Tập đoàn bất động sản Evergrande lỗ 112 tỉ USD chỉ trong 2 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đêm 17/7, Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, đã thông báo số liệu thiệt hại tồi tệ nhất trong lịch sử các công ty Trung Quốc, được ví như “quả bom nổ giữa đêm khuya”.

Trụ sở tại Thâm Quyến của Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc đang bên bờ vực phá sản (Ảnh: Getty).
Trụ sở tại Thâm Quyến của Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc đang bên bờ vực phá sản (Ảnh: Getty).

Ngày 17/7, Tập đoàn Hằng Đại (China Evergrande Group) đã công bố số liệu kinh doanh trong 2 năm tài chính 2021 và 2022 vừa qua, cho thấy công ty bị lỗ hơn 800 tỉ Nhân dân tệ (NDT, tức 112 tỉ USD) trong 2 năm, trong đó khoản lỗ năm 2021 là 686,2 tỉ NDT (96,068 tỉ USD) và lỗ 125,81 tỉ NDT (17,613 tỉ USD) vào năm 2022.

Theo số liệu được công khai, năm 2021 và 2022, tổng thiệt hại của tất cả các công ty thua lỗ trong danh sách 500 công ty hàng đầu Trung Quốc là khoảng 900 tỉ NDT trong 2 năm, chỉ cao hơn chưa đến 90 tỉ NDT so với khoản lỗ của riêng Evergrande trong cùng thời gian.

Ngoài ra, theo dữ liệu có sẵn, kỷ lục thua lỗ cao nhất của một công ty Trung Quốc trong một năm tài chính trong quá khứ là 102,9 tỉ NDT của công ty China Huarong vào năm 2020. Đến nay, Evergrande Group đã ghi nhận khoản lỗ hơn 680 tỉ NDT vào năm 2021 và khoản lỗ hơn 120 tỉ NDT vào năm 2022. Bất kể là năm nào, mức lỗ cũng đều đã vượt qua số liệu lỗ khổng lồ mà Huarong ghi nhận vào năm 2020, đẩy mức trần thua lỗ của một công ty Trung Quốc lên tới mức cao chưa từng có.

Hua Gia An, nguoi dung dau tap doan.pngÔng Hứa Gia Ấn, người đứng đầu Evergrande Group (Ảnh: Reuter).

Theo dữ liệu kinh doanh do Evergrande Group tiết lộ, doanh thu của công ty vào năm 2021 là 250,01 tỉ NDT (35 tỉ USD), lỗ kinh doanh là 113,75 tỉ NDT (15,925 tỉ USD) và khoản lỗ giá trị hợp lý 404,95 tỉ NDT (56,69 tỉ USD) đối với các tài sản đang phát triển, bất động sản đã hoàn thành để bán và bất động sản đầu tư. Khoản lỗ liên quan đến thu hồi đất, tổn thất tài sản tài chính và các khoản lỗ phi kinh doanh khác là 180,20 tỉ NDT (25,228 tỉ USD), thuế thu nhập là 12,68 tỉ NDT (1,775 tỉ USD) và tổng lỗ ròng là 686,22 tỉ NDT (96,07 tỉ USD).

Năm 2022, thu nhập của Evergrande là 230,07 tỉ NDT, lợi nhuận gộp là 24,99 tỉ NDT, lỗ kinh doanh là 43,39 tỉ NDT, khoản lỗ liên quan đến thu hồi đất, tổn thất tài sản tài chính và các khoản lỗ phi kinh doanh khác là 69,37 tỉ NDT, và chi phí thuế thu nhập là 13,05 tỉ NDT, tổng lỗ ròng là 125,81 tỉ NDT (17,613 tỉ USD).

Ngoài số liệu kinh doanh, Evergrande cũng tiết lộ trong 2 bản báo cáo tài chính năm các vấn đề nợ và tài sản thực mà bên ngoài rất quan tâm.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng nợ phải trả của công ty là 2.580,15 tỉ NDT (361,22 tỉ USD), trong đó 607,38 tỉ NDT là khoản vay, 893,34 tỉ NDT các khoản phải trả thương mại và các khoản phải trả khác (bao gồm vật liệu kỹ thuật phải trả 585,01 tỉ NDT) và 105,09 tỉ NDT các khoản nợ phải trả khác.

Evegdande tung gop mat trong top 500 the gioi.jpg
Evergrande Group từng đứng trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới (Ảnh: Yicai).

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ phải trả của công ty giảm nhẹ xuống còn 2.437,41 tỉ NDT (341,23 tỉ USD), nhưng khoản nợ thực tế sau khi loại trừ các khoản nợ hợp đồng 721,02 tỉ đã tăng lên 1.716,39 tỉ NDT, trong đó: các khoản vay 612,39 tỉ NDT, các khoản phải trả thương mại và các khoản khác phải trả là 1.002,26 tỉ NDT (bao gồm 596,16 tỉ phải trả cho vật liệu kỹ thuật) và các khoản nợ phải trả khác là 101,74 tỉ NDT.

Tương ứng, tổng tài sản của Evergrande đến cuối năm 2021 và 2022 lần lượt là 2107,096 tỉ NDT (294,993 tỉ USD) và 1838,338 tỉ NDT (257,367 tỉ USD), tổng vốn chủ sở hữu lần lượt là -473,054 tỉ NDT (66,22 tỉ USD) và -599,074 tỉ NDT (83,87 tỉ USD). Từ góc độ số liệu tài vụ, Evergrande Group đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, ngay cả khi đã trừ đi các khoản nợ hợp đồng 2 năm (tương đương với số tiền nhận trước tiền bán nhà nhưng chưa giao nhà), tổng số nợ còn lại vẫn chiếm phần lớn trong dư nợ tài sản.

Trong thông báo, Evergrande cho biết đến cuối năm 2022, công ty có quỹ đất dự trữ là 210 triệu mét vuông và có 79 dự án cải tạo nhà cũ mà tập đoàn đã tham gia. Evergrande, có tổng nợ phải trả là 1.716,39 tỉ NDT (240,294 tỉ USD) trong cùng kỳ.

Theo dữ liệu, đến cuối năm 2022, tài sản đang phát triển của Evergrande trên sổ sách là 1.136,084 tỉ NDT, tài sản đã hoàn thành để bán là 102,894 tỉ NDT; tổng số tiền mặt và các khoản tương đương (bao gồm cả tiền mặt bị hạn chế) là 14,305 tỉ NDT. Ngoài ra, có 63,062 tỉ NDT bất động sản đầu tư đứng tên công ty và 25,893 tỉ NDT khoản đầu tư được hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Như vậy, tất cả các khoản công ty có thể trông vào là 1.342,238 tỉ NDT, nếu bán tất cả thì vẫn còn thiếu nợ khoản tiền lên tới 394,152 tỉ NDT (55,181 tỉ USD).

Nhieu Tòa án nha cua Hang Dai khong ban duoc.jpg
Rất nhiều tòa nhà của Evergrande đã hoàn thành nhưng không bán được (Ảnh: Getty).

Năm 2020 là năm cuối cùng kinh doanh bình thường, Evergrande báo lãi ròng 8,1 tỉ NDT (1,134 tỉ USD).

Evergrande đã đứng trước nguy cơ phá sản vào năm 2021 và đã công bố kế hoạch tái cơ cấu nợ ở nước ngoài vào tháng 3/2023. Nhưng công ty vẫn tiếp tục “giãy giụa” để hoàn thành các dự án đã phát triển và trả nợ cho các nhà cung cấp và người cho vay.

Bất động sản là ngành trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc và là một trong những đầu tàu tăng trưởng kinh tế trong 20 năm qua. Theo số liệu năm 2020, ngành bất động sản chiếm 7,34% GDP thúc đẩy gián tiếp các ngành liên quan chiếm 9,9%, tổng cộng chiếm 17% GDP.

Kênh tin tức kinh doanh và tiêu dùng Mỹ CNBC nhận định khoản nợ khổng lồ của Tập đoàn Evergrande đã trở thành mối lo ngại nghiêm trọng đối với ngành bất động sản Trung Quốc.

Báo cáo trích dẫn ước tính từ JPMorgan rằng khoảng 50 nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đã không thể trả khoảng 100 tỉ USD trái phiếu ở nước ngoài trong 2 năm qua và hàng chục công ty đã bị đình chỉ giao dịch trên thị trường chứng khoán Hong Kong.

Hiện tại, ngành bất động sản Trung Quốc có rất nhiều tòa nhà bỏ dở chừng, giá nhà đất tụt giảm, đa số khách hàng đều sợ mua hoặc không muốn mua, xuất hiện tình trạng ảm đạm.

Theo Yicai, Sina