Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews), Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 17/3 ra thông báo cho biết Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính mới đối với 24 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông - những người tháng 12 năm ngoái đã bị áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại.
14 quan chức Trung Quốc là các ông, bà Vương Thần (Wang Chen), Tào Kiến Minh (Cao Jianming), Trương Xuân Hiền (Zhang Chunxian), Thẩm Duyệt Duyệt (Shen Yueyue), Cát Bính Hiên (Ji Bingxuan), Ngải Nhĩ Canh (Aligen Yiming Bahai), Vạn Ngạc Tương (Wan Exiang), Trần Trúc (Chen Zhu), Vương Đông Minh (Wang Dongming), Bạch Mã Xích Lâm (Bai Ma Chilin), Đinh Trọng Lễ (Ding Zhongli), Hách Minh Kim (Hao Mingjin), Thái Đạt Phong (Cai Dafeng) và Vũ Duy Hoa (Wu Weihua).
Tất cả 14 người nói trên đều là Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, đều là cấp phó nhà nước Trung Quốc, là cán bộ lãnh đạo cấp cao thứ hai trong hệ thống công vụ Trung Quốc.
Trong tuyên bố trừng phạt mới của Bộ Ngoại giao Mỹ còn có 10 người khác là Giám đốc điều hành Đặc khu Hồng Kông Carie Lam, quan chức cấp cao Hồng Kông và Trung Quốc ở Hồng Kông. Ngoại trưởng Antony Blinken đã đăng tải tuyên bố trừng phạt này trên tài khoản Twitter ngày 17/3. Ông viết, những quan chức Trung Quốc này đã "làm suy yếu mức độ tự trị cao của Hồng Kông".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken viết tweet thông báo trừng phạt 24 quan chức Mỹ và Hồng Kông (Ảnh chụp qua màn hình). |
Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump nắm quyền đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 14 quan chức Trung Quốc này vào ngày 7/12/2020, với cáo buộc rằng họ có liên quan đến việc bãi bỏ tư cách của bốn nhà lập pháp phe dân chủ Hồng Kông.
Vào ngày 11/3/2021, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua quyết định hoàn thiện chế độ bầu cử của Hồng Kông, tiến hành cải cách sâu rộng hệ thống bầu cử Hồng Kông, bao gồm thay đổi số lượng ủy ban bầu cử và tăng số ghế trong Hội đồng Lập pháp. Động thái này một lần nữa gây ra sự bất bình từ Mỹ và các nước phương Tây khác.
Điều đáng nói, thời điểm công bố lệnh trừng phạt mới của Mỹ là khá nhạy cảm, trùng với thời điểm sắp diễn ra cuộc gặp gỡ quan chức cấp cao Trung-Mỹ. Theo kế hoạch, các ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương và Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, sẽ cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan gặp gỡ và tiến hành đối thoại chiến lược cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ tại thành phố Anchorage, bang Alaska từ ngày 18 đến ngày 19/3..
Nhà Trắng đã nhiều lần tuyên bố trong cuộc đối thoại này sẽ có một số khó khăn. Mỹ dự kiến sẽ gây áp lực với Trung Quốc về các vấn đề như Hồng Kông và Tân Cương.
Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ - Nhật tham gia cuộc hội nghị "2+2" tại Tokyo hôm 16/3 (Ảnh: AP). |
Ông Antony Blinken hiện đang đến thăm châu Á vào thời điểm này. Ông cũng đề cập đến vấn đề Hong Kong trong chuyến thăm Nhật Bản cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 16/3. Vào ngày hôm đó, các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp “2+2”. Tuyên bố chung của cuộc họp đã chỉ trích đích danh Trung Quốc. Tuyên bố cũng cho biết giới chức hai nước cũng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương.
Liên quan đến sự kiện Mỹ trừng phạt tài chính các quan chức cấp cao Trung Quốc, theo VOA, Ngoại trưởng Antony Blinken, người đang thăm Đông Á, vào tối Thứ Ba (16/03/2021) giờ Miền Đông nước Mỹ đã đưa ra một tuyên bố, nêu rõ rằng theo Đạo luật Tự trị Hồng Kông, Ngoại trưởng phải thường xuyên cập nhật cho Quốc hội về những những người không thực hiện Tuyên bố chung Trung-Anh hoặc Luật Cơ bản Hồng Kông. 24 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông được liệt kê trong bản cập nhật hôm nay bao gồm 14 Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, các quan chức từ Văn phòng An ninh Quốc gia của Sở Cảnh sát Hồng Kông, Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc và Văn phòng Giữ gìn An ninh Quốc gia tại Hồng Kông. Tuyên bố cho biết bất kỳ tổ chức tài chính nước ngoài nào cố tình thực hiện các giao dịch số tiền đáng kể với những người này đều sẽ bị trừng phạt.
Bắc Kinh đã cưỡng chế thi hành Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông vào ngày 30/6/2020. Sau đó, hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ đã nhanh chóng hoàn tất trình tự lập pháp của Đạo luật Tự trị Hồng Kông (Hong Kong Autonomy Act) chỉ trong vài tuần và đã được Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump ký ban hành.
Ông Vương Thần, Ủy viên Bộ Chính trị , Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc (giữa) người đứng đầu danh sách các quan chức bị Mỹ trừng phạt (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Vào tháng 12 năm ngoái, chính quyền Donald Trump cũng công bố lệnh trừng phạt đầu tiên đối với 14 phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân toàn quốc Trung Quốc vì vi phạm quyền tự trị và tự do của Hồng Kông, cấm họ và các thành viên trong gia đình nhập cảnh vào Mỹ, đóng băng tài sản của họ và cấm bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào của Mỹ giao dịch với họ.
Việc Quốc hội Trung Quốc gần đây tiến hành sửa đổi Luật Bầu cử Hồng Kông đã bị chính quyền Joe Biden lên án, ngoại trưởng Tập đoàn các nước G7 cũng ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về động thái này của Bắc Kinh.
Bắc Kinh đã bác bỏ những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, cho rằng Hong Kong hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc và nước ngoài không có quyền can thiệp.
Trước cuộc gặp gỡ sắp tới với các quan chức cấp cao của Trung Quốc tại Alaska vào thứ Năm 18/3, Ngoại trưởng Antony Blinken đột ngột tuyên bố mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông trong khi đang tiền hành chuyến thăm của ông tới Tokyo, cho thấy Mỹ và các đồng minh trong khu vực đã đạt được nhiều đồng thuận hơn trong việc chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc, tăng cường thêm niềm tin của chính quyền Joe Biden khi đối mặt Trung Quốc với một lập trường cứng rắn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Cát Bính Hiên (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Phía Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng mạnh mẽ quyết định của Mỹ. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc diễn ra vào chiều 17/3, phóng viên của Bloomberg đã đặt câu hỏi: “Mỹ sẽ áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với một số thực thể và cá nhân của Trung Quốc. Trung Quốc đưa ra bình luận gì?”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói: “Việc Hoa Kỳ trừng phạt nhân viên Trung Quốc theo cái gọi là Luật Tự trị Hồng Kông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, hoàn toàn phơi bày ý đồ nham hiểm của Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, làm loạn Hồng Kông và cản trở sự ổn định, phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này và lên án mạnh mẽ, đã thực hiện các biện pháp giáng trả cần thiết”.
Ông Triệu Lập Kiên nói, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, thực hiện các quyền hạn và trách nhiệm do Hiến pháp và Luật cơ bản trao cho để đưa ra các quyết định về cải thiện chế độ bầu cử của Đặc khu hành chính Hong Kong. Đây là một động thái lớn của Trung Quốc nhằm duy trì và cải thiện hệ thống một quốc gia, hai chế độ và duy trì sự ổn định lâu dài của Hồng Kông. Nó sẽ cung cấp một đảm bảo thể chế vững chắc hơn cho các nhà yêu nước đang cầm quyền ở Hồng Kông.
Cuộc gặp gỡ quan chức cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska ngày 18/3 chưa diễn ra nhưng đã báo hiệu kết quả không mấy lạc quan (Ảnh: Đông Phương). |
Triệu Lập Kiên nói: “Hồng Kông là của Trung Quốc và các vấn đề của Hồng Kông hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc. Không nước ngoài nào có quyền can thiệp vào quyết tâm của chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc phản đối sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề của Hồng Kông, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và phát triển và kiên quyết thực hiện chính sách một quốc gia, hai hệ thống. Mỹ nên sửa chữa những sai lầm của mình và ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông và công việc nội bộ của Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào. Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp hữu hiệu khi thích hợp để kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của đất nước, đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty và nhân viên Trung Quốc”.
Về cuộc gặp gỡ sắp tới, theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 17/3, các quan chức Washington tuyên bố rằng các ông Blinken và Sullivan sẽ có lập trường cứng rắn tại cuộc họp này và nêu ra một số vấn đề nhạy cảm, bao gồm việc Trung Quốc đàn áp ở Hồng Kông, nghi ngờ tiến hành "diệt chủng" ở Tân Cương, cưỡng ép kinh tế các đồng minh của Mỹ, tấn công mạng nhằm vào Mỹ, v.v. Một trong những mục tiêu của cuộc hội đàm là xóa tan suy nghĩ của một số người ở Bắc Kinh cho rằng thái độ của chính quyền Joe Biden đối với Trung Quốc trong các tình huống riêng tư sẽ yếu hơn ở nơi công cộng. Chính quyền Joe Biden cũng hy vọng sẽ phối hợp với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc và tăng cường sức mạnh của chính mình trước cuộc hội đàm cấp cao với Trung Quốc.
Dưới thời chính quyền Joe Biden, quan hệ Mỹ - Trung vẫn chưa được cải thiện so với thời Donald Trump (Ảnh: Dwnews). |
Chính quyền Biden cho rằng cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được tổ chức tại Mỹ rất quan trọng; việc Blinken và Sullivan cùng có mặt để đưa ra thông điệp rằng "các thủ đoạn chia rẽ hoặc cố gắng chia rẽ chúng ta trước đây của Trung Quốc sẽ không còn dễ dàng nữa". Sau khi cựu Tổng thống Mỹ Trump từ chức, Bắc Kinh đã thay đổi giọng điệu trong quan hệ Trung-Mỹ, nhưng những gì Mỹ tìm kiếm là sự thay đổi trong hành vi của Trung Quốc, chứ không phải giọng nói.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki hôm thứ Ba (16/3) nói với các phóng viên rằng một số cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ khó khăn, nhưng Tổng thống Biden sẽ không né tránh các vấn đề như nhân quyền, kinh tế và công nghệ. Bà cũng nói cuộc gặp này không có nghĩa là hai nước nên thiết lập các mối quan hệ thường xuyên. Nhà Trắng chỉ coi cuộc gặp này là một lần, hơn là sự khởi đầu của một tiến trình ngoại giao và dự kiến sẽ không ra được thông cáo chung.
Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 17/3 rằng cuộc đối thoại này là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Trung Quốc và Mỹ kể từ khi chính quyền Biden nhậm chức. Trung Quốc đồng ý với đề xuất của Mỹ và được mời đến cuộc hẹn để thể hiện thành ý của mình. Ông hy vọng Mỹ có thể tập trung vào hợp tác, quản lý sự bất đồng, thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ phát triển lành mạnh và ổn định.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu