Theo trang Thepaper, gần đây nhiều nơi ở Trung Quốc đã áp dụng chính sách “đổi cũ lấy mới” cho người mua nhà. Thông qua việc trực tiếp mua lại, hợp tác qua trung gian, trợ giá…chính sách này được đưa ra nhằm giúp người dân bán nhà cũ và mua nhà mới, rút ngắn chu kỳ bán nhà cũ, qua đó kích hoạt nhu cầu cải thiện nhà ở.
Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu chỉ số Trung Quốc, từ năm 2023 tới nay hơn 30 thành phố đã bày tỏ ủng hộ chính sách “đổi nhà cũ lấy nhà mới”.
“Đổi cũ lấy mới” ngày càng phổ biến
Theo tài khoản WeChat công cộng "Hai'an Release", hôm 2/4, thành phố Hải An đã tổ chức buổi lễ cấp giấy phép đợt đầu tiên nhà ở thương mại "đổi cũ lấy mới". Có 15 hộ đã ký hợp đồng và được nhân viên công tác làm thủ tục đổi nhà ngay lập tức.
Theo chính sách được chính quyền thành phố Hải An đưa ra, người mua nhà mang hồ sơ nhà cũ đang ở tới đàm phán với chủ dự án phát triển nhà ở thương mại họ định mua. Sau khi hai bên thương lượng và thống nhất mức giá hợp lý, tài sản sẽ được chuyển giao cho chủ đầu tư hoặc người được chủ đầu tư chỉ định, rồi cấp hóa đơn tài chính căn cứ vào giá trị căn nhà cũ, số tiền này dùng để đặt cọc cho căn nhà mới.
Phần chênh lệch giữa nhà cũ và nhà mới sẽ được người mua thanh toán thông qua hình thức trả bù thêm, vay thế chấp, vay quỹ dự phòng nhà ở. Theo kế hoạch của Hải An, dự kiến trong năm nay 100 căn hộ “đổi cũ lấy mới” sẽ được triển khai.
Ngoài ra, Cục Quản lý nhà ở thành phố Trịnh Châu (Hà Nam) và các sở ban ngành khác hôm 1/4 cũng công bố "Phương án công tác thúc đẩy ‘bán cũ, mua mới và đổi cũ lấy mới’ trên thị trường bất động sản”. Theo đó, năm 2024, thành phố Trịnh Châu có kế hoạch hoàn thành chương trình "Bán cũ, mua mới và đổi cũ lấy mới" 10.000 căn hộ nhằm kích hoạt thị trường nhà ở cũ.
Thành phố Trịnh Châu đang tiến hành theo hai phương án, đó là các công ty kinh doanh nhà ở giá rẻ thuộc sở hữu nhà nước mua lại và giao dịch thị trường hóa.
Cụ thể, phương án đầu tiên là mua lại nhà ở cũ thông qua Công ty TNHH Tập đoàn Phát triển Đô thị Trịnh Châu, đơn vị do chính quyền chỉ định. Dân chúng có thể bán nhà cũ đang ở cho công ty nền tảng nhà nước rồi mua nhà mới; phương pháp thứ hai là người dân “bán cũ mua mới, đổi cũ lấy mới” thông qua mua bán trên thị trường. Ai sử dụng một trong hai phương thức này để mua nhà ở thương mại mới trong năm 2024, sẽ có thể được hưởng chính sách ưu đãi trợ cấp 30% thuế trước bạ.
Công ty TNHH Tập đoàn Phát triển nhà ở đô thị Lương Khê Vô Tích (Giang Tô) gần đây cũng đưa ra thông báo "đổi cũ lấy mới" nhà ở thương mại, đang thử nghiệm để mua lại nhà ở thương mại cũ hiện có của cư dân trong phạm vi quận Lương Khê. Người dân có thể bán nhà cũ mua nhà mới trong các dự án nhà ở thương mại của tập đoàn; hạn ngạch “đổi cũ lấy mới” đợt đầu tiên là 200 căn. Ngoài ra, thành phố Thường Thục tỉnh Giang Tô gần đây cũng đã đưa ra các biện pháp liên quan để trợ cấp thuế trước bạ cho các cư dân mua nhà kiểu "bán cũ mua mới".
Hơn 30 thành phố ủng hộ
Theo dữ liệu giám sát của Viện nghiên cứu chỉ số Trung Quốc, từ năm 2023, hơn 30 thành phố đã ủng hộ chính sách “đổi cũ lấy mới” nhà ở. Về mặt mô hình, chính sách chủ yếu được thực hiện thông qua các doanh nghiệp nhà nước trực tiếp mua lại, hợp tác qua trung gian và trợ cấp.
Cụ thể, các thành phố Diêm Thành, Tô Châu, Thẩm Dương thực hiện trợ cấp các hộ "đổi cũ lấy mới". Một số thành phố như Ninh Ba, Tế Nam hợp tác với các nhà phát triển và giới bất động sản triển khai dịch vụ "trao đổi và mua". Người mua nhà có thể đăng ký và mua bán tại văn phòng của chủ đầu tư; nhà cũ được ủy thác cho cơ quan bất động sản bán. Nếu nhà cũ bán được trong một thời gian nhất định, sẽ được mua nhà mới theo quy trình. Nếu nhà cũ không bán được thì phí đặt cọc nhà mới sẽ được hoàn lại.
Các nền tảng hoặc doanh nghiệp phát triển nhà ở sở hữu quốc doanh ở quận Tương Thành, Trịnh Châu, Liên Vân Cảng và những nơi khác ở Tô Châu lại trực tiếp mua lại nhà cũ và số tiền bán nhà cũ được sẽ được sử dụng để mua nhà mới trong các dự án tương ứng.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng một mặt, chính sách "đổi cũ lấy mới" có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu cung cấp nhà ở giá rẻ, mặt khác cũng có lợi cho việc hồi sinh nhà ở cũ, làm thông suốt chuỗi nhà ở mới-cũ và thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Về ngắn hạn, chính sách “đổi cũ lấy mới” được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản, đồng thời nhiều nơi đã đưa ra phương án mua gom những ngôi nhà cũ hiện có làm nhà ở cho thuê có thể là một phương pháp quan trọng. Dự kiến trong tương lai sẽ có thêm nhiều thành phố tham gia vào chương trình “đổi cũ lấy mới” để thúc đẩy nhu cầu cải thiện nhà ở.
"Mua một tặng một, mua nhà tặng vợ": Tuyệt chiêu khuyến mại thời khủng hoảng nhà đất ở Trung Quốc
Khủng hoảng bất động sản ảnh hưởng tới các ngân hàng Trung Quốc như thế nào?
Trung Quốc: Khủng hoảng bất động sản khiến lãi suất cho vay dài hạn xuống mức thấp kỷ lục
Theo Thepaper