Triển khai dự án Lọc hóa dầu Long Sơn 4,5 tỷ USD trong quý IV/2016

Đại diện Tập đoàn SCG (Thái Lan) cho biết, sẽ triển khai dự án Tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam (Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu) vào quý IV năm nay sau gần 8 năm trì hoãn do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Triển khai dự án Lọc hóa dầu Long Sơn 4,5 tỷ USD trong quý IV/2016

Ông Dhep Vongvanich - Giám đốc điều hành quốc gia kiêm Cố vấn Chủ tịch Tập đoàn SCG cho biết, dự án Tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam (gọi tắt là dự án) đã hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng và gần như đi đến những công đoạn cuối cùng để có thể triển khai vào quý IV/2016.

Theo Đại diện của SCG, dự án hiện còn hai vấn đề cần giải quyết, đó là: cung cấp nguồn khí của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và thảo luận phần vốn góp của PVN tại dự án. Riêng về phần vốn góp của PVN, chủ đầu tư dự án đang làm việc với Bộ Tài chính để sớm đưa ra kết luận vào cuối tháng 5 này.

Được biết, dự án Tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam do liên doanh giữa PVN, Tập đoàn SCG và Tập đoàn Qatar Petroleum (Qatar) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ năm 2008 nhưng trong quá trình triển khai, đối tác từ Qatar xin rút khỏi dự án (năm 2015), tác động không nhỏ đến tiến độ của toàn bộ dự án. Phía SCG cũng cho hay, họ đã tìm được đối tác mới cho dự án, còn nhà thầu cũng đã sẵn sàng triển khai dự án, song không tiết lộ thông tin về đối tác mới này.

Tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam có tổng diện tích trên 460ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn; trong đó, 398 ha xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến đạt 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, sử dụng nguồn khí Etan trong nước), 66 ha đất xây dựng cảng, với tổng vốn đầu tư lên đến 4,5 tỷ USD. Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ô tô, điện tử…

Liên quan đến dự án, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh, Tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam là dự án lớn nên kỳ vọng SCG sẽ cố gắng vượt qua những thử thách cuối cùng để triển khai dự án vì tổ hợp này góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam.

Được biết, SCG là tập đoàn có hơn 100 năm tuổi của Thái Lan, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, hóa chất và bao bì…Bên cạnh thị trường trong nước, SCG hiện đã đầu tư vào Indonesia, Việt Nam và Campuchia.

Tính đến quý IV/2015, SCG đã rót vào Việt Nam hơn 700 triệu USD (mua lại cổ phần chi phối ở Prime Group, sở hữu cổ phần tại Bao bì Bình Minh,…), đứng thứ hai sau Indonesia (SCG đầu tư hơn 1,2 tỷ USD).

Theo DNSG