Trung Quốc liên tiếp nếm ba trái đắng chỉ trong một tháng

VietTimes -- Tháng 7/2016 có vẻ là tháng tồi tệ nhất đối với Trung Quốc. Trung Quốc đang đối mặt với liền một lúc ba vấn đề. Đau đớn nhất là việc tòa Trọng tài thường trực The Hague ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông, National Interest đánh giá.
Không một cấu trúc địa lý nào do Trung Quốc chiếm giữ, xây dựng trái phép ở Biển Đông được Tòa Trọng tài quốc tế công nhận là đảo
Không một cấu trúc địa lý nào do Trung Quốc chiếm giữ, xây dựng trái phép ở Biển Đông được Tòa Trọng tài quốc tế công nhận là đảo

Cú đánh tiếp theo là Hàn Quốc đồng ý việc triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một hệ thống chống tên lửa đạn đạo với sự việc triển khai radar tối tân nhằm làm suy yếu khả năng tên lửa tấn công của Trung Quốc. Vấn đề cuối cùng và chắc chắn là vết thương đau đớn nhất trong lịch sử, chính là cuộc bầu cử quốc gia tại Nhật Bản tiếp tục trao cơ hội Thủ tướng Shinzo Abe của Đảng Dân chủ tự do và phe của ông chiếm đại đa số trong quốc hội, mở ra cánh cửa cho Nhật Bản tăng cường khả năng quân sự.

Theo National Interest, các sự kiện diễn ra vào tháng 7 đã đe dọa tới danh tiếng và tính hợp pháp của giới lãnh đạo Trung Quốc, và cùng với tình hình kinh tế trong nước đã phá hoại cơ sở sức mạnh, các mất mát chiến lược trở thành viên thuốc đắng khó nuốt với nước này. Nhưng bất chấp sự lãnh đạo của Trung Quốc như thể họ là người thắng cuộc trong nền chính trị toàn cầu, cả trên thực tế lẫn trong tư tưởng, Trung Quốc phải nhận ra rằng không phải chỉ những sự kiện này mới quyết định đến danh tiếng của Trung Quốc trên trường quốc tế. Thay vào đó là những gì diễn ra tiếp theo – cách thức mà Trung Quốc chọn khi xem xét các hệ quả này và làm sao để bảo vệ được danh tiếng nếu Trung Quốc có kế hoạch tiến về phía trước.

Lăng kính thứ nhất: Các hệ quả gần đây là kết quả của cách hành xử của Trung Quốc

Câu chuyện đầu tiên là Trung Quốc sẽ coi cách hành xử gần đây là lời lí giải dẫn đến một loạt những phản ứng không thuận trong khu vực. Đầu tiên, họ sẽ thấy chính hành động hung hăng của mình ở Biển Đông đã kích động các nước láng giềng chống lại Trung Quốc, cả về quân sự lẫn về mặt pháp lí. Từ “đường chín đoạn”, xây dựng các đảo nhân tạo, ngăn chặn ngư dân Philippines đánh bắt và gây hại nghiêm trọng đến môi trường sẽ được coi là những hành vi dồn các nước láng giếng yếu hơn vào bước đường cùng.

Dẫn chứng là nỗ lực đàm phán kéo dài nhiều năm trời của Philippines, chính Trung Quốc đã đẩy Philippines tìm đến tòa The Hague. Hơn nữa, chính sách “ngoại giao nắm đấm” đã đẩy các nước châu Á (bao gồm cả đồng minh truyền thống của Mỹ và những nước không phải đồng minh) đều ngả về Mỹ. Kinh nghiệm sẽ là bài học cho Bắc Kinh – rằng việc dàn xếp không thể đạt được chỉ bằng vũ lực mà cần phải vận dụng sức mạnh thông minh.

Việc triển khai THAAD ở bán đảo Triều Tiên sẽ được coi là sự lựa chọn không thể tránh khỏi với Seoul để bảo vệ công dân của mình khi Trung Quốc đã bất lực và không thể cứng rắn với Triều Tiên, cho dù những lệnh cấm vận hiện tại đã hạn chế khả năng của Bình Nhưỡng. Hàn Quốc hứng thú với THAAD từ năm 2013, và Trung Quốc đã có 3 năm để làm Hàn Quốc yên tâm hơn trước những hành động khiêu khích từ Triều Tiên.

Bất chấp Trung Quốc phản đối, Mỹ và Hàn Quốc vẫn quyết định triển khai hệ thống THAAD
Bất chấp Trung Quốc phản đối, Mỹ và Hàn Quốc vẫn quyết định triển khai hệ thống THAAD

Thay vào đó, Trung Quốc lại tiếp tục theo đuổi mối quan hệ tay đôi của mình, gần đây được đánh dấu bởi việc đại sứ cao cấp Bắc Hàn và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ri Su-yong có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình. Cuộc gặp này diễn ra ngay sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo và gửi đi một thông điệp công khai rằng nước này sẽ không dừng việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Sự thật đối với Trung Quốc cũng rõ ràng như lời cam kết phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên: nếu đã ủng hộ Bình Nhưỡng thì không thể đồng thời có quan hệ tốt với Seoul được.

Trung Quốc không thể bị coi là nguyên nhân cho chiến thắng ngoạn mục của Đảng Dân chủ tự do trong cuộc bầu cử tại Nhật Bản. Phần lớn chiến thắng này là do sự mất niềm tin vào Đảng Dân chủ Nhật Bản và sự thất bại của họ trong cuộc động đất năm 2011 và thảm họa hạt nhân Fukushima. Nhưng sự phản đối mạnh mẽ của dư luận Nhật Bản đối với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và hoạt động hải quân gần đây của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp chắc chắn đã làm tăng thêm tính chính đáng cho quan điểm của Thủ tướng Abe về việc quân đội Nhật Bản cần phải thay đổi.

Vì Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì lập trường chống lại Nhật Bản trong khu vực, điều khiến cho người dân Nhật Bản chỉ dành 9% thiện cảm cho Trung Quốc, và việc đẩy mạnh quân sự hóa ở Nhật và tư duy an ninh ngày càng lớn mạnh sẽ chẳng phải là điều gì bất ngờ. Vậy bài học ở đây là gì? Sử dụng vũ lực sẽ được đáp trả bằng vũ lực mạnh hơn.

Lăng kính thứ hai: Những hệ quả gần đây đều xuất phát từ Mỹ

Lăng kính này sẽ xem xét những phiền lụy của Bắc Kinh như thể chúng xuất phát từ việc Mỹ can thiệp vào khu vực, là hệ quả của chiến lược tái cân bằng lớn hơn nhằm kìm hãm sự tăng trưởng của Trung Quốc và duy trì vị thế thống trị của Mỹ trong khu vực và trên toàn cầu.

Trung Quốc luôn cáo buộc Mỹ hành xử vô trách nhiệm và làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông đến mức nguy hiểm. Bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và những tuyên bố rộng lớn có nguồn gốc lịch sử của nước này đối với khu vực, Mỹ đã liên tiếp tiến hành những cuộc tập trận hải quân và không quân trên vũng lãnh thổ mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền.

Bắc Kinh biện bạch rằng như một phản ứng tự nhiên để bảo vệ người dân và chống lại những kích động từ bên ngoài, Trung Quốc đã xây dựng những đảo nhân tạo trong khu vực của Trung Quốc cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự. Trong nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng lên các nước láng giềng của Trung Quốc, những nước cũng lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ bị cáo buộc kích động các nhân tố này và khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang cũng như hướng dẫn Philippines khởi kiện chống lại Trung Quốc ở tòa The Hague. Mỹ còn bị chỉ trích là một quốc gia không phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển đã thao túng quá trình xử kiện. Do đó Trung Quốc không thể và không được phép công nhận phán quyết của tòa án.

Người dân Philippines ăn mừng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông
Người dân Philippines ăn mừng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông

Việc triển khai THAAD ở bán đảo Triều Tiên được Mỹ giới thiệu là một hệ thống phòng thủ tên lửa chống lại mối đe dọa Triều Tiên. Nhưng cùng với chiến lược Tái cân bằng và mối quan ngại ngày càng tăng của Mỹ đối với Trung Quốc, hệ thống này cho phép radar thâm nhập rộng hơn nhằm ức chế khả năng tấn công tên lửa của Trung Quốc - đây mới là mục đích thật sự của quân đội Mỹ. Với việc tăng cường thêm các hệ thống vũ khí và những biện pháp răn đe luôn sẵn sàng trong khu vực, việc triển khai tên lửa sẽ có thêm lợi ích tối thiểu là ngăn chặn được Triều Tiên.

Dấu ấn của Mỹ cũng có thể tìm thấy trên khắp Nhật Bản. Là một đối tác an ninh lâu năm, Mỹ đang dựa vào Nhật Bản và Nhật đóng vai trò lớn trong chính sách ngăn chặn của Mỹ. Với mục tiêu này, Mỹ đã để cho chính quyền của ông Abe tiếp tục phát triển quân sự.

Phía trước là…căng thẳng

Những lăng kính kể trên rất quan trọng khi phân tích chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Với Trung Quốc, danh tiếng mới là điều quan trọng. Và việc lựa chọn hoàn toàn cách tiếp cận thứ nhất sẽ dẫn đến những phản ứng gay gắt trong nước. Sự bất lực của giới lãnh đạo Trung Quốc nhằm chống lại những kẻ xâm lược bên ngoài sẽ không chỉ là thất bại của những mục tiêu của ông Tập Cận Bình nhằm biến Trung Quốc trở thành nước thống lĩnh trong khu vực, mà còn là sự đe dọa trực tiếp đến tính chính danh của đảng cộng sản Trung Quốc.

Việc khăng khăng sử dụng lăng kính thứ hai cũng sẽ gây hại tương tự đối với Trung Quốc và khu vực. Sự thất bại trong việc không nhận ra lỗi của mình, sự thực rằng các hành động của Trung Quốc đã gây ra những sự đáp trả từ các nước khác và sự lớn mạnh của tư tưởng chống Mỹ ngày càng tăng ở Trung Quốc sẽ dẫn tới những hành vi ngang ngược hơn của nước này. Trung Quốc sẽ cự tuyệt phán quyết của PCA, phá hoại luật quốc tế và tiếp tục nhấn mạnh lập trường của mình trong khu vực.

Quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc về vấn đề THAAD có thể dẫn đến việc Trung Quốc càng tăng cường quan hệ với Triều Tiên, gia tăng căng thẳng trên bán đảo này và phổ biến mạnh mẽ hơn vũ khí hạt nhân. Cuối cùng, sự nghi ngờ và nỗi sợ hãi gia tăng về tương lai của Nhật Bản sẽ đẩy mạnh căng thẳng ở biển Hoa Đông. Bất kỳ xung đột nào ở đây cũng sẽ thách thức và có thể kích hoạt cam kết an ninh Mỹ - Nhật, National Interest cảnh báo.