Trung Quốc nói đạt bước tiến về COC, không quên tố Mỹ là “kẻ gây rối lớn nhất” trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã nhất trí về một phần của Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên Biển Đông, trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc tố Mỹ là “kẻ gây rối” trong khu vực.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp trực tuyến hôm 3/8 (Ảnh: Handout)
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp trực tuyến hôm 3/8 (Ảnh: Handout)

Trong cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp đến từ ASEAN hôm 3/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo về “sự can thiệp từ bên ngoài” vào vấn đề Biển Đông, ám chỉ Mỹ.

Các vòng đàm phán được nối lại về COC “đã một lần nữa cho thấy rằng, miễn là có sự quyết tâ chính trị chung tiến về phía trước và các vòng tham vấn được duy trì, không có sự khó khăn nào có thể cản đường chúng ta, dù là đại dịch hay sự can thiệp từ bên ngoài”, ông Vương Nghị nói, theo thông cáo mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra.

Ngoại trưởng Vương Nghị nói Bắc Kinh sẽ không bao giờ đưa ra thêm các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ không đưa thêm hành động đơn phương khiến tranh chấp ở Biển Đông tăng nhiệt.

“Cùng lúc, chúng ta cần phải cảnh giác trức việc các nước ngoài khu vực đang công khai can thiệp vào các tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ trong khu vực, gây ra sự bất đồng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, cử số lượng lớn tàu và máy bay hiện đại tới để khuấy động, và trở thành kẻ gây tổn hại lớn nhất đối với hòa bình và sự ổn định trên Biển Đông” – ông Vương Nghị nói – “Biển Đông không và không nên trở thành một đấu trường trong trò chơi của các thế lực lớn, và chúng ta không thể cho phép họ làm xấu đi tình hình hòa bình và sự ổn định trên Biển Đông”.

Ông Vương nói rằng, với tư cách những nước láng giềng sát bên, Trung Quốc cam kết sát cánh cùng các nước ASEAN trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và sẽ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Tính đến nay, Trung Quốc đã cung cấp hơn 190 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 choác nước trong khu vực.

Khu vực Nam Á hiện đã trở thành một đấu trường cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, trong khi cả hai bên đều tăng cường sự cam kết của họ với các nước trong khu vực.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã trở thành vị Bộ trưởng Nội các đầu tiên trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm khu vực này. Cuối tháng này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến trở thành quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Biden tới thăm châu Á, với 2 chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Singapore và Việt Nam. Bà cũng sẽ trở thành vị Phó Tổng thống Mỹ duy nhất tới thăm Việt Nam.

Văn phòng của bà Harris cho hay chuyến công du của bà sẽ “nhấn thêm vào thông điệp của chính quyền Biden-Harris với thế giới: Nước Mỹ đã trở lại”. Chuyến thăm này nhằm mục tiêu thu hút sự ủng hộ của quốc tế nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng toàn cầu đang tăng dần của Trung Quốc.

“Chúng tôi không muốn thấy bất cứ quốc gia nào thống trị khu vực đó, hoặc lợi dụng tình hình để dàn xếp về chủ quyền của các nước khác” – một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói – “Phó Tổng thống sẽ nhấn mạnh rằng, cần phải có tuyens đường thương mại tự do, thông qua Biển Đông, và không một quốc gia nào được thiếu tôn trọng quyền của các nước khác”.

Hôm 3/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố khởi động “đối thoại chiến lược” với Indonesia trong cuộc họp tại Washington với Retno Marsudi, Ngoại trưởng Indonesia. Hai nước cũng cam kết hợp tác trong cuộc chiến chống COVID-19, tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế, bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông.

Ông Blinken dự kiến tham gia 5 cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với các đối tác ASEAN trong tuần này, và ông được dự đoán là sẽ nêu quan ngại về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc trên Biển Đông; theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bắc Kinh hiện đang thúc đẩy nhanh tiến trình COC. Khung làm việc của COC đã được nhất trí từ năm 2017, mặc dù quyết định giữ bí mật về văn bản này bị chỉ trích là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tránh Mỹ can thiệp vào.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc và ASEAN đã hoàn thành việc đọc văn bản đàm phán dự thảo về COC trong tháng 7/2019, từng được Bắc Kinh gọi là “bước tiến lớn”. Nhưng kể từ đó đến nay, các vòng đàm phán COC không đạt được bước tiến nào đáng kể - chủ yếu là do COVID-19, khiến các vòng họp trực diện trở nên khó khăn hơn.