Truyền thông Mỹ: “Bắc Kinh định dọa ông Biden nhưng đã nhận được cú đấm”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trang web VOA (Tiếng nói Hoa Kỳ) bản tiếng Trung ngày 29/1 đã đăng bài phân tích về quan hệ Mỹ - Trung xung quanh vấn đề Đài Loan, nhan đề: “Bắc Kinh định dọa ông Biden, nhưng đã nhận được cú đấm” .
Chính phủ Joe Biden dường như vẫn sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn của chính quyền Donald Trump trong chính sách Đài Loan (Ảnh: Dwnews).
Chính phủ Joe Biden dường như vẫn sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn của chính quyền Donald Trump trong chính sách Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Bài báo viết, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong hai ngày liên tiếp cuối tuần trước đã cho tổng cộng 28 máy bay quân sự xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan như một "món quà chào mừng" chính phủ mới ở Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh nói, đây là một "lời cảnh báo nghiêm khắc" đối với "các thế lực bên ngoài". Nhưng trước cảnh báo chính thức của Trung Quốc, chính quyền Biden đã tuyên bố rằng, cam kết của Mỹ đối với an ninh và phòng vệ của Đài Loan là "vững như bàn thạch". Các nhà phân tích cho rằng, đánh giá từ một số dấu hiệu ban đầu, chính quyền Joe Biden vẫn sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn của chính quyền Donald Trump trong chính sách Đài Loan của mình.

Sau khi PLA cho 13 máy bay quân sự xâm nhập vùng nhận dạng phòng không phía tây nam của Đài Loan hôm thứ Bảy và thực hiện vụ quấy rối lớn nhất không phận Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cùng ngày đã ra tuyên bố, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt gây sức ép về quân sự, ngoại giao và kinh tế với Đài Loan và tiến hành đối thoại với các đại diện được dân bầu ở Đài Loan. Ông Ned Price nói, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan trong việc duy trì khả năng tự vệ đầy đủ. "Cam kết của chúng tôi với Đài Loan là vững như bàn thạch và nó góp phần vào hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và khu vực".

Trong 2 ngày 23 và 24/1, PLA đã cho 28 máy bay quân sự bay vào Vùng nhận dạng phòng không Tây Nam Đài Loan (Ảnh: CNA).

Trong 2 ngày 23 và 24/1, PLA đã cho 28 máy bay quân sự bay vào Vùng nhận dạng phòng không Tây Nam Đài Loan (Ảnh: CNA).

Bài báo phân tích, sau khi chính quyền mới ở Mỹ lên nắm quyền, chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần bày tỏ hy vọng chính quyền mới của Mỹ có thể "rút ra bài học từ chính sách sai lầm của chính quyền Trump đối với Trung Quốc" và đi cùng một hướng với Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ song phương "quay trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định”.

Tuy nhiên, các chuyên gia về vấn đề an ninh Mỹ cho rằng nếu Trung Quốc muốn tìm cách thiết lập lại quan hệ với chính quyền Joe Biden, thì cách họ hành xử thật "vô cùng kỳ quặc".

Các ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson và Robert Manning, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh, Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), đã công bố bài viết chung trên trang web Foreign Policy hôm thứ Tư (27/1), cho rằng sau khi chính quyền Biden lên nắm quyền, nhà cầm quyền Bắc Kinh không những không chấm dứt các hành vi đe dọa, trái lại đã tăng gấp bội, không chỉ quấy rối quân sự nhiều hơn đối với Đài Loan mà còn gây thêm nhiều động thái nguy hiểm ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Bài báo có tựa đề "Món quà chào mừng của Bắc Kinh gửi đến Biden: Thêm nhiều đe dọa và căng thẳng" này đã chỉ ra rằng mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan xảy ra vài ngày sau khi bà Tiêu Mỹ Cầm, "đại sứ thực tế tại Mỹ" của Đài Loan tham dự lễ nhậm chức của ông Biden. Trước đó, Bắc Kinh cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức của chính quyền Trump có tiếp xúc với Đài Loan, cảnh báo rõ ràng Tổng thống Biden rút lại việc nâng cấp quan hệ ngoại giao của chính quyền Donald Trump với Đài Bắc.

Ông Ned Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan trong việc duy trì khả năng tự vệ đầy đủ (Ảnh: MNS).

Ông Ned Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao: Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan trong việc duy trì khả năng tự vệ đầy đủ (Ảnh: MNS).

"Đây là một tín hiệu rất rõ ràng, là yêu cầu đội ngũ của ông Biden đình chỉ tiến trình phát triển quan hệ ngoại giao bình thường với Đài Loan".

Ngoài hành động quấy rối quân sự đối với Đài Loan, bài báo còn đề cập đến một loạt ví dụ mới về sự uy hiếp của Trung Quốc, đó là “Luật Hải cảnh” vừa được thông qua vào tuần trước. Hai chuyên gia này cho rằng luật này cho phép Hải cảnh Trung Quốc được nổ súng, lên tàu kiểm tra tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đồng thời phá dỡ bất kỳ công trình nào trong vùng biển và các đảo bãi mà họ nhận là của mình. Bắc Kinh dùng bộ luật mới “đáng ngờ và chưa từng có” này để nghênh đón chính phủ mới của Mỹ, sẽ chỉ làm gia tăng khả năng xảy ra đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Trong một cuộc phỏng vấn VOA (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ), bà Tôn Vận (Yun Sun), Chủ nhiệm Chương trình Trung Quốc của Trung tâm Stimson, nói rằng từ những sự kiện đã xảy ra cho đến nay, hãy còn quá sớm để nói về chính sách Đài Loan của ông Biden. Lập trường ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đối với Mỹ không chỉ phản ánh trong vấn đề Đài Loan, mà còn trên hàng loạt vấn đề khác; nhưng đồng thời, Trung Quốc đang đẩy quả bóng về phía Mỹ để thử tìm hiểu diện mạo thực sự chính sách Trung Quốc của chính quyền Biden.

"Ví dụ, bạn sẽ thấy Trung Quốc đưa ra một số ý tưởng hợp tác họ cho là ưu tiên của ông Biden, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, hợp tác vaccine, các vấn đề triển hạn nợ và phục hồi toàn cầu. Do đó tín hiệu Trung Quốc muốn gửi đến ông Biden là sự kết hợp giữa uy hiếp cưỡng bức và hợp tác".

Ông Joe Biden lập ra tiền lệ : mời bà Tiêu Mỹ Cầm đại diện Đài Loan ở Mỹ tới dự Lễ nhậm chức tổng thống lần đầu tiên sau 42 năm (Ảnh: Dwnews).

Ông Joe Biden lập ra tiền lệ : mời bà Tiêu Mỹ Cầm đại diện Đài Loan ở Mỹ tới dự Lễ nhậm chức tổng thống lần đầu tiên sau 42 năm (Ảnh: Dwnews).

Bà Tôn Vận nói rằng thông điệp có tính cưỡng bức nhất mà mọi người nhìn thấy từ Trung Quốc cho đến nay chính là Đài Loan, đó là "tất cả người dân Trung Quốc đã nhấn mạnh trong tất cả các cuộc đối thoại gần đây rằng Biden phải xử lý thận trọng và tôn trọng lập trường cơ bản của Mỹ trong quan hệ hai bên Eo biển”. Trong suy nghĩ của Trung Quốc, lập trường quan trọng nhất chính là “Một Trung Quốc”.

"Tôi không cho rằng chính quyền Biden sau khi lên cầm quyền đã thay đổi được về cơ bản cách tiếp cận của Trung Quốc với Đài Loan. Đó là, Trung Quốc hy vọng thống nhất hòa bình và đang chuẩn bị cho việc thống nhất bằng vũ lực, nhưng họ đã luôn có các biện pháp để đe dọa thống nhất, chỉ cần Đài Loan đi theo hướng như Trung Quốc muốn”.

Chính phủ Trung Quốc đã luôn cảnh báo rằng “Đài Loan độc lập đồng nghĩa với chiến tranh”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói trong cuộc họp báo định kỳ hàng tháng hôm thứ Năm (28/1) rằng: “Vấn đề Đài Loan là chuyện nội bộ của Trung Quốc, không dung thứ bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài; và các hoạt động quân sự của PLA ở eo biển Đài Loan gần đây là một phản ứng nghiêm khắc đối với sự can thiệp từ bên ngoài và các hành động khiêu khích của thế lực 'Đài Loan độc lập'”. Ông ta còn đưa ra cảnh báo: “Chơi với lửa sẽ tự thiêu mình” và “Đài Loan độc lập có nghĩa là chiến tranh”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm: “Đài Loan độc lập có nghĩa là chiến tranh” (Ảnh: BQPTQ).

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm: “Đài Loan độc lập có nghĩa là chiến tranh” (Ảnh: BQPTQ).

Chỉ một ngày trước đó, bà Chu Phượng Liên, người phát ngôn của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, cũng tuyên bố tại một cuộc họp báo thường kỳ về lời kêu gọi đối thoại giữa hai bên bờ eo biển của chính phủ Mỹ, cho rằng Đảng Dân Tiến (DPP) 4 năm nay từ chối công nhận Đồng thuận năm 1992 và "câu kết với các thế lực bên ngoài để tìm kiếm các hành động khiêu khích mưu cầu độc lập; tạo ra phức tạp nghiêm trọng cho quan hệ hai bên eo biển. PLA tổ chức các cuộc tập trận thực chiến ở eo biển Đài Loan là để "nghiêm khắc cảnh cáo các thế lực bên ngoài ngừng can thiệp và thế lực ly khai đòi Đài Loan độc lập: “Trung Quốc không hứa từ bỏ vũ lực và duy trì mọi phương án lựa chọn. Điều này sẽ không bao giờ thay đổi trong bất cứ lúc nào".

Bà Tôn Vận ở Trung tâm Stimson nói, chính phủ Trung Quốc cho rằng việc Đài Loan không sẵn lòng chấp nhận ‘thống nhất hòa bình’, buộc họ phải áp dụng lựa chọn cách đe dọa. “Chỉ cần Đài Loan vẫn đi trên con đường riêng của mình, xu hướng đe dọa sẽ càng gia tăng”.

Về các chính sách của chính quyền Joe Biden, Tôn Vận nói rằng bà tin tưởng chắc chắn rằng cam kết của Mỹ đối với an ninh của Đài Loan là "vững chắc và không bàn cãi". "Theo ý nghĩa đó, phản ứng về việc máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm phạm không phận Đài Loan là đúng đắn và phù hợp", nhưng điều đó cũng quay trở lại vấn đề "ủng hộ Đài Loan": "Làm gì để ủng hộ Đài Loan?”.

Tôn Vận tin rằng ông Biden sẽ cực kỳ kiên định trong cam kết của Mỹ ủng hộ Đài Loan trong một số lĩnh vực, bao gồm vấn đề bảo vệ an toàn của Đài Loan khỏi sự đe dọa của Trung Quốc, phát triển kinh tế của Đài Loan và hội nhập khu vực, cũng như tham gia vào cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nếu câu hỏi đặt ra là “liệu ông ​​Biden có ủng hộ Đài Loan độc lập hay không” thì bà không cho rằng ông Biden đã thay đổi lập trường cơ bản của Mỹ, tức là “Mỹ tin chắc rằng lợi ích của mình trong vấn đề Đài Loan phải do người Trung Quốc tự giải quyết một cách hòa bình”.

Bà Tôn Vận: tin tưởng chắc chắn rằng cam kết của Mỹ đối với an ninh của Đài Loan là "vững chắc và không bàn cãi" (Ảnh: CGTN).

Bà Tôn Vận: tin tưởng chắc chắn rằng cam kết của Mỹ đối với an ninh của Đài Loan là "vững chắc và không bàn cãi" (Ảnh: CGTN).

Ông Joseph Bosco, cựu Giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cũng cho rằng những tín hiệu mà ông thấy từ những ngày đầu của chính quyền Biden, bao gồm biểu hiện của các quan chức được bổ nhiệm về chính sách của Trung Quốc, phản ứng với sự quấy rối không phận Đài Loan quy mô lớn bằng máy bay quân sự của Trung Quốc và Trung Quốc trừng phạt các quan chức chính quyền Trump. Ông cho rằng nhìn chung, ít nhất là trong ngắn hạn, chính quyền Biden sẽ không quay lại ngay chính sách Trung Quốc thời kỳ Clinton – Bush – Obama. Cách làm của nhóm ông Trump "ổn định và hướng tới tương lai” có thể được duy trì và tăng cường.

Tuy nhiên, Bosco cũng đề cập trong một bài báo đăng trên trang web The Hill rằng, mặc dù Joe Biden không tuân theo tiền lệ của ông Trump nhận lời chúc mừng qua điện thoại của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sau khi ông đắc cử tổng thống - cách làm đã gây bất bình ở Bắc Kinh, nhưng ông Biden “đã tạo ra tiền lệ của mình bằng cách mời bà Tiêu Mỹ Cầm, người thực tế là đại sứ Đài Loan tại Mỹ, đến dự lễ nhậm chức của mình với tư cách khách mời”. Cách làm này, đúng như dự đoán, cũng đã gây ra sự bất bình của Bắc Kinh.