Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc 26/5 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter phát biểu hôm 25/5 với các học viên Học viện Chiến tranh Hải quân Newport rằng Mỹ sẽ đối đầu lâu dài với Trung Quốc, Nga khi nói về chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Carter nhấn mạnh rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương đặc biệt quan trọng đối với Mỹ, coi đây là "khu vực quan trọng nhất duy nhất thế giới".
Trên thực tế, khu vực này đã tập trung phần lớn dân số thế giới và một số nền kinh tế lớn nhất.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, cạnh tranh đối kháng với Nga và Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay "sẽ tiếp tục rất nhiều năm". "Sẽ tiếp tục cạnh tranh với Nga và Trung Quốc". "Đây là sự lựa chọn của họ, nhưng chúng ta cần phản ứng quyết đoán, mạnh mẽ để ngăn chặn".
Ông nói: "Mỹ cho rằng bản thân đang gánh trách nhiệm duy trì trật tự thế giới. Nhưng, một số nước rõ ràng không muốn như vậy, hoặc tìm cách thách thức, hoặc tồn tại ý kiến thâm căn cố đế trên sân khấu quốc tế".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng tình hình này sẽ không thay đổi trong ngắn hạn, điều này "không phù hợp với lợi ích lâu dài của nhân dân Trung Quốc và Nga".
Tờ Defense One Mỹ ngày 25/5 cũng dẫn lời ông Ashton B. Carter cho rằng, hành động và phản ứng của Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông chẳng qua là một phần của cục diện lớn thời đại.
Ông Carter cho biết, đối mặt với một nước Trung Quốc trỗi dậy, những nỗ lực duy trì sự ổn định và an ninh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương tương tự như đối đầu Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô 50 năm qua.
"Đây sẽ là cuộc đối đầu lâu dài kiên quyết, ôn hòa, nhưng mạnh mẽ, rất có thể sẽ tiếp tục những năm tới. Tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của chúng tôi sẽ không làm qua loa, mà sẽ tiến hành lâu dài".
Ông Ashton B. Carter còn cho biết, "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" không chỉ là thực hiện quyền tự do đi lại, mà là một kế hoạch đồng bộ về ngoại giao, kinh tế và quân sự, tăng cường hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
"Kế hoạch này bao gồm điều lực lượng quân sự đến khu vực, hiện đại hóa lực lượng quân sự, tiến hành diễn tập quy mô lớn song phương và đa phương, đồng thời tiến hành hợp tác quân sự với các nước mong muốn tăng cường hợp tác với Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Đối với việc Mỹ đã điều 3 tàu chiến đi vào vùng biển 12 hải lý các đảo đá trên Biển Đông thời gian gần đây, ông Ashton B. Carter cho biết, những hành động này không chỉ nhằm vào Biển Đông. Mỹ làm việc này trên toàn cầu, không nhằm vào bất cứ nước nào, kể cả Trung Quốc.
Trước đó, ngày 2/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng cho biết, phương án ngân sách năm tài khóa 2017 của Bộ Quốc phòng Mỹ đặt trọng điểm vào năng lực công nghệ cao để đối phó Nga và Trung Quốc.
“Biện pháp của chúng tôi then chốt là có thể răn đe các đối thủ tiên tiến nhất. Mỹ phải có khả năng tạo ra những tổn thất không thể chống đỡ đối với những kẻ khiêu khích tiên tiến nhất, để họ hoặc từ bỏ các hành vi khiêu khích, hoặc rất hối hận sau khi khiêu khích” – ông Carter nhấn mạnh.
Ông Carter còn cho biết: “Trung Quốc và Nga đang phát triển các vũ khí và phương thức tác chiến có thể nhanh chóng thực hiện mục tiêu trước khi Mỹ đưa ra phản ứng. Chính vì vậy, do các hành vi của họ hiện nay (từ Ukraine đến Biển Đông), Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng mức độ quan trọng của Nga và Trung Quốc trong kế hoạch và ngân sách quốc phòng”.
Ngoài ra, theo tờ Sputnik Nga ngày 25/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, Mỹ cần duy trì ưu thế quân sự đối với Nga và Trung Quốc, bao gồm ưu thế quân sự trên biển.
Tờ Sputnik Nga cho rằng, phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho thấy, Mỹ sẽ tiếp tục "đối kháng" với Trung Quốc và Nga.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời Kim Xán Vinh, Phó giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc ngày 26/5 cho rằng, phát biểu của ông Ashton B. Carter không thể nói là đồng thuận của Mỹ. Nhưng có thể nói đó là đồng thuận của phía quân đội.
Ở góc độ của Trung Quốc, Kim Xán Vinh cho rằng, rất nhiều phán đoán của ông Carter có vấn đề. Quan hệ Trung-Mỹ hoàn toàn không giống quan hệ Mỹ-Liên Xô, bối cảnh và cục diện thời đại đều không giống nhau.
Về cục diện, Trung Quốc và Mỹ tuy có xung đột, hơn nữa, tỷ lệ xung đột đang tăng lên, nhưng mặt hợp tác lớn, lợi ích đan xen, phức tạp hơn so với đối đầu Mỹ-Liên Xô.
Kim Xán Vinh cho rằng, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có sức sống nhất toàn cầu, có liên quan đến tiền đồ kinh tế của Mỹ, cộng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cho nên, đây là quốc gia có sức mạnh nhất sau này. Vì vậy, trọng tâm của Mỹ sẽ chuyển từ châu Âu đến châu Á, từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương.
Theo tầm nhìn của Kim Xán Vinh, nếu đối đầu lâu dài với Trung Quốc, Mỹ sẽ thua. Ông ta giải thích rằng, Trung Quốc và Mỹ đều có năng lực công nghiệp hóa, đây là so sánh về quy mô. Trung Quốc là quốc gia có hơn 1 tỷ người, vượt xa số người của cách mạng công nghiệp do Anh, Mỹ lãnh đạo. Vì vậy, Trung Quốc sẽ leo lên đỉnh của công nghiệp hóa loài người.