ARM chấm dứt hợp tác, giáng đòn chí mạng vào việc phát triển chip của Huawei
Theo hãng tin Reuters, ngày 22.5, công ty thiết kế chip chủ chốt của Anh ARM đã chấm dứt mọi trao đổi nghiệp vụ với Huawei để tuân thủ quy định của chính phủ Mỹ. Hành động này được coi là đòn chí mạng giáng vào lĩnh vực phát triển chip của Huawei.
Reuters cho biết, Công ty ARM đã chỉ thị cho các nhân viên chấm dứt mọi sự hợp tác, chi viện và mọi hợp đồng với Huawei. Một nhân viên ARM tiết lộ ngay từ hôm 16.5 đã biết Huawei sẽ bị Mỹ trừng phạt, không thể tiến hành nghiệp vụ với Huawei; hiện nay ARM đã bị cấm giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật cho Huawei (dù là phần mềm, mã nguồn hay mọi việc nâng cấp), ngay cả thảo luận về công nghệ cũng không được phép.
ARM được cho là hãng sản xuất chip ngang cấp với Intel. Văn bản nội bộ của công ty Nhật Softbank – cổ đông lớn của ARM cho biết, do thiết kế chip của ARM sử dụng công nghệ của Mỹ nên công ty quyết định đình chỉ việc hợp tác với Huawei. Ngoài ra, một số mẫu thiết kế chip của ARM được làm ra ở Austin, Texas và San Jose, California trên đất Mỹ nên phải tuân theo giới hạn do Mỹ đặt ra. ARM cho biết: “Chúng tôi tuân theo mọi quy định được đặt ra bởi chính phủ Mỹ”.
Việc ARM chấm dứt mọi sự hợp tác với Huawei được coi là đòn chí mạng đối với công ty này
|
Mấy năm gần đây, sự chi viện của ARM có tác dụng then chốt trong việc Huawei đẩy mạnh việc chủ động nghiên cứu phát triển chip. Có tạp chí chuyên về công nghệ của Trung Quốc từng phân tích, các CPU, GPU – 2 thành phần quan trọng nhất của các chip như con chip Kirin 980 mới nhất do công ty con HiSilicon của Huawei làm ra đều được mua của ARM; nếu ARM ngừng ủy quyền bán chúng cho HiSilicon thì việc sản xuất chip của Huawei sẽ bị ảnh hưởng. ARM không trực tiếp sản xuất bất kì con chip nào, họ chỉ thiết kế ra các kiến trúc nhân, hệ thống bán dẫn, các tập lệnh... rồi đem bán những tài sản trí tuệ này. Huawei và nhiều hãng khác như Intel, IBM, LG, NEC, SONY... đều mua thiết kế này về tích hợp vào SoC của mình rồi tự sản xuất hay thuê bên thứ 3 sản xuất ra chip. Đa số nền tảng CPU của các smartphone đều đến từ ARM. Thông thường các công ty sau khi nhận được sự ủy quyền từ ARM thì căn cứ váo kiến trúc của họ để chế tạo ra chip của mình. Ví dụ Huawei, Apple và hãng chế tạo chip Qualcomm đều dựa trên sự ủy quyền của ARM để thiết kế bộ xử lý (CPU) của smartphone.
CPU và GPU, hai thành phần quan trọng nhất hiện nay của một con chip di động, nằm trong tay ARM. Khi ARM chấm dứt hợp tác với Huawei có nghĩa là Huawei không còn được phép sử dụng kiến trúc của ARM nữa, và công ty con HiSilicon không còn được sản xuất bất kì con chip nào. Không có CPU và GPU và kiến trúc nhân của ARM cũng có nghĩa là con chip không thể hoạt động được và Huawei thì chưa đủ tầm để có thể sáng tạo ra một kiến trúc khác thay thế.
Không còn sự ủy quyền và các công nghệ cốt lõi của ARM thì HiSilicon không thể tự sản xuất được chip nữa
|
Giới quan sát cho rằng, Huawei luôn hy vọng thông qua việc tự chủ nghiên cứu phát triển chip của riêng mình để chống lại việc bao vây, trừng phạt của Mỹ; nhưng một khi ARM chấm dứt hợp tác với Huawei thì từ nay với sau việc công ty này tự mình nghiên cứu phát triển chip, thực hiện chiến lược “dựa vào chip của chính mình” sẽ phải đương đầu với thách thức lớn.
Sau khi Mỹ tuyên bố hạn chế xuất khẩu đối với Huawei, ông Nhiệm Chính Phi, người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn Huawei đã tuyên bố với báo chí “Dự kiến sự tăng trưởng của Huawei có thể bị chậm lại, nhưng ảnh hưởng không lớn lắm (slightly)”. Tuy nhiên, các chuyên gia và giới báo chí phân tích cho rằng, Huawei sẽ bị giáng một đòn nặng nề.
Hãng BBC dẫn lời một nhân sĩ phân tích nói: nếu hành động của ARM kéo dài thì sẽ là đòn đánh khiến Huawei không thể khắc phục được; sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng lực tự phát triển chip của Huawei; hiện nay nhiều loại chip của Huawei được sản xuất bởi công nghệ của ARM, Huawei đã mua giấy phép của ARM. Những công nghệ này được sử dụng trên smartphone, CPU máy tính và cả các máy trạm 5G của Huawei.
Những diễn biến mới cho thấy sự lạc quan của ông Nhiệm Chính Phi: "sự tăng trưởng của Huawei có thể bị chậm lại, nhưng ảnh hưởng không lớn lắm" là quá lạc quan.
|
Ông Geoff Blaber ở công ty nghiên cứu công nghệ CCS Insight khẳng định: “ARM là cơ sở để Huawei thiết kế chip smartphone, vì vậy đây là trở ngại mà Huawei không thể khắc phục. Cũng tức là, do số lớn công ty trong chuỗi cung cứng của Huawei đều áp dụng hành động tuân thủ mệnh lệnh của Mỹ, nên năng lực vận hành của Huawei đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng “.
Ngoài ra, theo Reuters ngày 22.5, EE - hãng kinh doanh thông tin di động lớn nhất Anh cũng cho biết, trước khi vấn đề của Huawei được làm rõ, công ty sẽ không sử dụng các thiết bị và máy điện thoại của Huawei khi đưa ra dịch vụ 5G.
Các công ty Nhật, Đài Loan tẩy chay điện thoại Huawei
Sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh trừng phạt Huawei, 2 hãng viễn thông lớn của Nhật là KDDI và Softbank Corp ngày 22.5 đã thông báo: do không thể bảo đảm tính an toàn của điện thoại Huawei nên hoãn vô thời hạn việc bán ra loại smartphone kiểu mới P30 Lite của Huawei vốn đã ấn định vào ngày Thứ Sáu 24.5.
Từ ngày 14.5, Softbank Corp đã nhận đăng ký đặt mua P30 Lite của khách hàng, nhưng ngày 22.5 đã ngừng lại và liên lạc hủy hợp đồng với những khách hàng đã đặt mua trước đó.
Các điện thoại Huawei P30 Lite mới sẽ không được các công ty Nhật bán ra theo kế hoạch
|
KDDI trước đó nói chưa xác định thời gian mở bán P30 Lite, nhưng “sau khi xem xét tổng hợp đã quyết định hoãn lại”. Cả 2 công ty đều không cho biết đến khi nào thì mở bán. Một hãng viễn thông khác là Docomo hôm 16.5 tuyên bố mùa Hè này sẽ đưa ra thị trường loại smartphone Huawei P30 Pro HW-02L, nhưng sau đó lại bày tỏ sẽ thảo luận việc ngừng tiếp nhận khách đăng ký đặt mua.
Ngoài ra, theo Reuters, ngày 23.5 công ty điện tử Panasonic của Nhật đã ra tuyên bố cho biết đã chỉ thị cho các nhân viên ngừng mọi giao dịch với Huawei và 68 công ty trực thuộc để hưởng ứng lệnh cấm của chính phủ Mỹ. Tờ Nikkei Asian Review cho biết Công ty Panasonic đã ngừng cung cấp cho Huawei các linh kiện, cấu kiện được cho là liên quan đến điện thoại thông minh do một phần sản phẩm của họ đã sử dụng công nghệ của Mỹ. Ngoài ra, Panasonic còn nói sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát xem các sản phẩm khác có bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Mỹ hay không. Năm ngoái, Huawei đã thu mua các sản phẩm trị giá 700 tỷ Yên (6,3 tỷ USD) từ các công ty Nhật như Panasonic, Sony, Toshiba...
Tại Đài Loan, các hãng viễn thông “Trung Hoa điện tín” và “Taiwan Mobile” cũng đã lần lượt tuyên bố không bán các loại smartphone mới của Huawei. Taiwan Mobile còn bày tỏ do các điện thoại kiểu mới của Huawei không được Google hỗ trợ dịch vụ nữa nên trong tương lai hãng này sẽ chấm dứt việc tiêu thụ các mẫu điện thoại của Huawei.
Phó chủ tịch Huawei Từ Thực Quân (Eric Xu) sẽ bị tòa án bang Texas Mỹ xét xử về tội lấy cắp công nghệ của CNEX Lap vào ngày 3.6 tới đây
|
Công ty trực thuộc Microsoft cáo buộc Phó chủ tịch Huawei lấy cắp công nghệ
Theo trang tin Đông Phương ngày 23.5, một công ty công nghệ bán dẫn trực thuộc người khổng lồ công nghệ Microsoft và cả hãng Dell đã cáo buộc ông Từ Thực Quân (Eric Xu), Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Huawei tham gia lấy cắp bí mật công nghệ của họ và đã bắt đầu trình tự điều trình trước khi xét xử.
Wall Strett Journal ngày 22.5 dẫn văn bản của tòa án cho biết, công ty bán dẫn CNEX Labs Inc. cáo buộc ông Từ Thực Quân chỉ thị cho một kỹ sư của Huawei phân tích công nghệ của CNEX. Người kỹ sư ngày tháng 6.2016 đã đóng giả một khách hàng tiềm năng để lừa lấy được các thông tin cơ mật về thương mại và gặp mặt nhân viên quản lý của CNEX. Sau đó người kỹ sư này viết một bản báo cáo về công nghệ của CNEX rồi giao nộp cho kho dữ liệu tình báo (D-box directory) công ty phát triển bán dẫn HiSilicon của Huawei.
Báo chí Nhật đưa tin về việc Công ty Panasonic ngừng mọi giao dịch làm ăn với Huawei
|
Luật sư của CNEX Labs Inc. cho biết, ông Từ Thực Quân còn nghe báo cáo về tình hình hợp tác giữa Huawei với Đại học Hạ Môn về việc cùng nhau đánh cắp công nghệ sản xuất thẻ nhớ (solid-state drive, SSD) của CNEX. Năm 2017, Giáo sư Mao Ba (Bo Mao) của Đại học Hạ Môn lấy cớ nghiên cứu học thuật đã lấy được một chiếc bo mạch in (Printed circuit board) của CNEX, sau đó đã cung cấp kết quả nghiên cứu cho Huawei theo thỏa thuận ngầm.
Tòa án Liên bang Mỹ khu Đông bang Texas sẽ bắt đầu xét xử vụ án vào ngày 3.6 tới đây. Được biết Huawei đã phủ nhận mọi cáo buộc và từ chối bình luận về vụ này.