Tài liệu vừa được công bố ngày 25/8 cho thấy tòa án tại Canada đã không đáp ứng yêu cầu từ phía luật sư của bà Mạnh Vãn Châu trong phiên xử tuần trước. Theo đó, "công chúa Huawei" muốn các tài liệu liên quan tới vụ bắt giữ bà tại sân bay Vancouver tháng 12/2018 được công khai.
Bà Mạnh Vãn Châu khi đó bị bắt khi đang nối chuyến bay tại Vancouver, dưới yêu cầu từ Mỹ do bị cáo buộc không tuân thủ các lệnh cấm vận của Mỹ và lừa đảo ngân hàng HSBC.
Cựu Giám đốc tài chính Huawei và các luật sư của mình đã yêu cầu tòa án phải công khai nhiều bằng chứng hơn về vụ bắt giữ, để lập luận rằng bà là nạn nhân của việc lạm dụng quy trình xét xử.
Các bằng chứng này bao gồm thư từ và ghi chú của các nhân viên chính phủ Canada như cảnh sát, nhân viên biên giới và luật sư.
Theo Reuters, một số bằng chứng đã được tòa án công khai, tuy nhiên các luật sư của chính phủ Canada đã từ chối công bố tất cả bằng chứng vì cho rằng điều này sẽ gây hại cho an ninh quốc gia.
Thẩm phán của phiên tòa cho rằng các thông tin được yêu cầu công khai không hề liên quan tới vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu.
"Các thông tin này không phải là những 'mảnh ghép còn thiếu' mà bà Mạnh tìm kiếm", Thẩm phán Catherine Kane viết trong bản kết luận.
Công chúng và giới truyền thông không được tham gia phiên điều trần tại Tòa án Tối cao British Columbia ở Vancouver hôm 18/8. Các luật sư của bà Mạnh cũng không được tham dự. Thay vào đó, một luật sư có quyền tiếp cận thông tin đã được chỉ định để bào chữa cho bà Mạnh. Người được chọn là luật sư Anil Kapoor của Toronto.
Bà Mạnh sẽ tiếp tục xuất hiện trước tòa vào tháng 9 để điều trần về các cáo buộc liên quan đến lạm dụng quy trình xét xử. Phiên tòa về việc dẫn độ dự kiến kéo dài đến năm 2021, nhưng việc kháng cáo có thể làm quá trình này kéo dài ra thêm nhiều năm.
Bà Mạnh Vãn Châu là con gái của ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei. Bà bị bắt tại sân bay Vancouver vào ngày 1/12/2018 và đang bị quản thúc tại gia trong khi kháng lại yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Vụ bắt giữ bà Châu đã gây căng thẳng cho quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và Canada.