Tôm Việt phải chịu chỉ định kiểm dịch khi vào Hàn Quốc

VietTimes -- Từ 1/4 tới, các mặt hàng tôm ướp lạnh, đông lạnh từ các nước thành viên của WTO sẽ phải qua chỉ định kiểm dịch trước khi muốn nhập khẩu vào nước này

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Công Thương, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam vừa chuyển thông báo từ Bộ Thủy sản và Hải Dương, Hàn Quốc lên WTO về quy định mới của Luật quản lý dịch bệnh thủy sản áp dụng đối với tất cả các quốc gia thành viên của WTO có hoạt động xuất khẩu thủy sản là đối tượng kiểm dịch vào Hàn Quốc.

Hiện tại, Việt Nam có 6 trung tâm kiểm định chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu được phía Hàn Quốc công nhận đạt đủ tiêu chuẩn. Với quy định mới này, các trung tâm cần bổ sung mặt hàng tôm vào danh mục kiểm định, đồng thời cần trao đổi và làm rõ với phía Hàn Quốc về điều kiện và phương thức kiểm định. 

Trên cơ sở đó, các trung tâm cần kịp thời phổ biến cho doanh nghiệp quy định mới của Hàn Quốc để tránh ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động xuất khẩu mặt hàng tôm của Việt Nam.

Được biết, hiện Hàn Quốc mới chỉ áp dụng quy trình chỉ định kiểm dịch đối với các sản phẩm bào ngư và hàu đông lạnh, ướp lạnh. 

Hàn Quốc là thị trường NK lớn thứ 5 của tôm Việt Nam, sau Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc; chiếm 9% tổng XK tôm. Trong 5 năm (2010-2014), XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc duy trì sức tăng trưởng khả quan. Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này và duy trì vị trí số 1 cho tới nay.

Theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ tôm của người Hàn Quốc ngày một tăng do sản lượng thủy sản nội địa giảm và xu hướng quan tâm tới thực đơn ăn uống lành mạnh và có lợi cho sức khỏe của người dân nước này.

Ở một diễn biến liên quan, ngày 7/1, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia cũng ra thông báo về việc thực thi khẩn cấp lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á do lo ngại bùng phát bệnh dịch đốm trắng tại Australia. Lệnh cấm trên có hiệu lực từ ngày 9/1 và kéo dài trong vòng 6 tháng.
 
Ngay sau khi phía Australia có thông báo tạm ngừng nhập khẩu, ngày 9/2/, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có công thư gửi Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia nêu quan ngại trước ảnh hưởng tiêu cực của lệnh cấm này đối với ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam, những khó khăn, tổn thất mà người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang đối mặt và đề nghị Chính phủ Australia cân nhắc, sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu nói trên.