Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS TS Lê Phước Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cho biết, ngoài nhiều điểm tương đồng khác, Việt Nam và Ma Rốc đều có những điều kiện thuận lợi trong phát triển năng lượng tái tạo với tiềm năng về nắng và gió. Vì thế, ông hy vọng hội thảo này sẽ là sự mở đầu cho triển vọng hợp tác về năng lượng tái tạo giữa hai nước.
Ông Jamale Chouaibi – Đại sứ Ma Rốc tại Việt Nam cũng cho biết, bên cạnh nhiều thế mạnh khác, Ma Rốc hiện cũng là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về năng lượng tái tạo và thế mạnh này cần được hợp tác, chia sẻ với không chỉ các nước Châu Phi, Trung Đông mà cả với Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ninh Hải – Trưởng phòng Năng lượng mới và Tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công Thương, phát triển năng lượng tái tạo đang là một định hướng mà Chính phủ Việt Nam muốn tập trung phát triển trong những năm gần đây vì nhiều mục đích, trong đó có nhu cầu giảm phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch. Tính đến năm 2020, năng lượng tái tạo không kể thuỷ điện tại Việt Nam đã đạt tỷ lệ 22,3% trong tổng mức năng lượng các loại. Ông cũng cho biết, theo Luật Điện lực, các loại năng lượng mới và năng lượng tái tạo đã và đang được khuyến khích phát triển.
Chia sẻ với các đại biểu, ông Benlarabi – Giám đốc Kinh doanh và Phát triển của Viện Nghiên cứu Năng lượng Mặt trời và Năng lượng mới của Ma Rốc cho biết, tại Ma Rốc, năng lượng tái tạo đã được quan tâm phát triển từ rất nhiều năm trước và có thể nói rằng, Ma Rốc không chỉ dẫn đầu Châu Phi về lĩnh vực này mà còn có ưu thế hơn nhiều quốc gia khác.
Thay mặt các doanh nghiệp tham dự hội thảo, ông Lê Xuân Thắng – giám đốc Công ty A & T cho biết, trong quá trình hợp tác với các nước Châu Phi, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tập trung vào nông nghiệp, viễn thông… mà năng lượng cũng là lĩnh vực rất đáng quan tâm. Nếu được sự ủng hộ của Ma Rốc về công nghệ và tài chính, chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhân rộng sự phát triển năng lượng tái tạo ra toàn Châu Phi.
Kết thúc hội thảo, PGS TS Lê Phước Minh hy vọng bên cạnh nhiều lĩnh vực khác, sự chuyển giao công nghệ cùng kinh nghiệm phát triển về năng lượng tái tạo của Ma Rốc sẽ rất có ý nghĩa với Việt Nam. Còn Đại sứ Jamaile Chonaibe cũng hy vọng sẽ có nhiều đối tác tại Việt Nam cùng quan tâm và hợp tác với Ma Rốc về năng lượng tái tạo.