Thương chiến Mỹ-Trung: Các nhà đàm phán hai nước có cuộc thảo luận đầu tiên dưới thời Biden

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhà đàm phán thương mại của Trung Quốc và Mỹ đã có cú điện đàm đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện quan hệ thương mại song phương.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vài tháng 1/2020 (Ảnh: EPA)
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vài tháng 1/2020 (Ảnh: EPA)

Một tuyên bố ngắn mà Bộ Thương mại Trung Quốc mới đưa ra cho hay, Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã có một cuộc trao đổi “thực chất và mang tính xây dựng”.

“Hai bên đã thực hiện những cuộc trao đổi thực chất và mang tính xây dựng, dựa trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Hai bên tin rằng sự phát triển của thương mại song phương là rất quan trọng, và họ trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề chung, nhất trí sẽ tiếp tục đối thoại” – tuyên bố nói.

Tuyên bó từ Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ nói rằng, bà Tai đã thảo luận về các nguyên tắc định hướng của chính sách thương mại tập trung vào nhân công của chính quyền Biden và quá trình đánh giá lại quan hệ thương mại Mỹ-Trung, cùng lúc nêu nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

“Đại diện Katherine Tai đã có cuộc họp trực tuyến tốt đẹp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc để thảo luận về tầm quan trọng của quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc” – tuyên bố nói.

“Trong cuộc trao đổi thực chất này, bà Tai đã thảo luận về các nguyên tắc định hướng của chính sách thương mại tập trung vào người lao động của chính quyền Biden-Harris. Bà Tai nhấn mạnh rằng bà mong đợi có thêm các cuộc thảo luận trong tương lai với Phó Thủ tướng Lưu Hạc” – tuyên bố cho biết thêm.

Lần trước đó mà hai bên có cuộc thảo luận về thương mại là vào tháng 8/2020, dưới thời chính quyền Donald Trump, sau khi Mỹ và Trung Quốc ký một thỏa thuận thương mại cục bộ vào tháng 1/2020. Các nhà đàm phán thương mại của hai nước sẽ tổ chức thảo luận 6 tháng 1 lần để đánh giá tiến trình thwucj thi thỏa thuận đó.

Bà Tai nói rằng Mỹ vẫn đói mặt với “nhiều thách thức lớn” trong quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc, và cần sự tập trung để giải quyết.

Trả lời phỏng vấn hãng Reuters trong hôm thứ Tư, bà Tai nói rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một là quan trọng, nhưng cũng chỉ là một phần trong mối quan hệ phức tạp, đầy thách thức giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Những thách thức bao trùm mà chúng ta có với Trung Quốc vẫn còn đó, và chúng rất lớn” – bà Tai nói.

Liên quan tới thỏa thuận thương mại giai đoạn một – trong đó yêu cầu Bắc Kinh tăng lượng mua hàng nông sản, năng lượng và dịch vụ của Mỹ - bà Tai nói: “Hãy đặt nó trong bối cảnh thương mại tổng quan Mỹ-Trung, và quan hệ kinh tế vốn đầy thách thức. Nó đòi hỏi sự tập trung của chúng ta”.

Theo bản phân tích mới nhất về thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) công bố, tổng lượng hàng hóa Mỹ theo như thỏa thuận mà Trung Quốc nhập khẩu đạt 47,1 tỉ USD tính đến cuối tháng 4, thấp hơn so với mục tiêu 64,5 tỉ USD. Trong cùng kỳ, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm theo như thỏa thuận đạt 34,5 tỉ USD, thấp hơn so với mục tiêu 57,4 tỉ USD.

Bà Tai trong tháng 3 năm nay từng nói rằng một cuộc họp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ được tổ chức “khi đúng thời điểm” và rằng các hàng rào thuế mà Mỹ áp với hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ được duy trì nếu như các nhà đàm phán không đạt được kết quả.

Tuần trước, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra một tuyên bố chung nói rằng họ có thẻ hợp ác để “bắt các nước ủng hộ chính sách bóp méo thương mại như Trung Quốc phải chịu trách nhiệm”. Tuyên bố này được đưa ra bởi bà Tai, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovslis.