Hạ thủy vào tháng tới
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 27/3 dẫn báo chí Đài Loan cho rằng từ hình ảnh tàu sân bay Type 001A liên tục được tiết lộ trên Internet từ tháng 3 đến nay, chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên này của Trung Quốc hầu như đã quét sơn lót màu hồng, trên đảo tàu đã bắt đầu lắp ráp các thiết bị như kính và radar mảng pha phía trước.
Hình ảnh tiết lộ gần đây càng cho thấy tàu sân bay này đã bắt đầu làm sạch sàn tàu, rất có khả năng sẽ hạ thủy trong thời gian tới. Thời gian hạ thủy có thể là ngày thành lập Hải quân Trung Quốc, tức là ngày 23/4/2017.
Theo tờ Sputnik Nga, khi trả lời phỏng vấn báo chí, phó Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc, ông Vương Duy Minh cho biết tàu sân bay tự chế Trung Quốc nhanh nhất sẽ có thể hạ thủy trong nửa đầu năm. Đây cũng là lần đầu tiên tướng lĩnh Hải quân Trung Quốc xác nhận tiến triển của tàu sân bay tự chế.
Các nhà quan sát cho rằng nếu tàu sân bay Type 001A chưa hạ thủy vào ngày 26/3 thì thời điểm có thể hạ thủy là ngày 23/4. Tàu sân bay Type 001A là tàu sân bay tự chế thực sự của Trung Quốc.
Type 001A đã được rút kinh nghiệm có ích từ tàu sân bay Liêu Ninh, sẽ được cải tiến và nâng cấp mới trên nhiều phương diện, các hệ thống cốt lõi như radar mới, thông tin, vũ khí sẽ sử dụng toàn bộ loại mới nhất của Trung Quốc. Việc hạ thủy tàu Type 001A có ý nghĩa "vạch thời đại" đối với xây dựng quân đội Trung Quốc - Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh.
Cơ bản có đủ điều kiện hạ thủy
Tờ Jane's Defence Weekly Anh trước đó cho rằng sau khi quét xong sơn chống bẩn ở đáy tàu, công việc tại xưởng đóng tàu cơ bản kết thúc, đã có điều kiện hạ thủy.
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết hạ thủy là một khâu quan trọng trong chế tạo tàu chiến. Lúc này, đã hoàn thành công việc chế tạo thân tàu, phun sơn và lắp ráp một số thiết bị cỡ lớn, chẳng hạn hệ thống động cơ.
Trước khi hạ thủy, thậm chí đã hoàn thành lắp ráp một bộ phận tại bệ lắp ráp tàu. Sau khi hạ thủy sẽ tiếp tục tiến hành lắp đặt thiết bị trên tàu như thiết bị điện tử và vũ khí. Vì vậy, hạ thủy tàu chiến hiện đại có nghĩa là hầu hết quá trình chế tạo tàu chiến đã được hoàn thành.
Lý Kiệt, chuyên gia tàu sân bay Trung Quốc, ngày 26/3 cho rằng nhìn vào tiến độ chế tạo, tàu sân bay thực sự đã cơ bản có điều kiện hạ thủy. Nhưng khi nào hạ thủy còn phải tùy thuộc vào các nhân tố đã chín muồi hay chưa.
Thông thường, việc tổ chức lễ hạ thủy cho một loại tàu chiến mới như tàu sân bay sẽ không tổ chức vào một thời điểm tùy ý, mà sẽ lựa chọn một ngày lễ có ý nghĩa để thể hiện được tầm quan trọng của tàu sân bay tự chế trong hải quân và quân đội Trung Quốc.
Như vậy, ngày thành lập Hải quân Trung Quốc là một sự lựa chọn tương đối thích hợp. Song, việc hạ thủy còn liên quan tới nhiều yếu tố khác, chẳng hạn thể hiện sự coi trọng đối với hải quân - một quân chủng chiến lược, khi hạ thủy tàu chiến cỡ lớn sẽ có lãnh đạo cấp cao nhà nước tham dự. Do đó phải tiến hành bố trí sắp xếp.
Ngoài ra, việc chế tạo các “tàu bảo đảm” cho tàu sân bay tự chế cũng được tiến hành đồng bộ. Một chùm ảnh được công bố gần đây cho thấy tàu chi viện chiến đấu tốc độ nhanh do Trung Quốc chế tạo đã gần hoàn thành, sắp được hạ thủy.
Cuối năm 2016, chiếc tàu tiếp tế loại này đầu tiên đã tiến hành chạy thử. Theo các chuyên gia, loại tàu tiếp tế cao tốc này được dùng riêng cho biên đội tàu sân bay, dự tính lượng giãn nước từ 40.000 tấn trở lên, tốc độ tối đa không dưới 25 hải lý/giờ.
Số lượng vật tư, nhiên liệu, trang bị cần cho biên đội tàu sân bay rất lớn, nhiều chủng loại, cần có tàu tiếp tế trọng tải lớn và tốc độ nhanh.
Chỉ có tàu tiếp tế cao tốc cỡ lớn thì mới có thể phát huy đầy đủ khả năng tác chiến của cụm chiến đấu tàu sân bay. Hiện nay chỉ có Trung Quốc và Mỹ đã chế tạo loại tàu này. Dự đoán, tàu sân bay tự chế đầu tiên sẽ được trang bị loại tàu tiếp tế này.
Sức chiến đấu không kém tàu sân bay Anh, Mỹ?
Theo báo chí Đài Loan, mặc dù tàu sân bay Type 001A có thể còn có khoảng cách tương đối lớn với tàu sân bay lớp Nimitz hoặc lớp Ford về khả năng tổng thể, nhưng sức chiến đấu có thể nhỉnh hơn một chút so với tàu sân bay lớp Nữ hoàng Elizabeth của Anh và tàu Charles de Gaulle R91 của Pháp.
Type 001A sẽ nhỉnh hơn nhiều so với tàu sân bay Kuznetsov của Nga và tàu INS Vikrant của Ấn Độ. Type 001A có thể được đặt tên là Sơn Đông, vừa kế thừa đặc tính kỹ thuật của Liên Xô cũ từ tàu sân bay Liêu Ninh, vừa tiếp nhận một số công nghệ của tàu sân bay phương Tây, trở thành một chiếc tàu sân bay công nghệ cao hiện đại mang đặc sắc Trung Quốc.
Chuyên gia Lý Kiệt cho rằng Trung Quốc đã đạt được thành tích nhất định trong phát triển tàu sân bay, nhưng vẫn cần đánh giá khách quan về khoảng cách với các nước lớn tàu sân bay phương Tây.
Tàu sân bay Charles de Gaulle R91 của Pháp sử dụng hệ thống động cơ hạt nhân, dùng phương thức máy phóng, trang bị máy bay cảnh báo sớm cánh cố định. Vì vậy, Type 001A còn chưa thể tiến hành so sánh đơn giản với đối phương.
Ngoài công nghệ, còn phải thấy rằng các cường quốc phương Tây như Anh, Pháp có nhiều kinh nghiệm trong phát triển tàu sân bay. Trung Quốc luôn quan tâm và học hỏi công nghệ tàu sân bay tiên tiến nhất trên thế giới, đã đạt được thành quả nhất định trong phát triển các hệ thống liên quan, vượt tàu sân bay của Anh và Pháp chỉ là vấn đề thời gian - Lý Kiệt tự tin khẳng định.