Theo báo cáo của huyện Tân, thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam, người đàn ông họ Ngô trở về huyện Tân từ Vũ Hán vào ngày 14 tháng 1 cho đến khi chẩn đoán xác nhận bị bệnh là 34 ngày. Đã tiến hành 3 lần xét nghiệm axit nucleic liên tiếp, 2 lần đầu tiên đều âm tính, lần thứ 3 thì dương tính. Một trường hợp được xác nhận khác là người đàn ông họ Ninh X., đã chăm sóc nhạc phụ tên là Trương X, người trở về sau khi điều trị y tế ở Vũ Hán từ ngày 13/11/2019; cho đến khi Ninh X. được xác nhận bị Covid-19, thời gian dài tới 94 ngày.
Hai trường hợp được xác nhận bị bệnh nêu trên đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội lớn. Một số cư dân mạng coi 34 và 94 ngày là thời gian ủ bệnh của 2 bệnh nhân và coi 2 bệnh nhân này là những trường hợp bệnh nhân không bình thường.
Về vấn đề này, ông Phùng Tử Kiện (Feng Zijian), Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, trả lời phỏng vấn của phóng viên CNS rằng: nguồn lây nhiễm trong hai trường hợp ở huyện Tân, thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam vẫn chưa rõ ràng và không thể đánh giá đây là những trường hợp bất bình thường. Trước đây, ông Trương Quốc Tuấn, Tổ trưởng nhóm chuyên gia điều trị y tế tỉnh Hà Nam và Chủ nhiệm Khoa Một về hô hấp và chăm sóc bệnh nặng của Bệnh viện Số 1, Đại học Trịnh Châu; cũng nói trong một cuộc phỏng vấn của giới truyền thông rằng sau khi kiểm tra cẩn thận quỹ tích và thời gian khởi phát bệnh của bệnh nhân, ông cho rằng hai ca Covid-19 này là những trường hợp phổ biến; nói thời gian ủ bệnh 34 ngày và 94 ngày là không chuẩn xác.
Ông Phùng Tử Kiện, Phó Giám đốc CDC Trung Quốc (Ảnh: HK01)
|
Ông Phùng Tử Kiện chỉ ra rằng, trường hợp bệnh nhân họ Ngô trở về huyện Tân từ Vũ Hán từ ngày 14 tháng 1, xuất hiện các triệu chứng sốt vào ngày 25/1 và phải nhập viện theo dõi vào ngày 28/1, thời gian ủ bệnh là bình thường.
Ông Trương Quốc Tuấn thì cho rằng, mặc dù hai xét nghiệm axit nucleic đầu tiên của ông Ngô đều âm tính, do các triệu chứng lâm sàng phù hợp với các triệu chứng Covid-19, Bệnh viện Nhân dân huyện Tân đã cách ly điều trị cho bệnh nhân theo quy trình cho đến khi bệnh tình được xác nhận. “Qua xét nghiệm axid nucleic lần thứ 3 mới được xác nhận, điều này có liên quan đến điều kiện lấy mẫu, thuốc thử và thời gian xét nghiệm, trên toàn quốc đã có nhiều tình huống kiểu thế này”.
Đối với một bệnh nhân họ Ninh, Trương Quốc Tuấn nói: “Mặc dù nguồn gốc lây nhiễm chưa được xác định, nhưng việc Ninh X. bị bệnh không có liên quan trực tiếp nào đến người bố vợ mới của ông”. Ông nói, vào ngày 31/1, huyện Tân đã có 4 trường hợp bệnh nhân Covid-19 được xác nhận. Ninh X. trở về huyện Tân từ ngày 31/1 đến ngày 12/2 thì xuất hiện triệu chứng sốt, phù hợp với quy luật dịch tễ học của Covid-19. Nhìn lại quỹ tích hoạt động, Ninh X. hoàn toàn có khả năng bị nhiễm Covid-19 trong khi đi ra ngoài.
Các bác sĩ nghiên cứu bệnh án của bệnh nhân trong khu điều trị cách ly (Ảnh: CNS)
|
Hiện nay, một số người lo lắng về sự xuất hiện của các trường hợp vượt quá thời gian ủ bệnh 14 ngày, điều này cho thấy coronavirus có thể đang biến đổi và tính lây nhiễm mạnh hơn. Ông Phùng Tử Kiện nói rằng hiện vẫn chưa thể đưa ra kết luận về sự lây nhiễm mạnh hơn của nCoV. Thời gian ủ bệnh thông thường của coronavirus là 14 ngày. Phần lớn các trường hợp đều phát bệnh trong vòng 7 ngày, và một số trường hợp vượt quá 7 ngày. “Khoảng trên 95% các trường hợp nằm trong thời kỳ ủ bệnh phổ biến và một số lâu hơn, có liên quan đến sự khác biệt của cá thể”.
Trước đây, một bài báo được xuất bản bởi nhóm của Viện sỹ Chung Nam Sơn đã có nêu một trường hợp có thời gian ủ bệnh 24 ngày. Bài viết dựa trên sự phân tích toàn diện về đặc điểm lâm sàng của 1.099 bệnh nhân bị Covid-19 được lấy từ 552 bệnh viện ở 30 tỉnh, thành phố, khu tự trị. Ông Phùng Tử Kiện nói rằng thời gian ủ bệnh dài nhất 24 ngày là một trường hợp cá biệt, không cần phải hoảng sợ. “Theo tình hình hiện nay, thời gian theo dõi chặt chẽ trong 14 ngày vẫn là hợp lý và xác đáng”.