Theo tờ Super Media của Hồng Kông, trong thời gian tới, không loại trừ khả năng một bên nào đó mất kiểm soát, để xảy ra chiến tranh ở cường độ thấp. Cục diện Biển Đông leo thang khẩn cấp, Trung - Mỹ đang ở bờ vực chiến tranh, hai bên đang đấu trí ở những lĩnh vực nào?
Mới đây, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, giáo sư Đại học Havard, cha đẻ của khái niệm “sức mạnh mềm” Joseph Samuel Nye, Jr đã có bài phát biểu ở Học viện Occidental và chỉ ra rằng, vấn đề Biển Đông thể hiện cuộc đối đầu trong sức mạnh mềm giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong vấn đề Biển Đông, lập trường của hai bên hoàn toàn trái ngược, dư địa thương lượng rất nhỏ. Nếu như vậy, có thể sẽ xuất hiện mấy khả năng sau: Thứ nhất, các bên rút lại yêu cầu của mình, Trung Quốc từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, dừng bồi lấp đảo nhân tạo, chấm dứt các hoạt động triển khai vũ khí quân sự trên Biển Đông. Thứ hai, các bên thỏa hiệp, dựa vào sự tăng trưởng của năng lực quốc phòng, Trung Quốc giành được nhiều phần hơn so với trước đây; Đồng thời các bên chấm dứt hoạt động lấn chiếm trái phép trên Biển Đông. Khả năng thứ ba là các bên mất kiểm soát dẫn đến bùng nổ chiến tranh ở cường độ thấp.
Nếu nhìn một cách tổng quát cục diện biển Đông, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc tại hai chiến trường hữu hình đã thể hiện sự đối đầu về sức mạnh quốc gia. Đối với những tranh chấp trên Biển Đông, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã từng đưa ra phương châm “gác lại bất đồng, hợp tác phát triển”, đây là ứng dụng cụ thể của chiến lược ngoại giao giấu mình chờ thời trong vấn đề Biển Đông. Một mặt, ông Đặng Tiểu Bình muốn tạo cho Trung Quốc có một môi trường xung quanh ổn định trong công cuộc cải các mở cửa, mặt khác lúc đó sức mạnh quốc gia của Trung Quốc không đủ mạnh để vươn ra Biển Đông cách đó hàng nghìn kilomet.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, mọi chuyện đã thay đổi. Theo lời của bà Susan Shirk – trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Quốc dưới thời tổng thống Clinton, Trung Quốc đặt cái gọi là “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” lên trên cả mối quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực, nâng cao tầm quan trọng của yêu sách chủ quyền trong khu vực, vượt trên cả nhu cầu cơ bản của an ninh quốc gia, có thể Trung Quốc muốn "hất cẳng" Mỹ ra khỏi Biển Đông.
Căng thẳng trên biển Đông kéo dài có thể dẫn đến cuộc chiến tranh ở cường độ thấp giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chiến lược lớn “trở lại châu Á” của chính quyền tổng thống Obama coi Biển Đông là một điểm tựa quan trọng. Giả dụ Trung Quốc hất cẳng Mỹ ra khỏi Biển Đông, chiến lược lớn của hai bên sẽ chạm trán nhau. Điểm này được thể hiện rõ nét trong cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo hai bên. Tháng 9/2015, cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Mỹ Obama và nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Nhà Trắng thực tế là buổi "giương kiếm" ngầm của hai nguyên thủ hai nước.
Ông Obama mong muốn Trung Quốc thực hiện được “ba không” ở Biển Đông: Không lấp biển xây đảo, không quân sự hóa, không dồn ép nước khác. Và theo bản tin của tờ Thời báo New York thời điểm ấy, ông Tập Cận Bình đã từ chối lời đề nghị của tổng thống Obama, nhưng vẫn đưa ra lời cam kết Trung Quốc sẽ không sử dụng bất kỳ tấc đất nào ở Biển Đông vào mục đích quân sự. Sau cuộc gặp gỡ song phương này, ông Obama đã đưa ra quyết sách cử tàu chiến sang Biển Đông, tàu khu trục Lasen đã tiến vào vùng biển này.
Sự đối lập căn bản trong chiến lược Mỹ - Trung
Ngày 31/3 vừa qua, tổng thống Obama đã nhân cơ hội diễn ra cuội Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân để tổ chức cuộc hội ngộ song phương. Theo thông tin từ cuộc họp báo từ phía Trung Quốc sau cuộc gặp gỡ, lập trường của ông Tập Cận về vấn đề biển Đông không hề có sự nhượng bộ. Mỗi lần nhà lãnh đạo hai bên gặp gỡ, cấp độ xung đột lại gia tăng một bậc. Điều này cho thấy sự đối lập giữa hai bên là hết sức gay gắt, nguyên thủ hai nước hoàn toàn không có tiếng nói chung.
Sở dĩ Trung Quốc thay đổi ý đồ chiến lược trong vấn đề biển Đông là do Bắc Kinh tưởng rằng họ đã có đủ sức mạnh cứng, có thể đối đầu ngang sức ngang tài với Mỹ tại vùng biển trọng yếu này.
Sức mạnh cứng của Trung Quốc liệu đã vượt Mỹ? Giáo sư Joseph Samuel Nye, Jr đã phủ định điều này. Nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại sẽ trở thành điều diễn ra thường xuyên, trong vài thập kỷ tới, GDP khó có thể thách thức nước Mỹ. Theo sự suy đoán logic của giáo sư Joseph Samuel Nye, Jr, trong cuộc đối đầu về chiến lược Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ, Bắc Kinh không thể chiếm ưu thế.
Chiến trường quân sự là chiến trường xây dựng các thiết bị quân sự. Lập trường của Washington là: Khi biển Đông bị quân sự hóa, hoạt động tự do hàng hải sẽ bị đe dọa. Bắc Kinh thì nhiều lần tuyên bố, sẽ không có con tàu nào trên Biển Đông bị đe dọa trong hoạt động tự do hàng hải. Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy, có thể Trung Quốc bố trí radar cao tần ở đá Châu Viên.
Ngày 23/3, tờ The National Interest của Mỹ đưa tin, có thể Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống tàu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và loại tên lửa rất có thể là hệ thống tên lửa YJ-62. Trong tương lai, có thể Trung Quốc sẽ bố trí tên lửa đạn đạo tầm xa và tên lửa hành trình hiện đại hơn, tất cả những điều này đều là để tăng cường thế mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tự do hàng hải trên Biển Đông bị đe dọa
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị biện bạch rằng việc Trung Quốc bố trí một số thiết bị quân sự hữu hạn nhằm mục đích tự vệ phù hợp với quốc sách và luật quốc tế, những bản tin liên quan đến đảo Phú Lâm là hoàn toàn do các cơ quan truyền thông cố tình thổi phồng mọi chuyện. Đồng thời Vương Nghị cũng chỉ trích các quốc gia khác trên Biển Đông cũng đang bố trí các thiết bị quân sự ở các hòn đảo thuộc vùng biển này rằng: “Ít nhất Trung Quốc muộn hơn họ 20 năm, thậm chí là 30 năm”. Vương Nghị còn nói, sau khi nhu cầu đã được đáp ứng, hoạt động lấp biển xây đảo của Trung Quốc đã dừng lại, tuy nhiên các quốc gia khác vẫn đang tiếp tục triển khai công việc này.
Tuy nhiên phía Mỹ lại không đồng tình với những lời phát ngôn của Vương Nghị, Tư lệnh hạm đội Tây Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris đã thẳng thắn chỉ trích rằng: “Theo tôi, rõ ràng là Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông”. Một chuyên gia trong lĩnh vực chính sách ngoại và an ninh của Trung tâm Stimson Center trả lời phỏng vấn hãng BBC rằng: “Trung Quốc đang trò chơi con chữ với cụm từ quân sự hóa”.
Ông Donald Emmerson – phụ trách diễn đàn Đông Nam Á của Đại học Stanford nói: “Những hành động này của Trung Quốc cộng với sự sự đối sánh về lực lượng quân sự giữa quân đội Trung Quốc và các bên đã khiến Trung Quốc chiếm ưu thế mạnh hơn so với các bên ở khu vực này. Mặc dù giáo sư Robert Sutter – chuyên gia các vấn đề quốc tế của Trường đại học Washington cho rằng Mỹ cần bình tĩnh trước cái gọi là quân sự hóa của Trung Quốc bởi sự tăng trưởng của sức mạnh quốc gia vốn sẽ dẫn đến việc Trung Quốc muốn gia tăng độ ảnh hưởng trên trường quốc tế ở các lĩnh vực khác nhau theo các phương thức khác nhau. Tuy nhiên, ông Robert Sutter cũng chỉ ra rằng, đối với vấn đề Biển Đông, điều quan trọng nhất là có thể Trung Quốc thay đổi trật tự khu vực, đây là điều cần đặc biệt lưu ý.
Phán quyết của tòa án quốc tế có thể bất lợi cho Trung Quốc
Giống như giáo sư Joseph Samuel Nye đã nói, ngoài việc đối chọi về sức mạnh cứng, hai bên Mỹ - Trung Quốc còn đối chọi trong sức mạnh mềm. Trên chiến trường pháp luật, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc phải đối mặt với hai khó khăn. Giáo sư Joseph Samuel Nye, Jr chỉ ra rằng, bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc hết sức mơ hồ. Mặc dù Mỹ giữ lập trường trung lập trong vấn đề chủ quyền Biển Đông, nhưng cũng không đồng tình với việc có thể đưa ra quyền lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý và thềm lục địa vùng đặc quyền kinh tế thuộc phạm vi 200 hải lý.
Ngày 22/1/2013, Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài Công ước luật biển Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông, đưa ra 15 nội dung tố tụng, tâm điểm của các nội dung này là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Luật biển Liên hợp quốc; Hai là khu vực mà Trung Quốc chiếm lĩnh là bãi đá hoặc bãi cạn lúc chìm lúc nổi chứ không phải đảo, do đó không có vùng đặc quyền kinh tế.
Dự đoán tòa án quốc tế sẽ đưa ra phán quyết vào tháng 5 hoặc tháng tới, kết quả có thể sẽ rất bất lợi cho Trung Quốc. Rất nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng, các khu vực mà Trung Quốc chiếm lĩnh chỉ là bãi đá hoặc bãi cạn lúc chìm lúc nổi, do đó không có vùng đặc quyền kinh tế, cùng lắm chỉ có quyền lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý. Như vậy, các hòn đảo trên Biển Đông sẽ biến thành cô đảo, kể cả chủ quyền của tất cả các hòn đảo trên Biển Đông đều thuộc về Trung Quốc thì phạm vi lợi ích của Bắc Kinh cũng sẽ thu hẹp rõ rệt. Chính vì vậy, Mỹ đã tranh thủ thời cơ gây sức ép cho Trung Quốc.
Tháng 2/2016, bà Amy Searight – Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam Á và Đông Nam Á cho biết, Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho rằng, nếu Trung Quốc không chấp nhận kết quả phán quyết của toàn án quốc tế thì chắc chắn Bắc Kinh sẽ phải trả giá.
Do các nguyên nhân lịch sử và khách quan, chính phủ Trung Quốc luôn cố gắng duy trì tính chất mơ hồ của vấn đề của cái goi là "đường chín đoạn". Đứng trên góc độ của chính phủ Trung Quốc, "đường chín đoạn" dùng để khoanh vùng cho biên giới biển đảo của Trung Quốc, là di sản do tiền nhân để lại, nếu để rơi vào tay ai thì bị nguyền rủa là Lý Hồng Chương đương đại. Sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình giương cao khẩu hiệu “giấc mơ Trung Quốc”, đề cao chủ nghĩa dân tộc nên càng không chịu nhượng bộ.
Trong vụ kiện Biển Đông, lập trường của Trung Quốc hết sức phi lý là, địa vị pháp luật của "đường chín đoạn" đã được các nước công nhận từ trước Công ước Luật Biển Liên hợp quốc. Theo nguyên tắc pháp lý bất hồi tố (không áp dụng đối với những hành vi đã xảy ra trước khi có văn bản pháp luật mới), Công ước Luật Biển mới không có quyền thay đổi đối với thực tế đã được xác định từ trước. Do đó chính phủ Trung Quốc áp dụng lập trường không tham gia vào vụ kiện, không thừa nhận kết quả, kể cả phải để mất danh dự và chịu sự thiệt hại vô hình về mặt pháp lý.
Giáo sư Joseph Samuel Nye, cho biết ngoại giao vừa thể hiện sức mạnh cứng của một quốc gia, đồng thời cũng là một hình thức ứng dụng của sức mạnh mềm. Theo quan điểm của giáo sư Joseph Samuel Nye, nói chính xác hơn là thể hiện sự khéo léo, nhanh nhạy. Giáo sư Stephen Haggard của trường Đại học California – San Diego cho rằng, trước sức ép từ phía Trung Quốc, vấn đề Biển Đông đã khiến các đồng minh truyền thống của Mỹ như Úc, Nhật Bản tăng cường mối liên hệ với Mỹ, ngoài ra còn khiến một số nước không phải là đồng minh như Việt Nam, Ấn Độ bắt đầu có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ.
Do đó, “không chỉ là Mỹ trở lại châu Á, mà một số quốc gia châu Á cũng quay trở lại với Mỹ”. Cũng đúng như vậy, giáo sư Joseph Samuel Nye, Jr cho biết, vì vấn đề Biển Đông mà dẫn đến sự bất đồng về chính trị và căng thẳng giữa các nước láng giềng, đây chính là biểu hiện cho thấy sức mạnh mềm của Trung Quốc còn rất yếu.
Đ.Q