Tướng Belarus: Nếu xảy ra xung đột ở châu Âu, các nước Baltic sẽ bị xóa khỏi Trái đất!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania nói chuẩn bị chuyển giao vũ khí sát thương cho Ukraine. Trong khi đó tướng Hội đồng An ninh Belarus cảnh cáo, nếu xảy ra xung đột ở châu Âu, các nước Baltic sẽ bị xóa khỏi Trái đất
Mày bay ném bom tầm xa TU-22M# của Nga (trên) bay tuần tra chung với máy bay Belarus (Ảnh: QQ).
Mày bay ném bom tầm xa TU-22M# của Nga (trên) bay tuần tra chung với máy bay Belarus (Ảnh: QQ).

Vào lúc tình hình biên giới Nga - Ukraine căng thẳng, các nước láng giềng cũng đã tham gia “chiến trường”. Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik, ngày 18/12, Thiếu tướng Archakov, Phó Quốc vụ khanh Hội đồng An ninh Belarus khi trả lời phỏng vấn tạp chí Quốc phòng của Nga đã bày tỏ lập trường của Belarus về vấn đề biên giới Nga-Ukraine ngày càng căng thẳng.

Ông Archakov cho rằng Lithuania (Litva) và các nước Baltic khác thời gian gần đây đã liên tục thổi phồng vấn đề người di cư ở biên giới Belarus và các sự kiện khác, đồng thời tăng cường triển khai quân sự xung quanh biên giới Belarus, rõ ràng là có mưu đồ xấu.

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas (Ảnh: DELFI).

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas (Ảnh: DELFI).

Ông nói: "Các nước láng giềng phía tây bắc của chúng tôi không có gì đáng nói về mặt quân sự. Mối nguy hiểm chính của hành động của các nước Baltic là họ tiếp tục kích động làm tình hình xấu đi một cách vô lý. Dường như họ đang mong chờ xảy ra một cuộc xung đột nghiêm trọng. Nhưng các nước này không ý thức được rằng, nếu xảy ra xung đột, các trung tâm quyền lực đối kháng sẽ dễ dàng xóa sổ họ khỏi Trái đất."

Ông Archakov tuyên bố rằng các nước Baltic đang áp dụng các thủ pháp trong quá khứ để gây áp lực lên Belarus theo mọi hướng và gây tổn hại đến lợi ích của Liên bang Nga thông qua Belarus. Ông cũng đề cập rằng cường độ hoạt động sát biên giới Belarus của các máy bay chiến lược và trinh sát của Không quân Mỹ đang ngày càng gia tăng.

Vào thời điểm ông Alchakov đưa ra nhận định trên, Ba Lan và các nước Baltic đang không ngừng kích động gia tăng căng thẳng vấn đề biên giới giữa Nga và Ukraine.

Ngày 19/12, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia nước này (LRT) đã tuyên bố Lithuania “chuẩn bị chuyển giao vũ khí sát thương cho Ukraine”.

“Cần phải hỗ trợ Ukraine bằng mọi cách, và Lithuania cũng chuẩn bị làm điều đó”. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn, ông Anusauskas không nói rõ loại “vũ khí sát thương" nào sẽ được Lithuania chuyển giao. Ông nói sẽ không trả lời trực tiếp vì nó liên quan đến một thỏa thuận đa phương.

Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei: Belarus đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ của mình (Ảnh: RIA).

Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei: Belarus đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ của mình (Ảnh: RIA).

Theo trang web Delfi của Lithuania, khi gặp Jon Feiner, Phó Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Biden, ông Anusauskas nói rằng chỉ dựa vào các biện pháp ngoại giao là không đủ để răn đe Nga. Trong chuyến thăm Mỹ, ông Anusauskas cũng đã thảo luận với các quan chức Mỹ về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Lithuania, nhấn mạnh rằng những binh lính này là một lực lượng răn đe quan trọng đối với Nga và nói rằng Lithuania đang tìm kiếm khả năng cho phép Quân đội Mỹ có mặt lâu dài tại nước này.

Ông Anusauskas nói: “Lithuania sẽ tăng cường hỗ trợ Ukraine và chúng tôi chuẩn bị thực hiện các hành động chung với Mỹ.”

Trong lúc này, hai nước Nga và Belarus đang tăng cường hợp tác quân sự. Theo Hãng tin RIA Novosti, Bộ Quốc phòng Nga ngày 18/12 ra thông báo máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga cùng lực lượng phòng không và hàng không Belarus đã tuần tra trên không phận Belarus và trở về căn cứ ở Nga sau khi hoàn thành mọi nhiệm vụ theo kế hoạch.

Tin tức cho biết 2 máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 mang vũ khí hạt nhân đã thực hiện chuyến bay kéo dài khoảng 4 giờ, trong thời gian đó đã tiến hành một cuộc diễn tập chung với phía Belarus.

Bộ Quốc phòng Nga cũng chỉ ra sự gia tăng các hoạt động quân sự ở các nước láng giềng. Trong đó, Ba Lan tuyên bố đã tăng cường quân số lực lượng an ninh để đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư ở khu vực biên giới, nhưng sự xuất hiện của các xe tăng, hệ thống phòng không và các loại vũ khí hạng nặng khác đã khiến giới quan sát bên ngoài nghi ngờ.

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin tuyên bố rằng việc NATO tập trung binh lực gần biên giới Belarus và tăng cường lực lượng quân sự ở Ba Lan có thể được coi là một "biện pháp chuẩn bị chiến tranh phức tạp."

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Russia Today (RT) rằng NATO đã tới sát biên giới Belarus, số lượng các hoạt động quân sự và tập trận cũng tăng lên rõ rệt. Ông nói, để đối phó với các mối đe dọa từ NATO, Belarus đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ của mình.

Vào cuối tháng trước, Tổng thống Belarus Lukashenko tuyên bố rằng nếu NATO triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan, Minsk sẽ đề nghị Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht thăm Lithuania hôm 19/12 (Ảnh: Deutsche Welle).

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht thăm Lithuania hôm 19/12 (Ảnh: Deutsche Welle).

Phía Nga nhiều lần nhấn mạnh nước này không có ý định "xâm lược" Ukraine, mà các cuộc tập trận quân sự của NATO và những lời lẽ hiếu chiến của phương Tây đã làm gia tăng tình hình căng thẳng. Người phát ngôn của Tổng thống Nga đã tuyên bố Nga có quyền tự do di chuyển quân trong lãnh thổ của mình.

Để làm dịu tình hình, các nhà ngoại giao Nga mới đây đã chuyển kiến nghị ​​đảm bảo an ninh tới Mỹ và NATO, yêu cầu NATO không chấp nhận Ukraine là quốc gia thành viên, và cam kết không triển khai vũ khí tấn công ở các nước xung quanh Nga. Kiến nghị này đã được đăng trang web của Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 17/12. Nhưng ông Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào trong vấn đề Ukraine.

Theo hãng tin Pháp AFP ngày 19/12, giữa lúc bế tắc giữa Nga và Mỹ, tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cùng ngày đã nói trong chuyến thăm tới Lithuania rằng NATO sẽ thảo luận kiến nghị của Nga về đảm bảo an ninh, "Điều này đúng đắn và quan trọng". Nhưng đồng thời, bà cho rằng việc Nga "chĩa mũi dùi" vào NATO là không thể chấp nhận được.