Tàu sân bay Anh Queen Elizabeth tới Biển Đông, Trung Quốc lớn tiếng đe dọa bắt chước Nga tấn công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (R08) của Hải quân Anh đang hoạt động trên Biển Đông, tàu sân bay Sơn Đông của PLA cũng đã từ đảo Hải Nam ra biển, trong khi PLA và truyền thông Trung Quốc lớn tiếng đe dọa...
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đang hoạt động trên Biển Đông (Ảnh: AP).
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đang hoạt động trên Biển Đông (Ảnh: AP).

Trang web Mỹ The Drive hôm 29/7 chỉ ra rằng mặc dù sự xuất hiện của HMS Queen Elizabeth ở Biển Đông không khiến người ta ngạc nhiên nhưng nó vẫn truyền đi thông tin quan trọng đáng kể khi Anh và các đồng minh đang tìm cách thách thức hơn nữa sự bành trướng thế lực của Trung Quốc ở Biển Đông. Dựa trên kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Cơ quan Khảo sát Địa chất thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cung cấp, cả hai tàu sân bay dường như đang ở trên Biển Đông nhưng cách nhau khoảng 580 hải lý.

Tàu sân bay Trung Quốc Sơn Đông dường như đang từ quân cảng ở đảo Hải Nam đi về phía nam và các hình ảnh vệ tinh cho thấy chiếc HMS Queen Elizabeth đang đi trên vùng biển giữa Việt Nam và Borneo. Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, HMS Queen Elizabeth đã đi vào Biển Đông lần đầu tiên vào hôm 26/7. Một nguồn tin nói rằng với việc Vương quốc Anh thực hiện các hành động quân sự và kinh tế, quan hệ Trung - Anh dự kiến ​​sẽ còn xấu đi hơn nữa.

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã từ Hải Nam ra biển (Ảnh: sina).

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã từ Hải Nam ra biển (Ảnh: sina).

Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), một tổ chức tư vấn thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết vào khoảng 8 giờ sáng ngày 28/7, vệ tinh phát hiện thấy HMS Queen Elizabeth ở vị trí cách bãi cạn Tư Chính khoảng 53,9 hải lý về phía đông-đông nam và đang đi về phía tây.

Ngoài ra, theo The Guardian ngày 30/7, cả quân đội Trung Quốc (PLA) và truyền thông nhà nước Trung Quốc đều cảnh cáo Vương quốc Anh chớ sử dụng nhóm tác chiến tàu sân bay để khiêu khích ở Biển Đông. Trên thực tế, vào ngày 29, Thời báo Hoàn cầu cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc đã đăng bài bình luận có tiêu đề "Tàu Anh đến Biển Đông là thiếu tự trọng, đừng tự chuốc họa vào thân", trong đó chỉ rõ, tất cả phụ thuộc vào việc Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh “có tiến vào lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc hay không”.

Thời báo Hoàn cầu cảnh báo nghiêm khắc rằng nếu tàu chiến Anh học theo quân đội Mỹ hung hăng trên Biển Đông, nhiều khả năng nó sẽ trở thành mục tiêu "giết một đe cả trăm" của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Vị trí tàu sân bay của Anh (dưới) và Trung Quốc (trên) tại Biển Đông hôm 28/7 (Ảnh: chinatimes dẫn twiiter.com/duandang).

Vị trí tàu sân bay của Anh (dưới) và Trung Quốc (trên) tại Biển Đông hôm 28/7 (Ảnh: chinatimes dẫn twiiter.com/duandang).

Thời báo Hoàn cầu nói ý tưởng về sự hiện diện của Anh ở Biển Đông là nguy hiểm. Mặc dù Trung Quốc tôn trọng quyền đi lại theo luật quốc tế, nhưng nếu London muốn hình thành sự hiện diện quân sự có ý nghĩa địa chính trị ở Biển Đông, thì họ đang phá vỡ hiện trạng ở Biển Đông. Nói chính xác hơn, nếu Anh muốn đóng vai trò đe dọa Trung Quốc ở Biển Đông thì là thiếu tự trọng; nếu có hành động thực tế sẽ bị Trung Quốc cho ăn đòn.

Trong Nhóm tấn công tàu sân bay 21 của Anh (Carrier Strike Group 21, CSG 21), ngoài tàu HMS Queen Elizabeth thực hiện chuyến hành trình quân sự đầu tiên, còn có hai tàu khu trục Type 45 khác là HMS Diamond và HMS Defender cùng hai khinh hạm Type 23 là HMS Northumberland và HMS Kent.

Hỗ trợ nhóm tác chiến này là hai tàu tiếp tế hậu cần của Hải quân Hoàng gia Anh RFA Tideforce và RFA Fort Victoria để cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, phụ tùng và đạn dược. Về dưới nước, có chiếc tàu ngầm tấn công Artful chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Astute.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh trên Biển Đông (Ảnh: AP).

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh trên Biển Đông (Ảnh: AP).

Ngoài các hạm tàu của chính mình, nhóm tấn công tàu sân bay của Anh còn có tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS The Sullivans (DDG-68) của Mỹ và tàu chỉ huy phòng không HNLMS Evertsen thuộc lớp De Zeven Provincien của Hà Lan.

Mặt khác, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc ngày 26/7 ra thông báo rằng từ 18h ngày 27/7 đến 22h ngày 29/7, PLA sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại vùng biển đông nam Xuyên Đảo trên Biển Đông. Giới quan sát cho rằng cuộc tập trận quân sự này có tính đối đầu cao và nếu tàu Sơn Đông tham gia cuộc tập trận, tất nhiên sẽ có một nhóm tàu tác chiến cùng với nó.

Các phân tích chỉ ra rằng khi tàu Liêu Ninh đi qua eo biển Miyako ở Nhật Bản vào đầu năm nay, đã có có 2 tàu khu trục Type 052D, 1 tàu khu trục Type 055, 1 tàu hộ vệ tên lửa Type 054A và 1 tàu tiếp tế tổng hợp Type 901 cùng đi với nó

Đáng chú ý hơn, trước việc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tiến vào Biển Đông, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra “cảnh báo nghiêm trọng”, nói rõ "sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để xử lý một cách kiên quyết và hiệu quả".

Chiến đấu cơ F-35 cất cánh từ HMS Queen Elizabeth (Ảnh: AP).

Chiến đấu cơ F-35 cất cánh từ HMS Queen Elizabeth (Ảnh: AP).

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Quốc phòng Trung Quốc diễn ra vào chiều ngày 29/7, Đại tá Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tuyên bố: “Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải mà tàu thuyền các nước được hưởng ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng kiên quyết phản đối một số quốc gia với mục đích khiêu khích đã đưa tàu chiến từ xa vạn dặm đến để tạo ra sự hiện diện".

Ngô Khiêm nhấn mạnh “Quân đội Trung Quốc sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để đáp trả một cách kiên quyết và hiệu quả”.

“Mọi biện pháp cần thiết" mà Trung Quốc nêu rõ là có ý gì? Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo “tàu sân bay Anh ở Biển Đông có được hưởng sự ‘hiếu khách, tương tự như Nga dành cho chiếc HMS Defender ở Biển Đen hay không phụ thuộc hoàn toàn vào biểu hiện của chính người Anh”.

Không ảnh chụp HMS Queen Elizabeth (Ảnh: Dwnews).

Không ảnh chụp HMS Queen Elizabeth (Ảnh: Dwnews).

Thời báo Hoàn cầu viết: “Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải của tàu thuyền các nước trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, đây là ‘bạn bè đến mời uống rượu ngon, nhưng nếu vì mục đích khiêu khích, đưa tàu chiến từ xa vạn dặm tới để thể hiện sự hiện diện của họ, thì đó là ‘chó rừng phải đón bằng súng săn’ ”.

Trước đó, tờ Washington Examiner của Mỹ ngày 23/7 đã đăng bài bình luận, khuyến khích hạm đội Anh đi vào vùng biển bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo mà Trung Quốc đã chiếm và tôn tạo phi pháp trên Biển Đông.

Theo bài báo, mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Mỹ có còn đặc biệt hay không phụ thuộc phần lớn vào việc Vương quốc Anh có đưa tàu chiến vào khu vực bên trong 12 hải lý trên Biển Đông của Trung Quốc hay không.

HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh và các tàu hộ tống của nó đã khởi hành đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ tháng 5/2021, và đi vào Biển Đông qua eo biển Malacca vào ngày 27/7.

Theo trang tin Dwnews (Đa Chiều) ngày 30/7, trước khi HMS Queen Elizabeth lên đường tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace đã tuyên bố rằng lựa chọn triển khai hoạt động đầu tiên của tàu sân bay là để "cờ Anh bay trên khắp thế giới".

Trung Quốc thông báo tập trận lớn trên biển trong khi nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh hoạt động trên Biển Đông (Video: chinatimes).

Trước việc Anh điều tàu sân bay vào Biển Đông và các vùng biển khác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Vương quốc Anh chỉ ra rằng “hành động ngoại giao bằng súng đạn của hải quân Anh đã hết thời từ lâu”, “hy vọng phía Anh tôn trọng chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc ở Nam Hải (tức Biển Đông), không nên tiếp tục làm điều sai trái, gây thù chuốc oán để khiến cho quan hệ Trung – Anh ngày càng tồi tệ thêm”.