TP.HCM: Những ý kiến trái chiều về xây dựng Bệnh viện dã chiến chống dịch Corona

VietTimes – Đó là nhận định của ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP.HCM - tại cuộc họp khẩn tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm phổi cấp do nhiễm virus Corona mới tại TP.HCM, diễn ra chiều nay 3/2.
Bệnh viện dã chiến chống dịch Corona: TP.HCM không thiếu kinh phí nhưng cần tính toán xây dựng hợp lý. Ảnh: Nguyễn Trăm
Bệnh viện dã chiến chống dịch Corona: TP.HCM không thiếu kinh phí nhưng cần tính toán xây dựng hợp lý. Ảnh: Nguyễn Trăm

Chiều 3/2, UBND TP.HCM đã tổ chức họp khẩn với với lãnh đạo 24 quận, huyện và các sở ngành, tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp do nhiễm virus Corona mới.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh và đề xuất kế hoạch thực hiện bệnh viện (BV) dã chiến, phòng khi lượng bệnh nhân quá nhiều, các cơ sở y tế không đủ phòng cách ly.

Cụ thể, khi số ca viêm phổi cùng một thời điểm ở thành phố lên tới hơn 500 trường hợp, BV dã chiến sẽ được sử dụng để tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc và điều trị các trường hợp nghi ngờ. Ông Bỉnh cho hay, con số 500 ca là vượt quá khả năng thu dung điều trị tại các khoa cách ly hiện tại ở những BV thuộc Sở Y tế.

Theo kế hoạch đề xuất, BV dã chiến được xây ở 2 cơ sở. Cơ sở 1 được đặt tại xã Nhuận Đức, huyện Củ chi với quy mô 300 giường bệnh, có ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Cơ sở 2 được đặt tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè với quy mô 200 giường bệnh, có ít nhất 10 giường hồi sức tích cực.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh và đề xuất kế hoạch thực hiện Bệnh viện dã chiến. Ảnh: Nguyễn Trăm
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh và đề xuất kế hoạch thực hiện Bệnh viện dã chiến. Ảnh: Nguyễn Trăm

BV dã chiến được trang bị các trang thiết bị cần thiết như máy thở, monitor, X-quang, trang phục bảo hộ, 5 xe cứu thương... và đảm bảo nhân lực y bác sĩ cứu chữa bệnh nhân.

Bộ Tư lệnh và Sở Y tế TP.HCM đang phối hợp khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch, tổ chức hoạt động của BV dã chiến. Dự trù kinh phí trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế thiết yếu của BV dã chiến, vốn đầu tư khoảng hơn 255 tỷ đồng.

Theo ông Bỉnh, TP. cũng kiến nghị Trung ương cho phép BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM được xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Corona mới.

Ông Trần Lưu Quang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM - cho rằng hiện tại BV Ung Bướu cơ sở 2 tại Quận 9 đã hoàn thiện, liệu có nên sử dụng nó để làm BV dã chiến để đáp ứng kịp thời, đỡ tốn công xây dựng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP.HCM tại cuộc họp khẩn chiều 3/2 triển khai công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nhiễm virus Corona mới. Ảnh: Nguyễn Trăm
Ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP.HCM tại cuộc họp khẩn chiều 3/2 triển khai công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nhiễm virus Corona mới. Ảnh: Nguyễn Trăm

Nhận định về kế hoạch xây dựng BV dã chiến, ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: “BV dã chiến sử dụng khi chưa có 500 người, chứ không phải chờ đến khi 500 người mới sử dụng. Đây là nơi nhận bệnh nhân đầu tiên cho các BV và là nơi tập trung xử lý các ca bệnh khó, chứ không phải chờ các BV đầy bệnh nhân mới đưa đến BV dã chiến”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP.HCM không thiếu kinh phí, nhưng việc sử dụng phải hợp lý. Dự tính kinh phí xây dựng BV dã chiến trang bị máy móc lên đến vài trăm tỷ, chúng ta có nên sử dụng hết mùa dịch rồi thôi. Do đó, việc đặt BV dã chiến ở đâu, xây dựng như thế nào cần tính toán kỹ.

Kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cần phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch ngay từ đầu. Nếu để đến lúc TP.HCM có khoảng 1.000 người có nguy cơ nhiễm virus Corona  mới thì có xây dựng BV dã chiến cũng không thể kiểm soát được.