Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông

VietTimes -- Tòa án quốc tế ở The Hague (Hà Lan) đã đưa ra phán quyết tuyên bố Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để đòi “chủ quyền lịch sử” với các đảo trên Biển Đông.
Người dân Philippines vỡ òa trong niềm vui sau khi Tòa Trọng tài Thường trực đã chính thức ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông
Người dân Philippines vỡ òa trong niềm vui sau khi Tòa Trọng tài Thường trực đã chính thức ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông

Cách đây vài phút, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague đã ra phán quyết đối với đơn Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Hai điểm chính được quan tâm nhiều là “đường chín đoạn” và lập trường của tòa đối với một số đảo, đá và bãi ngầm có tranh chấp.

Theo phản ánh của hãng tin BBC, Tòa án quốc tế ở Hague đã đưa ra phán quyết nói rằng Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để đòi “chủ quyền lịch sử” với các đảo trên Biển Đông.

“Tòa kết luận không có căn cứ pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường chín đoạn",” - thông cáo của Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague nhấn mạnh.

fig come here
Toà PCA khẳng định rằng dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng trong lịch sử Trung Quốc chưa bao giờ "thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh." 

Phán quyết này được đưa ra sau quá trình thụ lý kéo dài 3 năm đối với đơn kiện của Philippines nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Thông cáo báo chí của PCA nêu rõ, Tòa kết luận các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở quần đảo Trường Sa là những "bãi đá," do đó nó không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ).

Tòa cũng kết luận Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ ngăn chặn các va chạm ở biển và các vấn đề liên quan đến an toàn hàng hải.

Theo trình tự, các quốc gia quan sát quá trình tố tụng, nước thành viên PCA, các tòa thành viên của PCA, công chúng và các phương tiện truyền thông cũng nhận được e-mail về phán quyết kể trên.

Sau khi e-mail đã được gửi đi, quyết định cũng sẽ được tải lên trang web của PCA.

Đường lưỡi bò phi pháp Trung Quốc tự ý vẽ, tuyên bố, đòi hỏi chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông.
Đường lưỡi bò phi pháp Trung Quốc tự ý vẽ, tuyên bố, đòi hỏi chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông.

Philippines bắt đầu quá trình tố tụng tại PCA kiện Trung Quốc vào ngày 22/1/2013 sau nhiều năm bế tắc và căng thẳng trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông mà không đạt được kết quả.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển Đông bằng việc đưa ra “đường chín đoạn” bao gồm cả khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

fig come here
Phán quyết 497 trang của PCA kết luận rằng lực lượng tuần tra Trung Quốc có thể gây nguy hiểm đâm, đụng với tàu đánh cá và hoạt động xây dựng của họ gây ra tổn hại không thể phục hồi được đối với rạn san hô ở đây. 

Trung Quốc đã từ chối tham gia vào quá trình tố tụng của PCA khi cho rằng PCA không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và khẳng định mình có "chủ quyền không thể tranh cãi" trên Biển Đông.

Tuy nhiên, PCA đã ra phán quyết trước đó khẳng định rằng PCA có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và đã thụ lý hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines.

Đúng như dự đoán, Trung Quốc đã ra ngay tuyên bố phản ứng, nói phán quyết “vô căn cứ”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc - điển hình là Tân Hoa Xã ngay lập tức cho rằng  phán quyết của PCA “không có giá trị”.

Ngay trước khi tòa Hague đưa ra phán quyết cuối cùng, bên ngoài tòa PCA đã có sự xuất hiện của những người ủng hộ lập người của Philippines cũng như những người Trung Quốc ủng hộ quan điểm đòi hỏi chủ quyền phi pháp của chính quyền Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông.

 

                                                            Diễn biến vụ kiện

-20/8/2013, Tòa Trọng tài đưa ra án lệnh số 1 thông qua Quy tắc tố tụng của vụ kiện.

-27/8/2013, Tòa Trọng tài đưa ra án lệnh số 2: 30/3/2014 Philippines phải  nộp bản lập luận.

-16/12/2014 Trung Quốc phải nộp bản phản biện.

-28/2/2014, Philippines đề nghị Tòa cho phép sửa đổi lại nội dung Thông báo và tuyên bố khởi kiện, bổ sung thêm bãi Cỏ Mây và nội dung vụ kiện. Ngày 11/3/2014, Tòa đồng ý.

-30/3/2014, Philippines đã đệ trình Hồ sơ gồm 4.000 trang tài liệu cho Tòa.

-20/4/2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan gửi Công hàm cho Tòa đề nghị Tòa cung cấp bản sao các văn bản tố tụng và các tài liệu có liên quan khác,

-24/4/2014, Tòa cung cấp các tài liệu liên quan trong đó có Bản lập luận của Philippines.

-30/7/2014, Philippines gửi Công hàm cho Tòa đề nghị quan tâm việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa.

-5/12/2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Tuyên bố về lập trường của Việt Nam đối với vụ kiện: Việt Nam ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; đề nghị Tòa quan tâm lợi ích pháp lý của Việt Nam.

-7/12/2014, TQ công bố Văn kiện lập trường về vấn đề thẩm quyền của Tòa; khẳng định Tòa không có thẩm quyền. 

-16/12/2014, Tòa xác nhận Trung Quốc không đệ trình văn bản Phản biện; ra Án lệnh số 3 y/c Philippines cung cấp bổ sung lập luận trước ngày 15/3/2015.

-16/3/2015, Philippines đệ trình Bản lập luận bổ sung, trả lời 26 câu hỏi của Tòa, gồm 12 chương với 3.000 trang, trong đó có 200 bản đồ.

-21/4/2015, Tòa ra Án lệnh số 4, chia vụ kiện làm 2 giai đoạn (xem xét thẩm quyền và xem xét nội dung thực chất).

-22/4/2015, Tòa ghi nhận Việt Nam đã gửi tuyên bố đến Tòa và Philippimes đã đưa Tuyên bố của Việt Nam vào Phụ lục số 468 trong lập luận bổ sung.

-11/6/2015, Đại sứ quán Malaysia tại Hà Lan cho rằng lợi ích của Malaysia bị ảnh hưởng, đề nghị Tòa cung cấp các bản sao hồ sơ và tham dự tranh tụng với tư cách quan sát viên.

 -26/6 và 29/6/2015, ĐSQ Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia đề nghị tham dự với tư cách QSV và được chấp nhận.

Phiên tranh tụng về thẩm quyền từ 7 đến 14/7/2015 tại cung điện Hòa Bình, trụ sở của ICJ và PCA. Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái và Nhật Bản dự (vai trò quan sát viên)

Tin đang cập nhật...