"Vấn đề đường dây nóng có thể sẽ được đưa ra trong tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tuần sau", Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên cho biếthôm nay.
Theo người này, các lãnh đạo ASEAN hy vọng đường dây nóng sẽ giúp làm dịu căng thẳng do bất đồng trong các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.
Cuộc họp thường niên của các ngoại trưởng ASEAN diễn ra vào ngày 4/8 tại Malaysia, với sự tham gia của các ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, các nước đối tác của hiệp hội. Các quan chức nội khối họp phiên chuẩn bị vào ngày mai.
Đường dây nóng này là cơ chế đầu tiên liên quan đến Trung Quốc, trong khi Philippines và Việt Nam đã có đường dây nóng của hải quân từ năm ngoái để theo dõi tranh chấp ở Biển Đông.
Một quan chức Philippines cho hay nước này hoan nghênh cơ chế mới để tránh xảy ra những sự vụ và sự tính toán sai lầm. Đường dây nóng là một biện pháp giúp các bên xây dựng lòng tin, giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định, giảm căng thẳng trong khu vực. Bên cạnh đó, việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên DOC, ký năm 2002, cũng rất quan trọng. Tuyên bố này yêu cầu các bên liên quan thực hiện kiềm chế các hoạt động có thể làm leo thang căng thẳng.
Trung Quốc có tranh chấp với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei ở Biển Đông. Bắc Kinh gần đây tuyên bố cải tạo xong các đá ở Trường Sa và công bố danh sách nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng. Các đá này đều thuộc chủ quyền của Việt Nam và bị Trung Quốc chiếm trái phép. Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với một số đá nói trên.
Thẩm phán cấp cao Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio hôm 29/7 cho biếtTrung Quốc đang hút bùn tại 10 bãi đá khác để bồi đắp lên 7 bãi đá mà họ đang chiếm đóng.
Sau khi Mỹ và nhiều nước lên tiếng phản đối Trung Quốc thực hiện các hoạt động làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng,Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua lại đổ lỗi Mỹ "quân sự hóa" Biển Đông bằng cách tổ chức các cuộc tuần tra và tập trận chung với đồng minh.Nước này cũng chỉ trích rằng Mỹ đang thổi phồng "mối đe dọa Trung Quốc" và nỗ lực gây bất hòa giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng.
Khánh Lynh theo VnExpress