Tướng diều hâu PLA La Viện tuyên bố: “Trung Quốc trỗi dậy cần có gậy đánh chó hạng nhất”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng đã gây lo ngại trong dư luận phương Tây, một tướng về hưu Trung Quốc đã gây bất ngờ với cách sử dụng ngôn từ giải thích về vấn đề này.
Tướng La Viện mô tả việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng là "trỗi dậy cần phải có gậy đánh chó hạng nhất" (Ảnh: Sohu).
Tướng La Viện mô tả việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng là "trỗi dậy cần phải có gậy đánh chó hạng nhất" (Ảnh: Sohu).

Tại hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp vừa kết thúc của Trung Quốc, Bắc Kinh đã công bố dự kiến ngân sách chi tiêu quốc phòng khoảng 1,35 nghìn tỷ NDT cho năm 2021, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số cơ quan truyền thông phương Tây đã bày tỏ quan ngại và cho rằng mức ngân sách quân sự của Trung Quốc quá cao. Về vấn đề này, Thiếu tướng PLA La Viện – người được truyền thông phương Tây cho rằng thuộc phái “diều hâu” trong PLA đã tuyên bố: “Nước Trung Quốc trỗi dậy cần phải có phải có ‘gậy đánh chó’ hạng nhất”.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 10/3, tướng La Viện đã viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu – cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc cùng ngày rằng, giới truyền thông Mỹ và các nước phương Tây khác chỉ trích chi tiêu quân sự của Trung Quốc là quá cao và cần được cắt giảm, “đây là việc nhà của chúng tôi”.

Ông Tập Cận Bình thị sát Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy. Từ phải sang là các Phó chủ tịch Quân ủy Trương Hựu Hiệp, Hứa Kì Lượng (Ảnh: GPQB).

Ông Tập Cận Bình thị sát Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy. Từ phải sang là các Phó chủ tịch Quân ủy Trương Hựu Hiệp, Hứa Kì Lượng (Ảnh: GPQB).

Bài báo viết: “Bây giờ gia đình chúng tôi đã có đồ ăn thức uống và tiền tiết kiệm, chúng tôi chuẩn bị một vài cây ‘gậy đánh chó’ để bảo vệ thành quả khó khăn lắm mới có được của mình, tại sao lại không được?”.

La Viện chỉ ra rằng, thống kê cho thấy ngân sách quân sự của Mỹ năm 2021 là 740,5 tỷ USD, trong khi ngân sách quân sự của Trung Quốc trong cùng thời kỳ là 209 tỷ USD, chỉ bằng 28,2% chi tiêu quân sự của Mỹ. Xét về tốc độ tăng trưởng, chi tiêu quân sự của Mỹ tăng 7,8% hàng năm vào năm 2021, còn Trung Quốc tăng 6,8%.

Xét về mức bình quân tính theo đầu người, trong năm 2021 mỗi người Mỹ sẽ phải chịu 2.257 USD chi tiêu quân sự, trong khi chi tiêu quân sự bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ khoảng 130 USD.

La Viện cho rằng: “Bản thân Mỹ đang ra sức tăng chi tiêu quân sự của mình với mức độ lớn. Tại sao chỉ có ‘quan chức được đốt lửa mà không cho người dân thắp đèn?’.

Trong hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp gần đây của Trung Quốc, Bắc Kinh đã công bố dự thảo ngân sách hàng năm. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm nay vào khoảng 1,35 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn một chút so với năm ngoái. Về vấn đề này, một số cơ quan truyền thông phương Tây lo ngại rằng chi tiêu quân sự quá cao của Trung Quốc sẽ gây ra mối đe dọa quân sự”.

Tên lửa siêu thanh Dongfeng-17, Trung Quốc tuyên truyền có tốc độ Mach 10, tầm bắn từ 1.800 - 2000km (Ảnh: Tân Hoa xã).

Tên lửa siêu thanh Dongfeng-17, Trung Quốc tuyên truyền có tốc độ Mach 10, tầm bắn từ 1.800 - 2000km (Ảnh: Tân Hoa xã).

La Viện biện bạch: “Mỹ tăng chi tiêu quân sự để tấn công người khác, còn Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự để bảo vệ chính mình. Xét từ góc độ này, việc tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc cần được tất cả các nước trên thế giới ủng hộ, vì chi tiêu quân sự của Trung Quốc càng cao, hệ số an toàn của thế giới cũng càng cao”.

La Viện chỉ ra rằng: “Nước Trung Quốc trỗi dậy phải dùng đến ‘cây gậy đánh chó’, khiến cho tất cả chó sói và ma quỷ phải khiếp sợ. Loại ‘gậy đánh chó’ như vậy phải là loại hạng nhất và để có được ‘cây gậy đánh chó’ hạng nhất đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều”.

La Viện nói: “Muốn Trung Quốc giảm bớt chi tiêu quân sự, trừ khi Mỹ giải tán liên minh quân sự chống lại Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hủy bỏ sự ủng hộ của họ đối với các thế lực ly khai ở Đài Loan, hủy bỏ việc bán vũ khí cho Đài Loan, không tiến hành các hành động khiêu khích ở Biển Đông và không còn can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc nữa, nếu không sẽ không có cửa”.

Tàu khu trục 055 có lượng giãn nước 13 ngàn tấn của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Tàu khu trục 055 có lượng giãn nước 13 ngàn tấn của Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Một chuyên gia quân sự đã đưa ra phân tích về mức độ chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc theo tỷ lệ giữa các nước lớn.

Ông này chỉ ra rằng từ ba khía cạnh của tỷ trọng chi tiêu quốc phòng tính theo GDP, theo chi tiêu tài chính quốc gia và mức chi tiêu quốc phòng bình quân đầu người, so sánh tình hình liên quan từ năm 2012 đến năm 2017, cho thấy tỷ trọng chi tiêu quốc phòng trung bình của Trung Quốc chiếm khoảng 1,3% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 3,5% của Mỹ, 4,4% ở Nga và 2,5% ở Ấn Độ.

Xét từ góc độ tỷ trọng chi tiêu quốc phòng trong chi tiêu tài khóa, Trung Quốc vào khoảng 5,3%, cũng thấp hơn nhiều so với Mỹ, Nga và Ấn Độ. Từ góc độ chi tiêu quốc phòng bình quân đầu người, chi tiêu quốc phòng bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2017 cũng thấp hơn nhiều so với các nước lớn, ngoại trừ Ấn Độ.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 1/3 bày tỏ, “việc xây dựng và phát triển quốc phòng và quân đội của Trung Quốc hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích phát triển, không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào hoặc gây ra mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào”.

Tên lửa tầm trung Dongfeng-26 được Trung Quốc gọi là "Sát thủ tàu sân bay" (Ảnh: Tân Hoa xã).

Tên lửa tầm trung Dongfeng-26 được Trung Quốc gọi là "Sát thủ tàu sân bay" (Ảnh: Tân Hoa xã).

Theo Đa Chiều, La Viện là một nhân vật diều hâu trong quân đội Trung Quốc và là con trai của La Thanh Trường, một nguyên lão của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông La Thanh Trường từng là Phó Chủ nhiệm Văn phòng của Thủ tướng Quốc vụ viện Chu Ân Lai và là Phó Tổng thư ký Quốc vụ viện Trung Quốc, phụ trách ngoại giao, tình báo và công tác Đài Loan.

La Viện sinh năm 1950, quê Tứ Xuyên, tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế PLA. Đại học Quốc phòng , hiện là Phó Cục trưởng nghiên cứu quân sự thế giới, Viện Khoa học quân sự, Ủy viên thường vụ Hội Khoa học quân sự Trung Quốc, Hội trưởng chi hội Quân sự quốc tế.

La Viện nổi tiếng là một nhân vật “phái diều hâu”. Tháng 7/2019 ông ta từng viết bài công khai quan điểm: nếu Đài Loan không chấp nhận “một quốc gia hai chế độ”, Trung Quốc có thể thực hiện tại đó “một nước một chế độ” sau khi thống nhất bằng vũ lực hoặc thống nhất hòa bình.