Từ ngày 28/6 đến ngày 2/7, Tổng thống Hàn Quốc tiến hành thăm chính thức Mỹ. Ảnh: QQ |
Hàn Quốc tìm sự đồng cảm
Theo các nguồn tin, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã sang thăm Mỹ từ ngày 28/6/2017, chuyến thăm sẽ kéo dài 5 ngày. Đây là chuyến thăm nước ngoài lần đầu tiên của ông Moon Jae-in sau khi lên làm Tổng thống Hàn Quốc. Đồng minh Mỹ đã được chọn làm quốc gia đầu tiên ông đến thăm.
Việc ông Moon Jae-in thăm Mỹ sau khi nhậm chức chỉ 51 ngày đã lập một kỷ lục mới trong lịch sử Hàn Quốc. Ngày 30/6/2017, Tổng thống hai nước Mỹ và Hàn Quốc sẽ có cuộc hội đàm quan trọng tại Nhà Trắng, nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước hiện đang được dư luận quốc tế quan tâm.
Trước chuyến thăm, ông Moon Jae-in cho biết ông sẽ không cố đạt được thành quả trong các vấn đề cụ thể, mà sẽ tập trung vào xây dựng tình hữu nghị với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, tích tụ niềm tin, lấy đó làm nền tảng để củng cố đồng minh Hàn - Mỹ, tiếp tục thảo luận phương án chung giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Phủ Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy Mỹ tái cam kết về phòng thủ chung của hai nước.
Có thể thấy, củng cố đồng minh Hàn - Mỹ, tìm kiếm sự đồng cảm và ủng hộ tối đa của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là mục tiêu lớn nhất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến thăm Mỹ lần này.
Nhìn lại lịch sử, trên cơ sở kế thừa “chính sách Ánh Dương” đối với Triều Tiên của cựu Tổng thống Kim Dae Jung, cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã thực hiện ngoại giao cân bằng, gây bất mãn cho Mỹ, làm cho chính sách tiếp xúc, hòa giải với Triều Tiên của ông cuối cùng “phí công vô ích”.
Đối với Mỹ, chính sách của ông Roh Moo-hyun nhằm thoát khỏi khuôn khổ đồng minh Hàn - Mỹ để thực hiện chính sách đối với Triều Tiên. Điều này không phù hợp với định vị của quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ và phương hướng chính sách đối với Triều Tiên của Mỹ.
Mỹ muốn Hàn Quốc trở thành người hỗ trợ Mỹ kiểm soát tình hình Đông Bắc Á và trừng phạt Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân, chứ không phải là muốn có một mối quan hệ đối tác bình đẳng với Hàn Quốc.
Là người bạn thân và cố vấn lâu năm của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, ông Moon Jae-in được cho là sẽ tiếp tục đường lối của ông Roh Moo-hyun. Đây là điều gây cảnh giác cho Mỹ và cũng là điều mà Mỹ không muốn xảy ra.
Nhiều hành động liên tiếp của ông Moon Jae-in sau khi lên cầm quyền như tạm dừng triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD), tìm cách khởi động đàm phán với Triều Tiên… đã gây nhiều nghi ngờ cho chính quyền tổng thống Donald Trump.
Trước sau chuyến thăm Mỹ, ông Moon Jae-in nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ, mục đích là để tìm cách xóa bỏ nghi ngờ của Mỹ.
Hiện nay, những vấn đề quan tâm nhất của chính quyền Moon Jae-in và chính quyền Donald Trump là chi phí triển khai hệ thống THAAD, hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn và vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết triển khai THAAD mặc dù là quyết định của chính phủ khóa trước, nhưng chính phủ mới của Hàn Quốc cũng coi trọng nó, sẽ không thay đổi quyết định vốn có.
Tăng cường đầu tư lẫn nhau
Khi tham dự Hội nghị xúc tiến thương mại Hàn - Mỹ ở Washington Mỹ vào tối ngày 28/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhấn mạnh các doanh nghiệp Mỹ có thể yên tâm khi đầu tư vào Hàn Quốc, cho dù đang tồn tại vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Ông Moon Jae-in cho biết nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng tìm kiếm điểm tăng trưởng kinh tế mới cần lấy hòa bình bán đảo Triều Tiên làm tiền đề.
Tổng thống Moon Jae-in chủ trương trọng điểm trong chính sách kinh tế của tân Chính phủ Hàn Quốc là tạo công ăn việc làm, doanh nghiệp hai nước Hàn Quốc và Mỹ đầu tư tích cực vào nhau sẽ đóng góp rất lớn cho việc tăng việc làm.
Ông cho rằng hợp tác kinh tế Hàn - Mỹ vượt qua phạm trù thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thương mại hai nước, có thể thúc đẩy hai nước phát triển thành đối tác kinh tế chiến lược cùng mở rộng thị trường toàn cầu.
Tháp tùng chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc là một đoàn doanh nghiệp quy mô lớn của Hàn Quốc (52 doanh nghiệp), trong đó có các tên tuổi lớn và nổi tiếng như Samsung, LG, SK, CJ, LS, GS...
Các doanh nghiệp này quyết định đầu tư 12,8 tỷ USD vào Mỹ trong 5 năm tới, lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào xây dựng nhà máy tại địa phương, mở rộng thiết bị sản xuất, nghiên cứu phát triển công nghệ, mua bán sáp nhập doanh nghiệp.
Vừa qua, Tập đoàn Samsung cho biết họ đã đồng ý đầu tư 380 triệu USD xây dựng một nhà chế tạo đồ điện gia dụng tại bang South Carolina, Mỹ. Dự kiến, đến năm 2020, nhà máy này sẽ tạo ra được 954 cơ hội việc làm.
Vào tháng 2/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng viết trên Twitter rằng: Cảm ơn Samsung, hoan nghênh các bạn đến Mỹ.
Tổng giám đốc Samsung tại Mỹ, ông Tim Baxter cho biết: “Thông qua việc đầu tư này, Samsung tái khẳng định nỗ lực mở rộng sản xuất kinh doanh tại Mỹ, đồng thời làm sâu sắc mối liên hệ với người tiêu dùng, kỹ sư và các nhà sáng tạo của Mỹ.
Trong khi đó, vào tháng 3/2017, Tập đoàn LG Hàn Quốc tuyên bố sẽ đầu tư 250 triệu USD xây dựng nhà máy ở bang Tennessee, Mỹ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Mỹ lần này còn liệt kê "danh sách mua hàng" trị giá 22,4 tỷ USD, có kế hoạch mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và máy bay chở khách của Mỹ.
Có phân tích cho rằng những hợp tác kinh tế mới này giữa Hàn Quốc và Mỹ là kết quả từ những phê phán, gây sức ép của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Hàn Quốc về vấn đề "mất cân bằng thương mại" giữa hai nước trong thời gian qua.