Theo báo cáo do Bộ trưởng Tư pháp trình bày, tính đến 28/6, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 56 văn bản quy định chi tiết luật, đạt 32,54%.
Về việc xây dựng, ban hành nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, tính đến 28/6, các bộ, cơ quan ngang bộ đã trình Chính phủ 49/50 văn bản, còn 1 văn bản do Bộ Quốc phòng chủ trì, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Từ nay đến cuối năm 2016, các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, ban hành 114 văn bản (25 nghị định, 3 quyết định, 74 thông tư, 12 thông tư liên tịch) quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7; xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành 81 văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật và các nội dung được luật giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực sau ngày 1/7.
Nhận định áp lực ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trong thời gian qua là rất lớn, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, nhất là Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ với kết quả hoàn thành 49 nghị định.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Quản lý kinh tế Trung ương, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, truyền thông, chuyên gia, người dân đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, giúp các cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện các văn bản.
Quán triệt tinh thần không sao chép thông tư cũ vào nghị định mới, doanh nghiệp được làm những việc mà pháp luật không cấm, giảm giấy phép con, theo đúng với tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định, sự đổi mới này rất quan trọng đối với việc giải phóng sức sản xuất, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, loại bỏ tư duy cũ kiềm chế sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
“Chúng ta cần nghiêm túc, cầu thị trong công tác xây dựng thể chế, không vì áp lực về tiến độ, số lượng mà bỏ qua chất lượng, cũng như không để buông lỏng quản lý Nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, về kết quả xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết các luật khác, Thủ tướng cho rằng vẫn còn nợ đọng nhiều nên cần nỗ lực rất lớn trong thời gian tới.
“Tôi đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục tập trung vào công tác này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trực tiếp chỉ đạo, bố trí cán bộ, phân công rõ người chủ trì, phối hợp, chịu trách nhiệm chính để hạn chế tình trạng nợ đọng hiện nay”, Thủ tướng nêu rõ và mong muốn các bộ trưởng biến quyết tâm thành hành động cụ thể với tinh thần “Chính phủ kiến tạo chứ không phải chạy theo sự vụ”, tạo môi trường chính sách tốt để phát triển.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc hơn nữa công tác xây dựng thể chế; đẩy nhanh thẩm tra văn bản; các bộ tăng cường bố trí cán bộ pháp chế. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ các bộ, ngành soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Trong các cuộc giao ban của các bộ thì phần đầu tiên phải thảo luận về công tác xây dựng thể chế. Các bộ phải rà soát lại tổ biên tập, xem còn khâu nào, cán bộ nào yếu kém để khắc phục.
“Chúng ta phải hoàn thành sớm, đúng số lượng nhưng phải bảo đảm chất lượng văn bản được ban hành, với tư duy đổi mới, không áp đặt tư duy cũ vào các văn bản mới này để giải phóng sức sản xuất, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi”, Thủ tướng nhấn mạnh. Dù thời gian gấp nhưng phải tuân thủ quy trình công khai, lấy ý kiến trên các cổng thông tin điện tử, đặc biệt là mời các chuyên gia, đối tượng chịu tác động trực tiếp để trao đổi, thảo luận.
Theo chương trình phiên làm việc sáng nay, Chính phủ nghe, thảo luận về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày tóm tắt báo cáo về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở giáo dục đại học công lập thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77/NQ-CP; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP báo cáo xin ý kiến Chính phủ về việc giao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực BHYT (không thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia do Bộ Y tế tổ chức đấu thầu), việc thành lập đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế.
Theo VGP