loạt các vụ thử nghiệm tên lửa thất bại. Nhiều người cho rằng, những thất bại của Bình Nhưỡng trước các vụ phóng tên lửa có thể có nguyên nhân là do Mỹ phá hoại nguồn cung cấp.

Theo những nghiên cứu mới của Michael Elleman, chuyên gia tên lửa thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế: sau những thất bại đó, Triều Tiên quyết định thay đổi phương hướng thiết kế và thay đổi nguồn cung cấp trong hai năm trở lại đây.

Đến thời điểm này, tổng thống Mỹ Donald Trump luôn khẳng định rằng Trung Quốc là nguồn hỗ trợ chính về kinh tế và công nghệ của Triều Tiên. Ông không bao giờ cáo buộc Ukraine hay Nga mặc dù ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson đã đưa ra luận điểm cho rẳng cả Trung Quốc và Nga đều là "những yếu tố kinh tế chủ yếu" của quốc gia này sau khi Triều Tiên phóng thành công tên lửa ICBM gần đây nhất vào tháng trước.

Các nhà phân tích tình huống nghiên cứu kỹ bức ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đang xem xét các động cơ tên lửa mới và kết luận rằng những động cơ tên lửa này là những sản phẩm được thiết kế để cung cấp cho lực lượng tên lửa Liên Xô. Động cơ đủ mạnh để một tên lửa duy nhất có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân thứ cấp đến các châu lục.

Ukraine “đứng sau” thành công tên lửa Triều Tiên? ảnh 1Các tên lửa đẩy của Bắc Triều Tiên - Ảnh News York Times

Những động cơ này đã dẫn đến một vài cơ sở sản xuất tên lửa cũ của Liên Xô. Các nhà điều tra và chuyên gia của chính quyền Mỹ tập trung sự chú ý vào một nhà máy tên lửa ở Dnepro, Ukraine. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhà máy đã chế tạo được những tên lửa đẩy mạnh nhất trong kho vũ khí Liên Xô, bao gồm cả tên lửa khổng lồ SS-18. Cơ sở này vẫn là một trong những nhà sản xuất tên lửa hàng đầu của Nga ngay cả sau khi Ukraine độc lập.

Kể từ khi tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ vào năm 2014, nhà máy tên lửa thuộc sở hữu nhà nước, có tên gọi là Yuzhmash, rơi vào tình trạng khó khăn. Nga hủy bỏ tất cả các dự án nâng cấp lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược có liên quan đến Ukraine. Nhà máy rơi vào tình trạng nợ nần năng nề do không có đơn đặt hàng và suy sụp về tinh thần.

Các chuyên gia tên lửa Mỹ tin tưởng rằng cơ sở này chính là nơi xuất hiện các động cơ tên lửa mạnh nhất mà Triều Tiên đã sử dụng trong 2 lần thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào tháng 7. Đây cũng là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên có khả năng sử dụng tên lửa đe dọa các thành phố của Mỹ.

Ông Elleman nói trong một cuộc phỏng vấn: "Có thể các động cơ này đến từ Ukraine một cách bất hợp pháp". "Câu hỏi lớn đặt ra là họ có bao nhiêu động cơ tên lửa và liệu người Ukraine có đang giúp đỡ họ hay không. Tôi thực sự lo lắng".

Ông nói thêm rằng đã tìm ra một vấn đề liên quan. Sáu năm trước đây, các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng Triều Tiên đã cố gắng đánh cắp bí mật tên lửa từ tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine. Hai người Bắc Triều Tiên bị bắt, một báo cáo của Liên Hợp Quốc. cho biết những thông tin mà những gián điệp Bình Nhưỡng theo đuổi tập trung vào "hệ thống tên lửa, động cơ nhiên liệu lỏng, hệ thống cung cấp nhiên liệu cho tàu vũ trụ và tên lửa đẩy".

Các nhà điều tra Mỹ giờ đây tin tưởng rằng, trong bối cảnh bất ổn của đất nước Ukraine hiệu nay, Bình Nhưỡng có thể đã thử làm lại và thành công ngoài mong đợi.

Các phân tích chi tiết của ông Elleman dựa trên cơ sở những thông tin đại chúng khẳng định những gì mà các quan chức tình báo Mỹ đã thảo luận và nghi ngờ trong một thời gian dài. Những tên lửa mới của Triều Tiên được phát triển trên một công nghệ phức tạp mà Triều Tiên không thể nắm bắt và thực hiện nhanh chóng được.

Các kỹ sư tên lửa Bắc Triều Tiên dường như mới thử nghiệm động cơ mới lần đầu tiên vào khoảng tháng 09.2016 và chỉ mất 10 tháng để hoàn thành tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM. Điều này chỉ có thể khi Bình Nhưỡng mua thiết kế, phần cứng và các kỹ sư chuyên môn trình độ cao trên thị trường chợ đen .

Nhà Trắng không đưa ra bất cừ bình luận gì khi được hỏi về những nhận định của cộng đồng tình báo về khả năng Triều Tiên mua được động cơ tên lửa liên lục địa.

Tháng trước, đại diện của Yuzhmash bác bỏ thông tin cho rằng nhà máy đang đấu tranh bằng mọi giá để tồn tại và bán công nghệ ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Trên trang web chính thức, công ty tuyên bố không và sẽ không bao giờ tham gia vào "việc chuyển giao các công nghệ có nguy hiểm tiềm ẩn ra bên ngoài Ukraine".

Các nhà điều tra Mỹ không tin sự phủ nhận này, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy chính quyền Tổng thống Petro O. Poroshenko, người vừa có chuyến thăm chính thức Nhà Trắng, có bất kỳ thông tin gì hoặc kiểm soát được những gì đang xảy ra bên trong khu phức hợp. Làm thế nào các động cơ được thiết kế từ thời Liên Xô, định danh là RD-250 lại có thể xuất hiện ở Triều Tiên vẫn còn là một bí ẩn.

Ông Elleman không bác bỏ khả năng một doanh nghiệp tên lửa lớn của Nga, Energomash, có quan hệ chặt chẽ với tổ hợp chế tạo tên lửa Ukraine, có thể đóng vai trò nào đó trong việc chuyển giao công nghệ động cơ tên lửa RD-250 cho Triều Tiên. Ông cho biết các động cơ RD-250 còn lại cũng có thể được cất giữ trong kho của Nga. Nhưng ông cũng nhắc lại, vài năm trước đây tổng thống Nga V. Putin đã ký sắc lệnh cấm cung cấp, chuyển giao các công nghệ liên quan đến vũ khí chiến lược cho Triều Tiên.

Bất chấp những lệnh trừng phạt của LHQ, các động cơ tên lửa đẩy mạnh đã tới Bắc Triều Tiên, cho thấy một thất bại lớn của tình báo phương Tây, dẫn đầu là tình báo Mỹ trong việc theo dõi, giám sát các hoạt động của Bình Nhưỡng. Câu hỏi đặt ra, vì sao mà tình báo phương Tây, đặc biệt là tình báo Mỹ có thể để xảy ra sự cố này

Leon Panetta, cựu giám đốc CIA, trong một bài viết trên "Face the Nation" của hãng CBS ngày 13.08.2017 nhấn mạnh rằng Triều Tiên đã có thể có được ICBM cùng với việc tích hợp với vũ khí hạt nhân nhanh hơn nhiều so với dự kiến của cộng đồng tình báo Mỹ.

Các quan chức tình báo Mỹ nhấn mạnh rằng Triều Tiên đã tìm kiếm nguồn cung cấp trên thị trường đen công nghệ tên lửa trong nhiều thập kỷ. Bình Nhưỡng cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng các trường đại học nghiên cứu về tên lửa, các trung tâm thiết kế và các nhà máy của mình.

Bình Nhưỡng cũng đã tìm kiếm và tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài: Năm 1992, các quan chức tại một sân bay Moscow đã ngăn chặn một nhóm  chuyên gia tên lửa đi du lịch đến thăm Bình Nhưỡng.

Đấy là một thất bại tạm thời đối với Triều Tiên. Bình Nhưỡng đang thiết kế tên lửa đẩy R-27, một loại tên lửa nhỏ gọn được chế tạo cho tàu ngầm Liên Xô được cục thiết kế Makeyev, một khu công nghiệp quốc phòng trong vùng núi Ural phát triển, những chuyên gia bị tạm giữ tại sân bay Moscow thuộc cơ sở công nghiệp này.

Nhưng tên lửa đẩy R-27 rất phức tạp, cấu trúc thiết kế với công nghệ thực sự cao cấp, Triều Tiên không thể sao chép và thử nghiệm thành công.

Nhưng Triều Tiên chuyển sang một hướng khác, khai thác bí mật động cơ tên lửa đẩy của nhà máy Yuzhmash và văn phòng thiết kế Yuzhnoye thuộc Ukraine. Các động cơ của nhà máy dễ sao chép hơn vì chúng được thiết kế cho các tên lửa phóng trên mặt đất, có không gian cấu trúc rộng hơn, điều đó đơn giản hóa kỹ thuật tên lửa.

Norbert Brügge, nhà phân tích người Đức khẳng định rằng trong bức ảnh chụp động cơ tên lửa mới của Triều Tiên cho thấy sự tương đồng rất rõ với tên lửa đẩy RD-250 của Yuzhmash.
Triều Tiên phóng thành công tên lửa liên lục địa ICBM Hwasong-14 - video truyền thông KCNA Triều Tiên
TTB