Tập đoàn than tư nhân lớn nhất thế giới nộp đơn xin phá sản

Ngày 13-4, tập đoàn than than tư nhân lớn nhất thế giới Peabody Energy (Mỹ) đã nộp đơn lên tòa án ở bang Missouri xin bảo hộ phá sản theo chương 11 của luật phá sản Mỹ trong bối cảnh giá than giảm quá mạnh khiến tập đoàn này mất khả năng trả nợ.
Xe tải hạng nặng ở một mỏ than ở Douglas, bang Wyoming (Mỹ). Ảnh: AP
Xe tải hạng nặng ở một mỏ than ở Douglas, bang Wyoming (Mỹ). Ảnh: AP

TờThe Wall Street Journalcho biết Peabody là trường hợp mới nhất trong làn sóng phá sản đang diễn ra trong ngành than của Mỹ. Trước đó, các công ty than khác như Arch Coal, Alpha Natural Resources, Patriot Coal và Walter Energy cũng đã lần lượt đệ đơn xin phá sản.

Trong tuyên bố xin phá sản, Peabody Energy cho biết đang gánh khoản nợ 10,1 tỉ đô la Mỹ.

Ông Glenn Kellow, Giám đốc điều hành của Peabody Energy nói: “Đây là một quyết định khó khăn nhưng là hướng đi đúng để tiến lên phía trước đối với Peabody Energy. Quá trình này (xin phá sản) cho phép chúng tôi củng cố thanh khoản và giảm nợ”.

Chương 11 của luật phá sản Mỹ là con đường giúp một doanh nghiệp trì hoãn việc trả nợ trong khi thiết kế và thực thi kế hoạch tái cơ cấu.

Theo hãng tin Bloomberg, giá than sử dụng cho các lò luyện kim đã giảm 75% so với mức đỉnh vào năm 2011. Peabody Energy đã phạm phải sai lầm đau đớn khi bỏ ra 4 tỉ đô la Mỹ vào năm này để thâu tóm Công ty than MacArthur Coal Ltd (Úc) với tham vọng mở rộng doanh thu nhờ triển vọng bán than cho các nhà máy thép ở châu Á. Vụ thâu tóm khiến Peabody Energy lâm vào gánh nặng nợ nần.

Được thành lập vào năm 1883 với tài sản chỉ có một chiếc xe goòng và hai con la chở than, Peabody Energy đã vươn lên trở thành tập đoàn than tư nhân lớn nhất thế giới với khách hàng ở 25 nước và sử dụng khoảng 8.000 nhân công.

Các công ty than như Peabody Energy đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất điện ở Mỹ với khoảng gần 30% mạng lưới điện ở Mỹ còn phụ thuộc vào than. Tuy nhiên, ngành công nghiệp khai thác than đang vật lộn với nhiều thách thức gồm các khoản nợ lớn, giá năng lượng thấp, các quy định môi trường chặt chẽ hơn, sản xuất thép suy giảm và nhiều nhà máy nhiệt điện chuyển sang sử dụng khí đốt thay vì than.

Sản lượng than của Mỹ chạm mức đỉnh 1,17 tỉ tấn vào năm 2008. Trong những năm gần đây, sản lượng than của Mỹ đang trên đà giảm và có thể giảm về mức 752,5 triệu tấn trong năm 2016, theo dự báo của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ.

Theo TBKTSG