Thiếu vaccine Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế thành lập Ban Chỉ đạo đảm bảo nguồn cung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bộ Y tế vừa thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030.

Trẻ em tiêm chủng vaccine
Trẻ em tiêm chủng vaccine

Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm Trưởng Ban và Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm Phó Trưởng Ban. Các thành viên gồm Cục trưởng Cục Quản lý Dược và lãnh đạo các Cục: Cục Y tế dự phòng, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch-Tài chính, Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Ban Chỉ đạo có Tổ giúp việc do ông Lê Việt Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - làm Tổ trưởng, cùng các thành viên là lãnh đạo các phòng thuộc Cục Quản lý Dược, văn phòng Chương Trình tiêm chủng Quốc gia, Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế…

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ triển khai chương trình đảm bảo nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình) của Bộ Y tế; nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, ban hành, tham mưu Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế chính sách có liên quan để thực hiện hiệu quả Chương trình, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác của chương trình; đánh giá sơ kết, tổng kết, khen thưởng các cá nhân/đơn vị trong quá trình thực hiện.

Trong trường hợp cần thiết, Ban Chỉ đạo thành lập các nhóm tư vấn, hoặc lấy ý kiến tư vấn, góp ý của các tổ chức, cá nhân chuyên gia trong và ngoài nước về chính sách đề xuất, hoặc các nội dung hoạt động cụ thể của chương trình. Trưởng, Phó Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của cơ quan để thực hiện nhiệm vụ.

Đối với Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất Ban Chỉ đạo biện pháp triển khai; giúp Ban Chỉ đạo trong công tác điều hành, điều phối hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình; tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo huy động chuyên gia tham gia vào các hoạt động triển khai thực hiện Chương trình với từng nội dung, lĩnh vực; nghiên cứu, báo cáo Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, ban hành, hoặc tham mưu Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế chính sách có liên quan để thực hiện hiệu quả Chương trình, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác của chương trình đã được phân công; thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phân công.

Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Trước đó, Sở Y tế TP HCM cho biết, hiện các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn đã hết vaccine cho chương trình Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, nên Sở Y tế TP HCM tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình cung ứng vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Đồng thời, Sở Y tế TP HCM giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tiếp tục điều phối hợp lý nguồn vaccine còn lại giữa các địa phương trên địa bàn TP, và hướng dẫn các trạm y tế phường, xã rà soát và quản lý chặt chẽ danh sách trẻ đến lượt tiêm mới, tiêm nhắc lại để kịp thời nhắc và triển khai tiêm sớm nhất khi có nguồn vaccine được cung ứng trở lại.

Theo Sở Y tế TP HCM, các loại vaccine vaccine DPT-VGB-HiB (vaccine 5 trong 1, để phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib), vaccine DPT (phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván hấp phụ) đã hết từ đầu tháng 5/2023.

Bên cạnh đó, các loại vaccine khác trong chương trình Tiêm chủng mở rộng như: vaccine viêm gan B, vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine lao (BCG), vaccine bại liệt (bOPV), vaccine sởi, vaccine uốn ván (VAT vaccine sởi và rubella (MR)... cũng đã hết kể từ tháng 10/2023.

Để đảm bảo khả năng cung ứng vaccine cho chương trình Tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế TP HCM cũng đã có văn bản gửi dự trù vaccine chương trình Tiêm chủng mở rộng trong những tháng còn lại của năm 2023 và dự trữ trong 6 tháng đầu năm 2024 để được cung ứng trở lại như trước.