TP.HCM giãn cách đến ngày 15/9, nỗ lực giảm số ca tử vong vì COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM có thể tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15/9, tập trung mọi nỗ lực giảm số ca tử vong vì COVID-19.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM có thể tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15-9
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM có thể tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15-9

Số ca tử vong vì COVID-19 cao

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi thông tin, TP.HCM có thể tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cho đến ngày 15/9.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, trong 7 ngày qua (từ ngày 5/8 đến nay) bình quân có 3.687 ca nhiễm/ngày; trong đó có 78,6% trong khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% sàng lọc từ bệnh viện. Như vậy, số ca lây nhiễm chủ yếu vẫn ở khu phong tỏa.

Thành phố đã điều trị khỏi 62.986 trường hợp, hiện đang điều trị 32.629 trường hợp, trong đó có 1.558 bệnh nhân nặng, 16 bệnh nhân phải sử dụng ECMO.

Có 10.421 F0 không triệu chứng đang được điều trị tại nhà, 12.290 F0 đã được điều trị trên 7 ngày và tải lượng virus trên 30 (CT>30), đủ điều kiện để thực hiện cách ly theo dõi tại nhà.

Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là những ngày gần đây tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao với trung bình 241 ca/ngày.

Trước tình hình đó, TP.HCM tập trung nâng cao công tác điều trị, đặt mục tiêu giảm ca nặng và giảm tỷ lệ tử vong tại tất cả các quận - huyện, TP Thủ Đức.

Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các địa phương, các bệnh viện tuyến đầu của cả nước, TPHCM đã đưa vào hoạt động 4 Trung tâm hồi sức tích cực với quy mô 1.750 giường. Đồng thời, nâng cao năng lực của Trung tâm cấp cứu 115, thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ tinh, kiện toàn các Tổ phản ứng nhanh để cấp cứu người từ phường, xã, thị trấn. Bên cạnh đó, bố trí hệ thống taxi để phục vụ việc cấp cứu tại các địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, tình hình dịch bệnh có thể phức tạp kéo dài. Số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, số ca tử vong vẫn ở mức cao. Dự kiến, sau ngày 15/8, các ca F0 vẫn ở mức trung bình khoảng 3.000 ca/ngày, là số lượng rất lớn. Nếu không quyết liệt, triệt để các biện pháp chống dịch thì sẽ khó giữ vững thành quả đang đạt được, thậm chí tình hình sẽ xấu đi nếu không đồng lòng, thực hiện nghiêm các biện pháp.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh. Ảnh: TTBC
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh. Ảnh: TTBC

Thực hiện Nghị quyết 86 của Chính Phủ, TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong giai đoạn từ 15/8 đến 15/9, trong đó phân thành 2 giai đoạn: từ 15/8 đến 1/9 và từ 1/9 đến 15/9, mỗi giai đoạn sẽ có giải pháp cụ thể. Kế hoạch này sẽ được công bố trong thời gian tới.

Nói về giải pháp cho vấn đề này, ông Dương Anh Đức cho rằng yếu tố tiên quyết lúc này là phải giảm các ca F0 chuyển nặng tại tầng 2, 3. TP.HCM đã mạnh mẽ nâng cấp các bệnh viện ở tầng 2, 3. Các bệnh viện dã chiến thu dung ở tầng 2 được nâng cấp lên tầng 3 để huy động nguồn lực và có thể điều trị bệnh nhân trở nặng, nhằm giảm áp lực cho tầng trên. Cùng với đó, củng cố khả năng cung cấp oxy cho các trường hợp nhiễm bệnh.

Về giải pháp nhằm giảm phát sinh F0 mới, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh, mấu chốt vẫn là thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, “nhà cách ly nhà, người cách ly người”, đặc biệt trong khu phong tỏa. Kết hợp với việc bóc tách F0 nhanh, đẩy mạnh công tác xét nghiệm, thực hiện có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo khoa học, không lãng phí tài nguyên và nguồn lực. Nếu giảm 50% F0 tại khu phong tỏa thì sẽ giảm đc cả ngàn ca mỗi ngày.

Đồng thời, triển khai tốt hơn nữa mô hình tự quản vùng xanh, nâng cao vai trò ý thức cá nhân để mở rộng vùng xanh, đưa vùng xanh trở về trạng thái “bình thường mới”.

Ngoài ra, tổ chức tốt tư vấn chăm sóc sức khỏe online, giám sát cách ly và điều trị F0, F1 tại nhà; chăm lo đời sống và tâm lý cho người đang được cách ly để chủ động tự bảo vệ sức khỏe, hạn chế tối đa trở nặng. Bộ Y tế cũng đang có kế hoạch hỗ trợ tích cực cho TP.HCM trong các công tác này.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi khẳng định: “Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp có sự tập trung lớn, đồng bộ hơn; ý thức của người dân có sự chuyển biến tốt. Việc quản lý, điều trị F0 tại nhà ở từng xã - phường - thị trấn đã bài bản, thông suốt hơn với sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng y tế tại cơ sở, tình nguyện viên online”.

Theo Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đặt mục tiêu cho TP.HCM đến 15/9 kiểm soát được tình hình dịch bệnh với các tiêu chí cụ thể. TP.HCM đang khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện, dự kiến đầu tuần sau sẽ công bố chính thức.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm. Ảnh: TTBC
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm. Ảnh: TTBC

Vaccine COVID-19 của TP.HCM còn hay hết?

Về công tác tiêm chủng vaccine COVID-19, TP.HCM đưa mục đích phấn đấu đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng vào cuối tháng 8/2021.

Theo ông Dương Anh Đức, TP.HCM đã đẩy nhanh tốc độ tiêm, ngày cao điểm đạt 318.000 liều. Toàn hệ thống tiêm chủng có sự tham gia của 87 bệnh viện và 1.200 đội tiêm tại các quận, huyện. Việc thực hiện tiêm chủng được triển khai rất linh động, bao gồm các điểm tiêm cố định và lưu động để hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn về di chuyển như người già, người khuyết tật… Đến nay, toàn bộ nguồn vaccine được Bô Y tế cung cấp đã được tiêm hết.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong tổng số 650.000 người thuộc đối tượng được tiêm chủng chính trong đợt này gồm người già trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền, TP.HCM đã tiêm cho 456.391, đạt hơn 70% yêu cầu đặt ra. Riêng đợt 5 và 6, toàn TP đã tiêm được tổng số 3.291.872 liều, cộng với số đã tiêm đợt trước, toàn TP có tổng số hơn 4,3 triệu người được tiêm vaccine, trong đó hơn 100.000 người tiêm đủ 2 mũi.

“Bên cạnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ bổ sung thêm nguồn vắc xin và tiếp tục khai thác 1 triệu liều Sinopharm đã được Bộ Y tế thẩm định, TP.HCM đang nỗ lực để đàm phám mua 5 triệu liều Mordena do Sapharco đứng ra nhập khẩu, VinaCapital tài trợ. TP.HCM cũng tận dụng các cơ hội khác thông qua hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ tốt với Việt Nam và TP.HCM. Hiện một số quốc gia đã cam kết tặng cho TP.HCM những lượng vaccine. Nếu kịp, trong tháng 8 này chúng ta có thể đạt mục tiêu bao phủ vaccine cho 70% dân số thành phố”, Phó chủ tịch Dương Anh Đức chia sẻ và khẳng định.

Chia sẻ thêm về 5 triệu liều vaccine Moderna, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đây là mô hình phi lợi nhuận, hợp tác công tư với sự đóng góp của doanh nghiệp, để đảm bảo đủ vaccine cho nhân viên của mình trước, sau đó hỗ trợ để tiêm cho các đối tượng ưu tiên. Tất cả người tiêm vaccine đều được hoàn toàn miễn phí. Nếu đóng góp của các doanh nghiệp vượt quá số kinh phí gồm giá mua, chi phí vận hành, tổ chức tiêm…, thì số dư ra sẽ được tích lũy vào quỹ vaccine TP để tiếp tục mua vaccine cho người dân.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu. Ảnh: TTBC
Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu. Ảnh: TTBC

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, vaccine được tiêm vào trong cơ thể sẽ tạo ra kháng thể trung hòa với virus, kháng thể này được tạo ra từ tuần lễ thứ 2 sau khi tiêm.

Tuy nhiên, không có loại vaccine nào ngăn chặn 100% vi rút; nhưng kháng thể từ vắc xin sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào các tế bào, làm giảm quá trình gây tổn thương tế bào các cơ quan trong cơ thể, ngăn chặn quá trình gây bệnh lý… Do đó, những người đã tiêm vaccine, có kháng thể bảo vệ thì khả năng mắc COVID-19 sẽ giảm, nếu có mắc cũng triệu chứng nhẹ, ít khả năng tăng nặng và tử vong.

Bên cạnh thực hiện 5K và giãn cách xã hội, theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, việc bao phủ tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ giảm ca nhiễm mới, ca nặng và từ đó giảm số người tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng khẳng định rằng, nhiều người nghĩ rằng tiêm 2 mũi vaccine sẽ không mắc Covid-19, tuy nhiên nghĩ thế là sai lầm. Thời gian qua ghi nhận tại Việt Nam và trên thế giới có nhiều trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn mắc COVID-19. Bởi các biến chủng virus ngày càng mạnh hơn và có thể có khả năng kháng vaccine. Vaccine giúp giảm mức độ nặng của bệnh chứ không phải 100% không mắc bệnh. Vì vậy, dù đã tiêm vaccine, người dân vẫn nên thực hiện nghiêm quy định 5K và giãn cách để tránh tình trạng lây nhiễm.