“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, cha ông ta đã nói như vậy. Trí thức là tài sản của dân tộc, nhiều vị lãnh đạo của nước ta cũng đã nhiều lần nói như vậy. Nhưng theo ông thì hiền tài ở nước ta đã thực sự là “nguyên khí quốc gia”?
- Ở thời đại nào cũng vậy, khai thác sức mạnh của tầng lớp sĩ phu, tầng lớp trí thức để phụng sự đất nước là cực kỳ quan trọng. Bác Hồ của chúng ta đã làm rất tốt điều này. Ngày mới xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, từ các nhà nho uy tín trong xã hội như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn đến các quan chức cấp cao của chế độ cũ như cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại được Bác mời ra giúp nước. Một lực lượng lớn trí thức tài giỏi như luật sư Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám... hay các trí thức đang ở nước ngoài đều trở về như kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức "vua vũ khí" Trần Đại Nghĩa), kỹ sư Võ Quý Huân và bác sĩ Trần Hữu Tước, bác sĩ Tôn Thất Tùng… đều được Bác tin tưởng và giao những trọng trách lớn.
Đáng tiếc là hiện nay chúng ta làm chưa tốt điều đó. Trên lời nói thì “trí thức là tài sản quốc gia”, nhưng trên thực tế, trí thức Việt Nam chưa được coi trọng, chưa được đánh giá đúng mức. Dân tộc Việt Nam vốn rất trọng chữ, rất trọng thầy. Trước nạn tham nhũng, người dân có thể rất bức xúc, nhưng cũng không bức xúc bằng việc trí thức bị hắt hủi, bị thoái trí, và càng đau lòng hơn khi đội ngũ trí thức đang có phần bị méo mó đi. “Nguyên khí quốc gia” mà bị tổn thương, bị méo mó, bị biến chất thì là điều cực kỳ u ám. Vì vậy, nhận thức về trí thức, chính sách về trí thức và đối với trí thức cần phải được thay đổi một cách căn bản. Bác Hồ đã từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”.
Hàng năm Nhà nước vẫn rót không ít tiền từ ngân sách nhà nước cho các công trình khoa học, thậm chí cho cả những công trình nghiên cứu sau đó được xếp vào ngăn kéo đấy thôi?
- Hiện chúng ta mới có chính sách về khoa học công nghệ và đầu tư cho khoa học công nghệ. Tức là mới chú trọng đến vấn đề tài chính, chứ chưa chú trọng đến con người trí thức, con người sĩ phu. Đội ngũ trí thức không những không được coi trọng, không được đánh giá đúng mức mà hiện đang có một xu hướng rất nguy hiểm, đó là người ta đang làm hỏng cả một đội ngũ trí thức. Hay nói đúng hơn là đội ngũ trí thức đang bị hư hỏng bởi một vài người làm chính trị, một vài con buôn; kể cả "con buôn" kinh tế theo đúng nghĩa của từ này. Có những "con buôn" trở thành người đứng đầu một đơn vị khoa học rất lớn. Nó truyền cái tư duy “con buôn” làm hỏng đội ngũ khoa học và chất lượng các công trình khoa học, làm xấu đi hình ảnh trí thức Việt Nam. Một khi trí thức mà bị mai một, bị biến dạng, bị méo mó, thậm chí là không còn biết xấu hổ nữa thì rất nguy hiểm, tương lai của dân tộc sẽ bị đe dọa.
Có một xu thế nữa cũng rất nguy hiểm, đó là trí thức thì lại đối xử với nhau theo kiểu dùng thủ thuật chính trị, của con buôn. Ngược lại, một số "con buôn" lại muốn khoác áo trí thức trong lúc nhập nhờ.
Thiếu hệ giá trị chuẩn quốc gia
Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng đáng buồn đó, theo ông?
- Điều cốt lõi là hiện nay chúng ta đang thiếu hệ giá trị chuẩn quốc gia. Thời chống Mỹ chúng ta có những khẩu hiệu như “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” để thống nhất đất nước… Đây là giá trị chuẩn quốc gia rất tốt, rất đúng. Đúng thời đại, đúng lòng dân, được đồng thuận, được thống nhất, được nhất trí từ trong ra ngoài, trong Đảng, ngoài Đảng, trong nước, ngoài nước; ngay cả người dân Mỹ cũng ủng hộ chúng ta.
Thế nhưng hiện nay chúng ta đang thiếu cái ấy. Cái gì là chuẩn quốc gia ở góc độ chủ thuyết phát triển? Chủ thuyết quốc gia ở đây không phải chỉ là chủ thuyết chính trị, mà còn là còn chuẩn về đạo đức, về văn hóa, về khoa học và tất cả những gì tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Vì thế chúng ta đang thiếu thước đo. Bởi vậy một vài nơi mới có chuyện “ông” nào nói to, “ông” nào nhiều tiền thì “ông” ấy đúng. Thế thì chết rồi. Nó không có ngọn hải đăng. Nó mịt mù, mù mờ, nó nhập nhằng. Cho nên cái chuẩn quốc gia là cái cực kỳ quan trọng.
Chuẩn quốc gia mà ông muốn nói tới ở đây cụ thể là những gì, thưa ông?
- Theo tôi thì chuẩn quốc gia là sự hội tụ của 4 nhóm. Một là, những gì tốt đẹp nhất của CNXH như là tự do, bình đẳng, bác ái. Hai là, những cái gì tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam cả ngàn năm qua. Ba là, những gì là tinh hoa của nhân loại mà chúng ta cần bổ sung. Thứ Tư là, kinh tế thị trường: cái gì tốt, cái gì xấu phải lọc ra. 4 cái này hội tụ lại tạo thành chủ thuyết phát triển mới, từ đó nó tạo ra các chuẩn giá trị khác. Không phải vô cớ mà nhiều thanh niên bây giờ mất phương hướng. Họ sống rất thiếu động lực bên trong. Bởi vì nó không có một cái chuẩn. Tiền nhiều chưa phải là chuẩn cao, yêu được nhiều hotgirl chưa phải là chuẩn cao.
Hiện có không ít nhân sĩ, trí thức tâm huyết với đất nước, họ nói, họ phát biểu, họ bức xúc, vì thế nhiều người coi họ là bất mãn. Tại sao chúng ta không thể đối thoại với họ để tìm ra tiếng nói chung cùng nhau phụng sự đất nước?
- Tôi đã đã từng được tham dự một số cuộc họp của Hội đồng lý luận Trung ương. Có lần được tham dự cuộc gặp gỡ tại một phòng họp ở Phan Đình Phùng (Hà Nội), nơi được giới thiệu là phòng đối thoại với trí thức. Tham dự có cả ông Lê Hồng Anh, khi ấy đang là Thường trực Ban Bí thư; ông đinh Thế Huynh và ông Phùng Hữu Phú (khi ấy đều đang là Trưởng và Phó Ban Tuyên giáo Trung ương). Đây là cuộc đối thoại với những trí thức có quan điểm khác với chính thống để tạo ra những quan điểm chung thống nhất, nhưng cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu. Đành rằng đối thoại là đúng, là cần thiết, nhưng cái khó là ở chỗ cái chuẩn giá trị quốc gia chưa có. Chủ thuyết phát triển, các giá trị chuẩn từ lý luận đến thực tiễn chưa được xây dựng đầy đủ. Vì vậy, không mấy ai hào hứng tranh luận cả, vì tranh luận là thua chắc chắn. Lấy cái gì làm chuẩn để phân định đúng sai?
Cần cơ chế bảo vệ “nguyên khí quốc gia”
Nói cho cùng thì trí thức cần có cơ chế an toàn để bảo vệ cái cốt cách của trí thức: tư duy độc lập, tính phản biện… Theo ông, trí thức Việt cần những gì?
- Đúng là chúng ta đang thiếu cơ chế bảo vệ tài sản quốc gia. Nợ công tăng, trí thức bất mãn là bởi vì không có cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia, tài sản quốc gia. Trí thức chính là tài sản quốc gia. Tài sản quốc gia không đơn giản chỉ là tiền, chỉ là lãnh thổ, mà còn là không khí, là môi trường, là người tài, là sự đoàn kết, là tinh thần khởi nghiệp và là tất cả những gì thuộc về truyền thống dân tộc, kể cả lòng yêu nước. Chúng ta đang thiếu cơ chế bảo vệ nó. Trí thức là những người lưu giữ nó, khuếch trương nó mà đôi khi còn bị này, bị kia. Cho nên cơ chế bảo vệ tài sản quốc gia rất quan trọng.
Thưa ông, muốn có tầng lớp trí thức thì phải có con người trí thức. Cụ Hồ từng dạy rằng, Đảng và Nhà nước phải chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức để xây dựng đất nước. Theo ông, công tác cán bộ của chúng ta hiện nay đã thực hiện được theo lời dạy của Bác chưa?
- Cơ chế cán bộ là cực kỳ quan trọng. Công tác tổ chức cán bộ của chúng ta đang bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết. Nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tội đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Nói như đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu tại diễn đàn Quốc hội “họ chạy xong chức rồi thì phải vơ vét để hoàn lại vốn”. Một nhiệm kỳ bao gồm chạy chức, xong rồi thì phải thu hồi vốn, thu hồi xong phải làm lãi, sau đó mới là phục vụ. Thử hỏi 5 năm một nhiệm như thế thì họ thực sự làm việc được mấy năm?
Nhưng để thu hồi được vốn và có lãi buộc họ phải lạm dụng chính sách, làm méo mó chính sách, thậm chí làm nhiễu chính sách để từ đó trục lợi và kiếm lời. Hoặc phải tham nhũng, bắt người này, bắt người kia. Và cái nguy hiểm nữa là, muốn thu được tiền họ lại phải tuyển dụng những người có tiền, nhưng trình độ thấp. Chính vì thế có ý kiến cho rằng trình độ cán bộ cứ “lùn” dần qua các nhiệm kỳ. Đây là nguy cơ hiện hữu không chỉ thiệt hại một vài năm, mà nó còn hệ lụy hàng thế hệ, thậm chí hàng vài thế hệ người Việt Nam.
Vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu ý rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, làm cán bộ không phải là để “thăng quan tiến chức”, không phải như dưới thời thực dân-phong kiến “một người làm quan cả họ được nhờ”, không phải làm cán bộ để “đè đầu cưỡi cổ dân chúng như dưới thời thực dân-phong kiến”, v.v. Mà người cán bộ là phải hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ, cũng phải hết sức tránh.
Xin cám ơn ông!