Như Tạp chí điện tử VietTimes đã đưa tin, từ ngày 19/12/2019 đến 27/12/2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng trên Internet để bình chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt qua sông Hương, thành phố Huế.
Đây là lần thứ ba, Thừa Thiên Huế tổ chức thi thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương nhằm xây dựng công trình giao thông trọng điểm trên tuyến đường vành đai 3, đồng thời hình thành một trong những công trình mang tính biểu tượng của Huế. Cây cầu dự kiến nằm thẳng trên trục đường Nguyễn Hoàng, bờ Bắc thuộc phường Kim Long, cách cầu Bạch Hổ hiện tại khoảng 1,3km về phía thượng lưu sông Hương (đi lên phía chùa Thiên Mụ). Bên kia cầu, phía bờ Nam giáp đường Bùi Thị Xuân thuộc Phường Đúc. Công trình có chiều dài dự kiến 385m, chiều rộng 40,5m, với 6 làn xe. Tải trọng thiết kế cầu HL93; khổ thông thuyền theo tĩnh không thông thuyền của cầu Dã Viên là +4,75m; khổ thông thuyền có thể thay đổi theo phương án kiến trúc dự tuyển.
Phòng trưng bày lấy ý kiến người dân
|
Theo quy chế cuộc thi, nhằm mục tiêu xây dựng một công trình kiến trúc tiêu biểu, hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến trúc khu vực sông Hương, phương án dự thi phải có ý tưởng đặc sắc, khác biệt với các cầu đã có trên sông Hương, không trùng lặp với các ý tưởng và phương án thiết kế của các cầu hiện có tại Việt Nam và trên thế giới và đồng thời nghiên cứu kỹ về phương diện chiếu sáng trang trí và chiếu sáng nghệ thuật, tạo điểm đến thu hút khách du lịch. Công trình cũng phải đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật theo quy định, phát huy tối đa về ý tưởng thiết kế, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đạt hiệu quả cao về chất lượng cũng như giá trị văn hóa và thẩm mỹ.
Được biết, trong cuộc thi lần nhất năm 2015, Ban tổ chức không chọn được phương án nào khả thi. Lần thi thứ hai tổ chức năm 2016 có 20 phương án từ 13 đơn vị tham gia. Hội đồng đã chọn ra giải Nhất là phương án “Chiếc nón”, giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về các phương án “Trăng sông Hương” và “Núi Ngự Bình”. Sau cuộc thi, giải Nhất là hình tượng nón lá được đưa ra lấy ý kiến người dân rộng rãi, tuy nhiên, phương án này đã vấp phải sự phản đối từ công chúng cũng như các nhà chuyên môn vì chưa đáp ứng được yêu cầu của một công trình kiến trúc quan trọng, chưa thể hiện được hồn cốt văn hóa, lịch sử cố đô.
Hòm phiếu ý kiến người dân
|
Vì thế, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục mở cuộc thi lần ba, bắt đầu từ tháng 5 năm 2019. Kết thúc cuộc thi, Sở Xây dựng đã nhận được 15 phương án thiết kế từ 11 đơn vị. Hội đồng thi tuyển đã bỏ phiếu, lựa chọn 3 phương án vào vòng 2, gồm: Phương án D781 của Công ty Cổ phần Kiến trúc Lập Phương, phương án V126 của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Thực nghiệm Kiến trúc và Xây dựng, và phương án I156 của liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn WSP Phần Lan và Công ty Cổ phần Tư vấn Kỹ thuật E&R. Để chuẩn bị cho công tác chấm thi tuyển (vòng 2), Sở Xây dựng (cơ quan thường trực Hội đồng thi tuyển) tổ chức công bố, lấy ý kiến cộng đồng về 03 phương án thiết kế đã được chọn nói trên, thời gian để nhân dân tham gia ý kiến và bầu chọn là 9 ngày, từ 8.00 giờ ngày 19/12/2019 đến 17.00 giờ ngày 27/12/2019. Hình thức lấy ý kiến: Công bố tại Văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế bằng hình thức treo Pano, bản vẽ, phát phiếu tham gia ý kiến cho các tổ chức, cá nhân và bình chọn cho các phương án trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/ và website Sở Xây dựng https://sxd.thuathienhue.gov.vn/.
Phiếu lấy ý kiến
|
Những ngày đầu của cuộc bình chọn, có lẽ do người dân chưa nắm bắt đầy đủ thông tin, cũng là thời gian để tìm hiểu nên lượng người tham gia chưa nhiều. Cuộc bình chọn 3 phương án thiết kế kiến trúc cầu bắc qua sông Hương lần này có thể ví như cuộc đua tam mã, càng về cuối cuộc đua xếp hạng giữa 3 phương án càng trở nên thú vị và hấp dẫn. Qua theo dõi trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng, cơ quan thường trực của cuộc thi, ba ngày đầu chỉ có khoảng 4.500 người tham gia, số phiếu bầu chọn cho mỗi phương án chưa có nhiều chênh lệch. Nhưng trong những ngày về sau, cuộc bình chọn trở nên sôi nổi nhờ báo chí và mạng xã hội đã cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích cho công chúng biết rõ hơn về cuộc thi, yêu cầu thiết kế, nên lượng người tham gia bầu chọn tăng nhanh.
Đến chiều ngày 25/12, đã có gần 21.000 người bình chọn, tăng gần 5 lần so với 3 ngày đầu tiên. Không dừng lại ở đó, đến đầu giờ chiều ngày cuối của cuộc thi (14.00 giờ ngày 27/12/2019) số người bỏ phiếu lên tới 36.000 người, lượng người tham gia tăng rất nhanh gần 200% so với 2 ngày trước đó. Nhưng đáng kinh ngạc hơn là: vào thời điểm kết thúc cuộc bình chọn (17.00 giờ ngày 27/12/2019), tổng số phiếu bình chọn đã lên tới 48.844 người, nghĩa là lượng người bỏ phiếu đã tăng lên gần 140% chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Như vậy, chỉ trong 2 ngày cuối của cuộc bình chọn, số người tham gia đã tăng gần 2,5 lần so với 7 ngày đầu của cuộc thi. Thật là một cuộc bình chọn thật ấn tượng cả về số lượng người tham gia (gần 5 vạn) lẫn thái độ hưởng ứng. Sự tham gia có phần yên ắng trong những ngày đầu cho thấy công chúng rất có trách nhiệm trong việc tìm hiểu thông tin về cuộc thi, xem xét kỹ càng các phương án mà không vội vàng bầu chọn ẩu.
Phương án "Bình minh trên cầu Long Thọ"
|
Những ngày về cuối, khi có đủ thông tin cần thiết, số lượng người dân tham gia bầu chọn đã tăng nhanh vượt bậc. Qua đây chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của truyền thông trong thời đại Công nghiệp lần thứ tư, vai trò của báo chí, của mạng xã hội, đặc biệt là vai trò của đội ngũ trí thức, nhà báo trách nhiệm cao trước các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương đã kịp thời đưa tin, viết bài công tâm, khách quan và khoa học, góp phần giúp công chúng từ mọi miền đất nước, cả ở nước ngoài biết về cuộc thi và tham gia tích cực. Đó cũng chính là biểu hiện sinh động của tinh thần dân chủ để phát huy sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Đến ngày 31/12/2019, Ban Tổ chức cuộc thi chưa công bố chính thức kết quả bình chọn về mẫu thiết kế kiến trúc cầu vượt qua sông Hương trên trục đường Nguyễn Hoàng, nhưng qua quan sát độc lập trên trang Web của Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế, kết quả bình chọn của cộng đồng sơ bộ như sau: Phương án thiết kế kiến trúc có mã số V126 của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Thực nghiệm kiến trúc và xây dựng thuộc Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh có số phiếu bình chọn cao nhất với 23.317 phiếu, chiếm tỉ lệ 48% tổng số phiếu bầu.
Đứng vị trí thứ hai là phương án mã số D781 của Công ty Cổ phần Kiến trúc Lập Phương – CUBIC Architects có số phiếu bình chọn là 20.072 người, đạt tỷ lệ 41%. Phương án mã số I156 của liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn WSP Phần Lan và Công ty Cổ phần Tư vấn Kỹ thuật E&R đứng vị trí thứ ba, với 5.455 phiếu bầu, chỉ đạt 11% so với tổng số phiếu bầu. Cần lưu ý rằng, kết quả phiếu bình chọn trên đây chỉ để tham khảo từ quan sát cá nhân trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng, kết quả chính thức của cuộc bầu chọn phải đợi công bố từ Ban tổ chức cuộc thi trong những ngày sắp tới.
Đến nay, dư luận xã hội đánh giá cao việc tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về công trình này. Hy vọng, sau khi cộng đồng đã tham gia tích cực hưởng ứng bầu chọn, trong thời gian tới, Hội đồng giám khảo của cuộc thi sẽ lắng nghe và tiếp thu ý kiến tham gia của người dân, chấm thi công tâm, khách quan, chính xác, chọn ra được phương án cầu vượt sông Hương tốt nhất để đưa vào xây dựng, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố di sản trong lòng người dân Việt Nam và thế giới.